Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia từ 5.000-10.000 USD là giai đoạn có nhiều hoạt động kinh tế xã hội tác động đến môi trường nhiều nhất. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu, nội dung, kế hoạch rất cụ thể.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch được xây dựng với các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Quy hoạch cũng bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động đối với môi trường và sức khỏe con người.
Quy hoạch đã xác định các mục tiêu cụ thể với 04 nhóm đối tượng cụ thể là phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, khu xử lý chất thải tập trung và về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường. Hiện nay Bộ đang xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch bảo vệ môi trường và lấy ý kiến các địa phương.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các bộ ngành địa phương tiếp tục có ý kiến cho Kế hoạch triển khai Quy hoạch bảo vệ môi trường. Ông gợi ý, chúng ta đang đề ra 3 mức bảo vệ trong phân vùng bảo vệ quốc gia gồm vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và các vùng khác. “Cần nghiên cứu làm sao để thực hiện được bảo vệ môi trường, phân vùng môi trường nhưng không làm cản trở phát triển kinh tế xã hội các địa phương cũng như toàn quốc”, Thứ trưởng gợi ý.
Năm 2025, theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, Việt Nam bắt đầu thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đây là quy định quan trọng trong bối cảnh rác thải nhựa trên biển và đất liền hết sức nhức nhối.
Thứ trưởng gợi ý việc xây dựng một lộ trình tiến tới cấm nhập khẩu phế liệu không cần thiết, gây ảnh hưởng đến môi trường như phế liệu nhựa, phế liệu giấy. “Các nước xung quanh chúng ta đã cấm nhập khẩu phế liệu rồi. Để quản lý chất thải tốt hơn, cần nghiên cứu kinh nghiệm các nước, xây dựng lộ trình để từng bước tiến tới cấm nhập khẩu phế liệu trong nước. Các địa phương nghiên cứu sử dụng hệ thống camera, hình thành mạng lưới giám sát sự tuân thủ về bảo vệ môi trường, sự chấp hành của người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường như vứt rác, xả thải”, Thứ trưởng đề xuất.
Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ câu chuyện từ thực tế chuyến công tác Vân Nam, Trung Quốc và cho hay mình rất ngạc nhiên khi thành phố của họ rất sạch sẽ, cả những khu dân cư, chung cư, khu chợ đều khá sạch. “Trong các giải pháp mà tỉnh Vân Nam, Trung Quốc triển khai có giải pháp hình thành mạng lưới giám sát sự tuân thủ về bảo vệ môi trường, sự chấp hành của người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường bằng camera, giúp ý thức của người dân về bảo vệ môi trường nâng lên rõ rệt”, Thứ trưởng Thành nói.
Hiện tại, một số địa phương ở Việt Nam đã thí điểm lắp hệ thống camera giám sát ở những khu vực hay xảy ra đổ thải trộm. Tuy nhiên, các hệ thống này mới chủ yếu tập trung ở các thành phố du lịch như Đà Lạt hay Phú Quốc.
Nguyễn Hoài
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More