Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; trong đó, quy định tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu.
Theo đó, điều 1 của dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung điều 1 của Nghị định 83 quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.
Lý giải đề xuất này, trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương – đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định nêu rõ, do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này, Bộ đã tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, xăng dầu là lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa để doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Đến nay, sau 13 năm, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không…
Theo Bộ Công Thương, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào một số doanh nghiệp nhà nước lớn được Thủ tướng cho phép (như vào Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOil là 35%, Tổng công ty Dầu Bình Sơn là 49%, Tập đoàn Xăng dầu 20%) đã góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp giá trị doanh nghiệp tăng thông qua giá trị cổ phiếu.
Ban soạn thảo đã cân nhắc kỹ và đưa ra mức giới hạn cổ phần chuyển nhượng là 35% là để giới hạn được mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp trong nước, nhất là không để họ có quyền phủ quyết trong khi tỷ lệ này đủ giúp doanh nghiệp nội thu hút được vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Ngoài việc tạo thuận lợi như trên cho nhà đầu tư ngoại, dự thảo Nghị định cũng đưa ra 2 phương án về thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, phương án 1, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 10 ngày và phương án 2 là 15 ngày. Ở cả hai kịch bản đưa ra, nếu giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó trong khoảng 7-10%, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng tính tới việc cho phép áp dụng các máy bán xăng dầu mini đã được kiểm định tại vùng sâu, vùng xa để bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 83 cũng sửa cách tính giá cơ sở xăng dầu dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ nguồn trong nước và nhập khẩu, khi cơ cấu nguồn hiện đã thay đổi với tỷ lệ xăng dầu sản xuất trong nước trên 80%.
Do đó, công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn trong nước và nhập khẩu và các mức thuế, phí nhập khẩu, trong nước… để đưa vào công thức tính giá. Giá này sẽ là cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ trong nước./.
Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Ngày 10/1 tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More