Print Thứ bảy, 26/01/2019 16:53

UBND TP Hải Phòng đang chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long – Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Di sản mới, nếu được công nhận sẽ gồm diện tích của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long hiện nay và một phần quần đảo Cát Bà của Hải Phòng.

Tuy chặng đường phía trước còn rất dài để UNESCO công nhận nhưng ngày từ bây giờ, bài toán quản lý một di sản nằm trên 2 địa phương đã làm đau đầu các nhà quản lý và chuyên gia. 

Quản lý chung sẽ như thế nào khi có quá nhiều khác biệt giữa hai bên; trong khi nếu quản lý riêng thì trước hết phải phân định ranh giới, bởi hiện nay mỗi bên vạch một đường phân định của riêng mình.

Không còn “Di sản thế giới vịnh Hạ Long” đứng độc lập

Tại kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO vào tháng 6.2014 ở Doha, Qatar, Ủy ban di sản thế giới quyết định không đưa hồ sơ Quần đảo Cát Bà -Khu dự trữ sinh quyển thế giới -vào danh sách đề cử Di sản thế giới. Lý do không thể tồn tại 2 di sản thiên nhiên thế giới liền kề nhau cùng tương đồng về các giá trị cảnh quan, địa mạo, địa chất…Tuy nhiên, ủy ban này khuyến nghị nên xem xét khả năng đề xuất mở rộng vịnh Hạ Long tới một phần của quần đảo Cát Bà.

Hiện TP Hải Phòng đã hoàn thành hồ sơ chính của quần đảo Cát Bà và đang tiếp tục lấy ý kiến các sở, ban, ngành trước khi chuyển sang Quảng Ninh và trình Ủy ban Di sản quốc gia. Dự kiến, đến tháng 9.2018, dự thảo hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long – Cát Bà sẽ được nộp lên Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO và 1 năm sau đó sẽ trình hồ sơ chính thức sau khi hoàn thiện theo các ý kiến đóng góp. Và nếu được công nhận, cái tên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long sẽ không còn đứng độc lập.

Di sản thiên nhiên thế giới tương lai này, ngoài các giá trị đã được vinh danh trước đó của vịnh Hạ Long là cảnh quan, địa mạo – địa chất sẽ có thêm giá trị về đa dạng sinh học.

Theo một số chuyên gia, có lẽ sẽ không khó để chứng minh với thế giới về những giá trị trên, bởi cảnh quan, địa mạo – địa chất của 2 bên không khác gì nhau, còn về đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long -Cát Bà cũng vào loại hàng hiếm.

Tổng hợp tại 2 khu vực này đã phát hiện được trên 4.900 loài động thực vật, kể cả trên cạn và dưới biển. Trong đó, khu hệ sinh vật trên đạt có trên 2.750 loài, khu hệ sinh vật thủy sinh có khoảng 2.150 loài. Đặc biệt, loài Voọc đầu trắng Cát Bà -loài có giá trị toàn cầu về bảo tồn – được đưa vào danh sách một trong những loài linh trưởng bị đe dọa cao nhất thế giới, cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ sẽ quản lý, bảo vệ, phát triển ra sao khi di sản nằm trên 2 địa phương, với những cơ chế quản lý, khai thác hiện nay cơ bản khác biệt?

Mô hình quản lý nào?

Theo quy định, một di sản nằm trên ít nhất 2 tỉnh thành sẽ do một ban quản lý thuộc cấp bộ quản lý. Tuy nhiên, liệu ban này có đủ thầm quyền để xử lý những vấn đề ở một điểm du lịch sôi động và rất phức tạp như vậy?

Bài học về vịnh Hạ Long là một ví dụ. Ban quản lý vịnh Hạ Long, khi là đơn vị cấp sở, gần như không thể xử bất cứ vi phạm của đơn vị, cá nhân nào trong phạm vi quản lý của mình bởi không có thẩm quyền. Nhưng từ khi ban này giao về UBND TP.Hạ Long, trật tự trên vịnh Hạ Long cơ bản được lập lại; doanh thu tăng mạnh.

Hơn nữa, các tiêu chuẩn về tàu du lịch, xử lý các vi phạm…của 2 bên cũng hoàn toàn khác biệt. Ví dụ như hiện nay hơn 500 tàu du lịch đều sơn màu trắng, vậy liệu khi vịnh Hạ Long mở rộng sang Cát Bà, điều kiện này có áp dụng chung cho di sản mới?

Thêm đó, trước thực trạng tàu du lịch liên tục đắm, cháy trên vịnh Hạ Long bởi nhiều lý do, Quảng Ninh đã siết chặt việc quản lý, trong đó liên tục tạm dừng hoạt động đối với tàu, nhân viên tàu để xảy ra vi phạm và dừng hẳn việc đóng tàu mới, bên cạnh việc đưa ra những tiêu chuẩn mới, rất khắt khe cho việc đóng tàu mới trong tương lai. Ngoài ra, chi phí để tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long hiện cũng cao hơn nhiều so với bên Cát Bà. Với những lý do đó, nhiều chủ tàu đã đưa tàu của mình sang Cát Bà hoạt động, một loạt các doanh nghiệp khác xin đóng tàu mới bên Cát Bà.

Một vấn đề nữa là trên vịnh Hạ Long đã không còn dùng phao xốp để làm lồng bè, nhà bè, trong khi ở Cát Bà, việc này chưa bị cấm. Chưa kể, hơn 2.000 dân làng chài trong vùng lõi vịnh Hạ Long đã được di lên bờ, trong khi hiện ở vùng lỗi quần đảo Cát Bà vẫn còn hàng ngàn hộ dân.

Theo ông Hồ Quang Huy -Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long thì để quản lý được chung thì hai bên phải đồng nhất được các tiêu chuẩn, từ việc quản lý, xử lý tàu du lịch đến bảo vệ môi trường.

Có giả thiết được đặt ra như sau: Sau khi vịnh Hạ Long -Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới thì địa phận bên nào bên đó quản lý. Việc này cũng không hề đơn giản mà theo một lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long, trước hết phải phân định rạch ròi ranh giới giữa vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Hiện trên bản đồ hành chính ghi 2 đường ranh giới, một theo ý kiến của Quảng Ninh, một theo Hải Phòng. Thậm chí, Hải Phòng vạch một đường phân giới đến tận hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long.

Theo bà Phạm Thanh Hường -Trưởng Ban văn hóa UNESCO Việt Nam -theo Công ước 1972 về Bảo vệ và phát huy Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới thì các vấn đề và hệ thống quản lý thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của quốc gia thành viên. “Hồ sơ đề cử phải làm rõ được cơ chế quản lý cũng như cơ chế giải quyết các vấn đề và nguy cơ phát sinh”, bà Hường cho biết.

(Nguyễn Hùng – Lao động 30/03/2018)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đệ trình công nhận di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Cát Bà: Đau đầu bài toán quản lý
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác