Tại Hội nghị, TS Angela Pratt, Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, để xây dựng Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn, cần bắt đầu thực hiện một số biện pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.
Bằng chứng toàn cầu cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng khiến người dân thừa cân và béo phì, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác bao gồm ung thư.
Ở Việt Nam, 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các TP, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì. Chính vì vậy, chúng ta cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này“, TS Angela Pratt nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu của WHO, trên thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế. Tín hiệu giá, chi phí cao hơn rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, năm 2015 có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040. Kết quả điều tra STEP 2015, 2021 cho thấy, tỷ lệ người tăng đường huyết lúc đói tăng gần gấp 2 từ 4,1% lên 7,06%; tăng huyết áp người trưởng thành trên 25%.
Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp từ 17 nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường cao tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 lên 1,51 lần.
Theo khuyến cáo của WHO, lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường. Trong đó, biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế.
Theo ThS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.
Đồng thời, nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường bằng cách quy định dán nhãn mặt trước thể hiện hàm lượng đường; nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh; giảm tính sẵn có của đồ uống có đường; cấm tiếp thị đồ uống có đường./.
Thảo Anh
Sáng 8/11, Sở Công Thương thành phố phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại…
Sáng 8/11, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và…
Báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin…
Với hàng chục điểm sạt lở đất đồi, núi sau khi bão số 3 đi…
Chiều 7/11, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More