Pháp luật

Đề xuất cắt điện, nước để xử lý vi phạm hành chính: Không phù hợp thực tế

Tờ trình dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung biện pháp cưỡng chế mới được đại diện Bộ Tư pháp đề xuất trước Quốc hội ngày 22-5 vừa qua, trong đó có việc áp dụng biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” chung quanh đề xuất này, nhiều ý kiến dư luận không đồng tình.

Từng bị “vấp” trong quá trình triển khai

Theo tờ trình của Bộ Tư pháp tại phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22-5, đề xuất bổ sung biện pháp cưỡng chế mới vào Luật Xử lý vi phạm hành chính là “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ“. Ngay sau đó có nhiều ý kiến của người dân không đồng tình với đề xuất này. Theo đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp đây là biện pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng các quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng không được chấp hành.

Trước đó, nội dung nêu trên được quy đinh tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, đến ngày 15-1-2018 bị bãi bỏ do không phù hợp.

Dư luận không đồng tình với đề xuất cắt điện, nước để xử lý vi phạm hành chính.

Thực tế, điện và nước là hai yếu tố quan trọng trong quá trình thi công bất kỳ công trình xây dựng nào. Tuy nhiên, nhiều người dân lại cho rằng, giữa công ty điện lực, cấp nước và khách hàng có ký kết hợp đồng, trong đó có các điều khoản quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ giữa bên mua và bên bán. Trong đó, không có bất kỳ điều khoản nào liên quan tới việc bên bán được phép cắt điện hoặc nước bên mua khi vi phạm trật tự xây dựng.

Luật sư Đỗ Đức Khánh, Văn phòng luật sư DTD chi nhánh Hải Phòng cho rằng: Việc cung cấp điện, nước là thực hiện hợp đồng dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng được bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên. Do đó, nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì nhà cung cấp không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng, càng không thể chấm dứt hợp đồng dân sự bằng quyết định hành chính của nhà nước.

Khó thực hiện

Điện, nước là những nhu cầu thiết yếu, do đó, đề xuất ngừng cung cấp điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Do đó, để tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân, chỉ nên coi “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước” là biện pháp ngăn chặn. Biện pháp này chỉ nên áp dụng với những hành vi mà điện, nước là điều kiện cần, là phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính và việc áp dụng biện pháp này không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động của cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đề xuất này được triển khai, việc xác định mức độ ảnh hưởng tới người dân rất khó khăn. Chủ tịch UBND phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) Hồ Xuân Thủy cho rằng: Đối với những trường hợp vừa tiến hành xây dựng vừa lưu trú, sinh hoạt tại cùng địa điểm, việc ngừng cung cấp điện, nước chắc chắn sẽ tác động lớn đến cuộc sống người dân.

Đồng tình quan điểm này, Phó giám đốc Điện lực Dương Kinh Hoàng Công Hoan cho rằng: Tất cả khách hàng mua điện trực tiếp và có ký hợp đồng mua điện với Công ty Điện lực sẽ chịu sự giám sát, chi phối từ Luật Điện lực và các nghị định liên quan. Do đó, chỉ nên ngừng cung cấp dịch vụ đối với những trường hợp người mua thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại Luật Điện lực, như phá hoại trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực; vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện; cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện; trộm cắp điện; sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ; vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.

Việc không bảo đảm trật tự xây dựng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với người dân sinh sống gần khu vực thi công, do đó cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý vi phạm này. Trong đó, thay vì đề xuất cắt điện, nước công trình, nên tăng cường áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác phù hợp hơn, như cấm các phương tiện chở vật tư, vật liệu xây dựng vào thi công xây dựng cũng như tịch thu các tang vật vi phạm….

Minh An – Ảnh: Trung Kiên

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More