Từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố) nhận được hàng loạt đơn tố cáo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức công nghệ cao. Để phòng, chống hiệu quả cao với loại tội phạm này, mọi người cần nâng cao cảnh giác, không nhẹ dạ, cả tin, ham những món tiền, món quà từ “trên trời” rơi xuống.
Hình thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi
Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm, thanh toán qua các ứng dụng trực tuyến. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lừa đảo thông qua mạng internet, mạng viễn thông, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Mới đây, chị Phạm T. H., (ở phường Đằng Hải, quận Hải An) đến Phòng Cảnh sát hình sự (PC02- Công an thành phố) trình báo về việc bị chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng qua mạng xã hội Facebook. Theo đó, ngày 25-3 vừa qua, chị H., nhận được tin nhắn messenger từ nick Facebook “Nhi Phuong” đặt mua 2 lẵng hoa lan, trị giá 3,2 triệu đồng. Sau đó, chủ tài khoản trên nhắn chị H., làm theo hướng dẫn để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về. Chị H., nhận được tin nhắn gửi kèm 1 đường link và làm theo hướng dẫn, cung cấp mật khẩu đăng nhập Internet Banking. Sau khi đăng nhập và cung cấp mã OTP, tài khoản của chị H., bị trừ 50 triệu đồng. Khi chị H., đăng nhập lại ứng dụng thì phát hiện tài khoản của mình phát sinh thêm 2 giao dịch chuyển tiền. Tổng số tiền chị H., bị chiếm đoạt 150 triệu đồng.
Tương tự, cô Đỗ T. L., ở xã Đồng Thái (huyện An Dương) bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Qua mạng xã hội Facebook, cô L., kết bạn với tài khoản Facebook tên là “Mathew Kelvin”. Nhắn tin qua Facebook, tài khoản “Mathew Kelvin” cho biết muốn chuyển số tiền đô- la Mỹ lớn để giúp đỡ cô L., trong thời gian việc làm ăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Sau đó, cô L., liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ số điện thoại 0084339690710 yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để nộp phí trước khi nhận số tiền. Cô L., ra ngân hàng chuyển hơn 1,3 tỷ đồng theo yêu cầu. Tiền thật chuyển đi mà chẳng thấy ngoại tệ chuyển về, ít ngày sau, cô L., “chết đứng” khi biết mình mắc bẫy đối tượng lừa đảo nên đến cơ quan công an trình báo, mong sớm vạch trần thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu.
Cùng thủ đoạn trên, gần đây, các đối tượng lừa đảo giả mạo tin nhắn của các ngân hàng thương mại, trang mua bán trực tuyến uy tín hoặc gửi các đường link có tên miền gần giống đường link các đơn vị thật nên người dùng dễ lầm tưởng, mất cảnh giác. Khi người dùng truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị trang web có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng, rồi đề nghị khách hàng xác thực thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…. Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng…
Không ham của “trên trời”
Theo lãnh đạo Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự), đối tượng lừa đảo thường nhắm phụ nữ, người cao tuổi. Để không trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo, người dùng tuyệt đối không click vào các đường dẫn khả nghi; không thực hiện giao dịch với đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án…, qua điện thoại, mạng xã hội; tuyệt đối không gửi tên tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng và các thông tin cá nhân trong bất kỳ trường hợp nào; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Người dân nên hạn chế thực hiện giao dịch chuyển tiền vào dịp cuối tuần, ban đêm. Trong trường hợp phát hiện giao dịch chuyển khoản do bị lừa đảo, người dân lập tức đến cơ quan công an gần nhất trình báo, tố giác để lực lượng chức năng nhanh chóng phối hợp cùng ngân hàng có phương pháp chặn dòng tiền vừa bị chiếm đoạt.
Để đấu tranh hiệu quả cao với loại tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao, Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng công an cơ sở nắm chắc địa bàn, “đi từng ngõ, đến từng nhà”, để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo, giúp người dân biết, phòng tránh và tố giác tội phạm; thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với loại tội phạm này. Bên cạnh đó, ngành Thông tin – Truyền thông tăng cường việc quản lý các cuộc gọi từ internet vào mạng viễn thông theo hình thức VoIP nhằm ngăn chặn các đối tượng giả mạo số điện thoại của cơ quan nhà nước để lừa đảo; rà soát, xử lý các website, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có biểu hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet…
Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02- Công an thành phố) cho biết: Mới đây, PC02 thành lập Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài với lực lượng tinh nhuệ nhất chuyên đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. PC02 tập trung kiện toàn, đào tạo nâng cao trình độ và đầu tư trang thiết bị hiện đại để lực lượng này nhanh chóng đấu tranh hiệu quả cao với tội phạm, góp phần giữ cuộc sống bình yên trong nhân dân.
Số điện thoại, đường dây nóng tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến tội phạm lừa đảo công nghệ cao tại Phòng Cảnh sát hình sự: 069.278.5874
Bảo Nguyên – Ảnh: Minh Tú