Để trẻ “an toàn” trước tác động của công nghệ số

Công nghệ số ngày nay thâm nhập vào đời sống của mọi gia đình từ nông thôn đến thành thị. Bên cạnh việc cung cấp nhiều tiện tích cho cuộc sống, công nghệ số cũng có những mặt trái tác động tiêu cực đối với những người sử dụng không hợp lý, nhất là với những đối tượng là con trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước…

Chị Nguyễn Thị Mai, Hạ Lý, Hồng Bàng có cậu con trai năm nay lên 5 tuổi. Có một điều đặc biệt là đến bữa ăn, nếu không đưa điện thoại bật game (trò chơi) thì đứa trẻ sẽ lăn ra khóc hờn và không chịu ăn.

Chị Mai giải thích, cháu từ nhỏ sức khỏe kém nên gia đình cố gắng bồi dưỡng cho cháu thông qua ăn uống. Để cháu ăn nhiều, ăn nhanh, ngay từ khi bắt đầu ăn dặm tôi thường bật trò chơi để cháu mải xem, há miệng chờ mẹ đút là nuốt.

Việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành lệ, cứ ăn là phải bật trò chơi, không cháu sẽ khóc và từ chối ăn. Giờ lên 5 tuổi cháu vẫn vậy, gia đình bắt đầu thấy lo lắng về tình trạng này…


Xã hội càng phát triển, trẻ càng tiếp cận nhiều với các thiết bị công nghệ số

Hoàn cảnh của Nguyễn Hoài Nam, học lớp 6, ở Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, lại khác. Mẹ Nam sinh con rồi làm mẹ đơn thân. Khi Nam được 4 tuổi, mẹ gửi cậu cho bà ngoại rồi sang Đài Loan làm ăn.

Để tiện liên lạc, mẹ Nam gửi tiền cho bà ngoại lắp internet. Bà ngoại cả ngày bận bán quán nước đầu khu, vậy là Nam ở nhà một mình tha hồ vẫy vùng với mạng internet. Chát chit, lập facebook kết nhóm khắp nơi, cày game online cả buổi. Cậu dần trở nên lầm lì, hay cáu gắt. Đầu óc lúc nào cũng lơ mơ và chỉ cảm thấy thoải mái khi ngồi bên máy vi tính.

Và sau 2 năm làm bạn với internet, Nam không chỉ học hành giảm sút mà người mẹ nơi phương trời xa cũng chẳng còn khiến cậu thiết tha trò chuyện nữa…

Ngày nay, phải thừa nhận những tác động và thay đổi mạnh mẽ của công nghệ số đối với đời sống con người. Với thế hệ trẻ, công nghệ số giúp các em khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo, chủ động trong việc học tập, làm chủ tri thức và giúp các em kết nối gần nhau hơn.

Công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em bị khuyết tật, trẻ em trong các gia đình nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khác; kết nối các em với thế giới và mang lại cho các em những cơ hội, những kỹ năng cần thiết để hòa nhập cộng đồng và thành công trong cuộc sống.

Công nghệ số mang lại càng nhiều lợi ích cho trẻ em nhưng trẻ em cũng phải chịu nhiều rủi ro và nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn từ môi trường của thế giới công nghệ số. Qua các trang mạng, trò chơi, trò chuyện, phim ảnh…, các sản phẩm công nghệ dần trở thành một chất “gây nghiện” vô hình ở trẻ.

Nhiều trẻ không được bố mẹ hoặc người lớn chỉ dẫn đã trở thành nạn nhân của “kẻ săn mồi” internet và một số khác thì thành kẻ nghiện game. Trò chơi làm cho chúng không có thời gian để tiếp xúc, kết thân, vui chơi với các trẻ khác; làm gia tăng tỷ lệ trẻ bị trầm cảm, cô đơn và tự ti khi giao tiếp ngoài xã hội. Dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội như lên mạng tranh cãi, thách đố dẫn đến gây gổ, đánh nhau; trốn học, bỏ học và những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tâm thần cho trẻ.

Nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của công nghệ số đối với trẻ em, ngày 30-5 vừa qua, UBND TP Hải Phòng đã phát động Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam nhấn mạnh: Năm qua, Hải Phòng có những bước phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, kinh tế xã hội thành phố phát triển mạnh mẽ.

Cùng với việc phát triển hạ tầng kinh tế xã hội thành phố, đời sống của nhân dân cũng được nâng cao một bước, công tác an sinh xã hội của thành phố nói chung trong đó có công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm đầu tư nguồn lực và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Khi tiếp cận công nghệ số, trẻ cần được phụ huynh định hướng và giám sát (ảnh minh họa)

100% trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện can thiệp, phục hồi và được bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ dưới nhiều hình thức, được tiếp cận và hưởng các chính sách trợ giúp xã hội. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp Thẻ bảo hiểm y tế và tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm Y tế và các quy định hiện hành. 100% xã/phường/thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em…

Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn 4.013 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 8.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khỏi bị tổn hại trực tuyến – bao gồm lạm dụng, bóc lột, buôn người, bắt nạt trực tuyến và tiếp xúc với các tư liệu không phù hợp; bảo vệ sự riêng tư và danh tính của trẻ em trực tuyến đang đặt ra những vấn đề mới trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

 Tháng hành động vì trẻ em năm nay được thành phố phát động với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em và đặc biệt bảo đảm cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số.

Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong thế giới công nghệ số; thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”.

Thế hệ trẻ hôm nay sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Sống trong kỷ nguyên số, không thể cấm đoán hoàn toàn con trẻ tiếp cận với công nghệ, song sự tiếp cận đó phải được giới hạn trong chừng mực với sự định hướng, giám sát của phụ huynh. Để bảo vệ an toàn cho trẻ, theo các chuyên gia, chìa khóa để cân bằng những tác động tích cực và tiêu cực của công nghệ đối với trẻ em là sự điều độ.

Bố mẹ cũng không được ỷ vào tính năng đa dạng của công nghệ để dùng các thiết bị công nghệ thay mình dỗ dành, giao lưu với con cái. Hơn lúc nào hết, những bậc phụ huynh cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn và định hướng việc sử dụng đồ chơi công nghệ cho con.

Và nên nhớ một điều, dù thiết bị có tối tân, tiện ích đến đâu thì trẻ cũng không thể thiếu đi nền tảng giáo dục vững chắc xuất phát từ trách nhiệm, sự quan tâm, yêu thương từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Bùi Hạnh – An ninh Hải Phòng 6/6/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More