Theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Hưng Yên có 7 cầu vượt được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu lưu thông, đi lại của người dân trong các khu dân cư, công nghiệp, cơ quan hai bên dọc đường… gồm 1 cầu dành cho người đi bộ, 3 cầu dành cho xe máy và người đi bộ, 3 cầu dành cho ô tô dưới 3,5 tấn, xe máy và người đi bộ (3 cầu được xây dựng năm 2000; 1 cầu xây dựng năm 2004; 2 cầu xây dựng năm 2014).
Trong quá trình quản lý, khai thác và bảo trì, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ theo quy định; vệ sinh sạch sẽ mặt cầu, khe co dãn, sơn lan can cầu, sơn bê tông thành cầu, lau và sơn hệ thống biển báo… việc quản lý, bảo vệ hành lang cầu vượt được thực hiện thường xuyên.
Các cầu đang bị lấn chiếm nghiêm trọng
Tuy nhiên, hiện nay các cầu này đều nằm ở các khu đông dân cư nên việc lấn chiếm gầm cầu, hành lang đường đầu cầu để kinh doanh vật liệu xây dựng, bán hàng rất nghiêm trọng. Mặc dù đơn vị quản lý đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương để giải tỏa vi phạm hành lang cầu nhưng hiệu quả thấp, việc lấn chiếm vẫn tái diễn, đặc biệt là cầu vượt tại Km16+970 và cầu vượt tại Km28+753.
Mặc khác, do sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, khu dân cư dọc hai bên tuyến Quốc lộ 5, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên cầu đã vượt quá năng lực thiết kế đồng thời việc chính quyền địa phương không bố trí quỹ đất xây dựng đường gom nên khi nhu cầu của người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, một số cầu vượt trên tuyến đã không đáp ứng được nhu cầu kết nối giao thông…
Dùng nguồn vốn địa phương để nâng cấp
Theo VIDIFI, việc cải tạo nâng cấp các cầu vượt qua Quốc lộ 5 cần nguồn kinh phí lớn (dự kiến khoảng 50 tỷ đồng/cầu), công việc giải phóng mặt bằng phức tạp… trong khi doanh thu từ nguồn thu phí trên Quốc lộ 5 chưa bảo đảm mức thu.
Bên cạnh đó, VIDIFI cũng cho biết, phương án tài chính của dự án BOT không có nội dung về cải tạo, nâng cấp các cầu vượt qua Quốc lộ 5.
Bộ GTVT cũng nói rõ, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được ngân sách Trung ương bố trí cho Bộ GTVT đã được cân đối, bố trí cho các dự án theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không còn nguồn vốn để bố trí cho các việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các cầu vượt dân sinh trên Quốc lộ 5 theo đề nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên.
Với những khó khăn như trên, Bộ GTVT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên có ý kiến với UBND tỉnh nghiên cứu phương án nhận điều chuyển các cầu vượt dân sinh này thành tài sản của địa phương và thực hiện công tác đầu tư, quản lý, sử dụng, bảo trì bằng nguồn ngân sách địa phương.
Về phía Bộ GTVT, cơ quan này cũng khẳng định sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Phan Trang
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More