Bộ Y tế đề xuất Dự án Luật Dân số không quy định cụ thể về số lượng mà trao quyền quyết định sinh bao nhiêu con cho từng cặp vợ chồng.
Trong Báo cáo Đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Dân số, Bộ Y tế cho biết, dự luật nhắm đến mục tiêu duy trì mức sinh thay thế vững chắc (2,1 con/phụ nữ) trên toàn quốc.
Dự luật không đặt ra quy định cụ thể về số lượng con của từng cặp vợ chồng. Thay vào đó, dự luật sẽ trao quyền quyết định cho từng gia đình, đi kèm là trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Điều này cho thấy những thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số, văn bản pháp luật về dân số quan trọng nhất hiện nay.
Theo đó, pháp lệnh quy định mỗi cặp vợ chồng hoặc cá nhân chỉ được “sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Theo Bộ Y tế, việc trao quyền quyết định số con cho các bậc phụ huynh sẽ giúp đối phó với tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp, dẫn đến già hóa dân số và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia.
Bộ Y tế thông báo, dự luật nhằm điều chỉnh mức sinh và định hướng giáo dục về hôn nhân và gia đình cho thanh niên.
Các chủ lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động có thể tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ dân số về kế hoạch hóa gia đình phù hợp với môi trường lao động.
Các cơ quan thực hiện chương trình hỗ trợ thành viên và người lao động trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt.
Thống kê cho thấy mức sinh trên toàn quốc đang giảm và có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng và nhóm đối tượng. Các khu vực kinh tế và xã hội khó khăn thường có tỉ lệ sinh cao hoặc rất cao.
Ngược lại, ở các đô thị, tỉ lệ sinh lại thấp, với một số nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đang lan rộng trong các đô thị.
Theo Cục Dân số, giảm tỉ lệ sinh là một xu hướng toàn cầu, và Việt Nam đang trải qua quá trình này nhanh hơn so với thế giới.
Trước đây, mỗi phụ nữ ở thành thị sinh trung bình hơn 1,7 con, nhưng trong hai năm gần đây, con số này giảm xuống dưới 1,7. Ở nông thôn, tỉ lệ sinh năm 2024 cũng dự kiến giảm xuống dưới mức sinh thay thế.
Mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống). Khi tổng tỉ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt; xu hướng mức sinh thấp.
Tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số trong khi già hóa dân số là xu thế tất yếu của các quốc gia.
Trên thực tế, ba năm qua, tỉ suất của 21 tỉnh thành thuộc các vùng có mức sinh thấp đã tăng nhẹ.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có xu hướng giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh với mức sinh chỉ còn 1,32.
Đến nay có 4 địa phương là Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định đạt mức sinh thay thế.
Thanh Trà