Chính sách

Đề xuất bỏ sổ học bạ bằng giấy để tiết kiệm thời gian và tiền bạc

Đánh giá cao các kết quả nổi bật trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Giáo dục trong thời gian qua, các chuyên gia về công nghệ cũng cho rằng trong tương lai cần đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa, đồng bộ cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Trong đó có việc bỏ sổ học bạ bằng giấy để giảm hồ sơ sổ sách cho giáo viên.

Số hóa dữ liệu gần 25,5 triệu giáo viên, học sinh

Nhiều ý kiến đề xuất bỏ học bạ giấy để giảm thủ tục. Ảnh minh hoạ: Bằng Linh.

Ngày 20.12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội nói chung và GDĐT nói riêng. Trong bối cảnh phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa kiên trì mục tiêu chất lượng và hoàn thành kế hoạch năm học.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục đào tạo trong thời gian qua, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) cho hay, Bộ GDĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông, tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở giáo dục và đào tạo, 710 phòng giáo dục và đào tạo.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bích Hà.

Dữ liệu bao gồm các cấu phần cơ sở thành phần như trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính… Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh và hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý.

Bộ GDĐT cũng đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý). Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).

Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, xây dựng hệ thống học liệu điện tử với hơn 7.000 bài giảng…

Vẫn còn nhiều thách thức

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận về các hiện trạng, thuận lợi, khó khăn, chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tế triển khai chuyển đổi số tại các ngành giáo dục địa phương.

Chẳng hạn như việc chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý, chưa có sự phối hợp thống nhất giữa kế hoạch triển khai của Bộ GDĐT và các sở giáo dục và đào tạo, các phần mềm còn chồng chéo…

Nhiều ý kiến đề xuất Bộ GDĐT rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chuẩn dữ liệu, hướng dẫn, công nhận học bạ số, hướng tới thay thế hoàn toàn học bạ giấy, cắt giảm các thủ tục hành chính.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn.

Tháo gỡ nút thắt, tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục

Chia sẻ với băn khoăn của các địa phương, phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, trong năm 2023, ngành giáo dục tập trung xây dựng hoàn chỉnh dữ liệu vì đây là vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Bộ GDĐT đã có kế hoạch và sẽ sớm xây dựng phần mềm quản lý, quy trình trình cơ bản và hoàn thiện về hành lang pháp lý và tiếp tục xây dựng kho học liệu cho các cấp học để làm cơ sở cho học sinh có thể tự học, thầy cô có thể tham khảo.

Dữ liệu phải gắn bó chặt chẽ với quy trình, cập nhật thường xuyên, đầy đủ, thống nhất chứ không phải chỉ cập nhật dữ liệu theo thời điểm để báo cáo“, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho rằng rất cần thiết phải số hóa các hoạt động dạy-học và quản lý trong ngành giáo dục.

Việc này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho giáo viên, nhà quản lý, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Điều quan trọng nhất là cần có một hệ sinh thái hợp nhất mọi nghiệp vụ giáo dục trên một nền tảng, từ việc tuyển sinh, quản lý hồ sơ học sinh, thời khóa biểu, học trực tuyến, thi kiểm tra đánh giá, dinh dưỡng, thiết bị, thư viện, quản lý tài liệu sổ sách và các khoản thu trong nhà trường.

Hiện MISA đang nỗ lực phát triển một nền tảng để đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó, có thể báo cáo điều hành kết nối với từng trường, từng địa phương mọi lúc mọi nơi trên mọi thiết bị, để nâng cao chất lượng dạy và học toàn ngành theo xu hướng thế giới, góp phần xây dựng nền giáo dục thông minh.

Vân Hà

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Vô địch Asean Cup 2024, đội tuyển Việt Nam được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất

Giành chức vô địch Asean Cup 2024 sau 2 trận chung kết thắng Thái Lan…

06/01/2025

Công an quận Hồng Bàng xử lý 09 trường hợp đốt pháo sáng và 10 trường hợp gây mất TTATGT đêm 5/1/2025

Đêm 5/1/2025, Công an quận Hồng Bàng tổ chức tuần tra vây ráp phòng chống…

06/01/2025

‘Bộ ba’ Viettel, MobiFone, VNPT lãi lớn, hé lộ thu nhập nhân viên bỏ xa nhiều ngân hàng

Số liệu kết quả kinh doanh của 3 “ông lớn” ngành viễn thông Viettel, MobiFone,…

06/01/2025

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinh Quang (Hải Phòng)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 5/1/2025 về chủ…

05/01/2025

Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ dịch bệnh do virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc

Chiều ngày 5/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có báo cáo…

05/01/2025

Tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường 405

8 giờ 40 phút ngày 5-1, tại trục đường 405 địa phận thôn Hòa Liễu,…

05/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More