Liên quan đến đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều sinh viên cho rằng, số giờ làm thêm sẽ không thể tác động đến kết quả học tập nếu sinh viên biết chủ động sắp xếp thời gian hợp lý.
Đang làm thêm cho một cửa hàng quần áo, sinh viên Nguyễn Đan Thanh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết, trung bình mỗi tuần, bản thân làm khoảng 30 giờ, riêng vào hè hoặc các tuần sau khi thi kết thúc học phần sẽ cao hơn do thời gian rảnh nhiều. Với thu nhập từ công việc bán thời gian này, nữ sinh không cần phải phụ thuộc vào gia đình để trang trải các chi phí sinh hoạt phí hàng tháng.
“Mức lương không quá cao nhưng nếu chi tiêu tiết kiệm, em vẫn có thể tự trang trải được các sinh hoạt phí của bản thân. Chưa hết, công việc ở cửa hàng khá nhẹ nhàng, những lúc không có khách, chị chủ còn cho em lấy sách vở xem bài”, Đan Thanh chia sẻ.
Khi nghe tin Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất việc học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, Đan Thanh không khỏi băn khoăn. Bởi nếu áp dụng, không chỉ thu nhập giảm mà công việc của Đan Thanh cũng có thể bị ảnh hưởng.
“Tại cửa hàng quần áo em làm, mỗi nhân viên phải đăng ký ít nhất là 24 tiếng/tuần. Mỗi ca cố định 4 tiếng nhưng một số ngày phải làm ca đứng kéo dài khoảng 7 tiếng và được bao cơm. Điều này đã được thỏa thuận từ lúc phỏng vấn nên em không thể thay đổi. Chưa kể, từ giữa năm trước đến nay, lịch học khá trống nên làm 25-30 giờ/tuần cũng không ảnh hưởng đến việc học của em”, nữ sinh nói.
Theo Đan Thanh, nếu biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, số giờ làm thêm sẽ không tác động đến kết quả học tập của sinh viên: “Nhiều người nghĩ rằng, nếu sinh viên mải mê làm thêm sẽ ảnh hưởng đến việc học, còn em thì không cho là như vậy. Nhờ chủ động lập thời gian biểu, cân đối thời gian giữa làm và học nên dù làm 30 giờ/tuần, học kỳ này em vẫn đạt loại giỏi”.
Cùng chung nỗi băn khoăn đó, nữ sinh Phạm Thị Bích Hằng (Vĩnh Long) cho biết, bản thân hiểu rõ đề xuất này được đưa ra nhằm mục đích tốt, mong muốn sinh viên đừng sa đà vào làm thêm mà ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên, trước khi áp dụng, Bích Hằng nghĩ rằng, cần xem xét kỹ vì không phải đề xuất này đều phù hợp với mọi đối tượng.
“Sinh viên làm thêm có nhiều nguyên nhân, có người muốn tăng trải nghiệm, có người thì hy vọng thông qua các công việc này để có khoản thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, đỡ gánh nặng cho gia đình… Nếu áp dụng đề xuất này vào thực tế, nhóm muốn tăng trải nghiệm có thể không bị tác động nhiều nhưng nhóm nặng về kinh tế thì ngược lại. Vì giới hạn số giờ làm thêm đồng nghĩa với thu nhập sẽ giảm xuống”, nữ sinh chia sẻ.
Bích Hằng nói thêm, quyết định đi làm thêm là quyền tự do của mỗi người. Ở độ tuổi của một sinh viên, hầu hết các bạn đều đã có đủ nhận thức về tầm quan trọng của việc học. Cho nên, điều quan trọng nằm ở bản thân sinh viên tự sắp xếp thời gian như thế nào.
“Đối với các bạn sinh viên năm 1, năm 2, việc học nhiều thì có thể sắp xếp số giờ làm thêm ít lại. Còn đối với sinh viên năm 4 như em, hầu hết các học phần, chứng chỉ đều đã hoàn thành nên việc đăng ký làm thêm trên 20 giờ/tuần sẽ không bị ảnh hưởng gì“, Bích Hằng chia sẻ.
Mỹ Ly