Print Thứ Năm, 28/03/2019 03:03

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, do rãnh gió tây trên độ cao 5.000 m tiếp tục di chuyển sang phía đông nên từ chiều tối nay (28-3), khu vực miền núi phía bắc và vùng núi Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông. Chiều tối và đêm 28 đến ngày 29-3, ở vùng núi Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh

Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn dịch tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng).

* Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, tại các tỉnh phía đông khu vực Nam Bộ, nắng nóng đang diễn ra trên diện rộng. Dự báo, từ hôm nay (28-3) áp thấp nóng phía tây bị nén về phía nam do tác động của không khí lạnh từ phía bắc di chuyển xuống, nắng nóng có xu hướng gia tăng và mở rộng trên khu vực các tỉnh phía đông và một số tỉnh phía tây Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 35 đến 37oC, có nơi trên 37oC. Từ 30-3, nắng nóng giảm dần.

* UBND tỉnh Hòa Bình vừa có chỉ thị yêu cầu các sở, ngành và địa phương có phương án phòng, chống hạn, nhằm bảo đảm nguồn nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt năm 2019. Theo đó, cần ưu tiên nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm dã chiến để chống hạn…

* Theo dự báo, nếu thời tiết không có mưa, hơn 2.386 ha cây trồng tại tỉnh Kon Tum có khả năng bị hạn nặng. Tỉnh đang tập trung sử dụng các nguồn nước tưới hiện có; quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, không để rò rỉ, lãng phí nước.

* Từ ngày 26 đến 27-3, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Hà Giang đã kiểm tra việc triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở một số huyện. Đoàn công tác đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh của nhân dân; người dân không hoang mang, lo lắng, bán tháo lợn, người tiêu dùng không “quay lưng” với thịt lợn an toàn.

* Đến nay, tại Hải Dương đã có chín huyện, thành phố xuất hiện DTLCP. Tỉnh đã lập 53 chốt kiểm dịch và cấp phát 7.800 lít hóa chất, hơn 57 tấn vôi bột cho các địa phương để tiêu độc khử trùng; tập trung bao vây ổ dịch; kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn.

* Tại TP Hải Phòng, DTLCP đã xuất hiện tại 984 hộ ở tám quận, huyện là: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Dương Kinh và Hải An. Tổng số lợn phải tiêu hủy 11.773 con.

* Đến nay, DTLCP đã xuất hiện tại ba huyện là Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường (Nam Định), tổng số gần 500 con lợn bị ốm, chết phải tiêu hủy.

* Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm lợn của ba hộ chăn nuôi ở các xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Vạn Xuân, huyện Thường Xuân cho kết quả dương tính với vi-rút DTLCP. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 107 con lợn. Như vậy, tính đến chiều 27-3, DTLCP đã xảy ra tại 68 hộ ở 34 thôn, 23 xã của tỉnh Thanh Hóa. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 1.670 con lợn, tổng trọng lượng 89 tấn.

* Tỉnh Bến Tre sẽ trích kinh phí 4,9 tỷ đồng cho công tác phòng, chống DTLCP. Bến Tre cũng đã lập tám chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn. Đến nay, các chốt đã chặn kiểm tra hơn 1.100 phương tiện chở lợn ra, vào tỉnh với hơn 40.000 con.

* Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Lâm Đồng xảy ra dịch lở mồm long móng trên gia súc ở 10 trong số 12 huyện, thành phố. Đã có tám huyện, thành phố cơ bản khống chế được dịch.

* Tại tỉnh Thanh Hóa trong tuần qua, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh, gây hại trên lúa chiêm xuân, mật độ phổ biến 15 đến 70 con/m2, nơi cao 90 đến 250 con/m2. Bệnh đạo ôn cũng xuất hiện với tổng diện tích bị nhiễm bệnh gần 47 ha; bệnh khô vằn phát sinh gây hại hơn 31 ha.

Năm 2019, bão, áp thấp nhiệt đới đến muộn và ít hơn Tại buổi họp báo thường kỳ quý I-2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) diễn ra chiều 27-3 tại Hà Nội, đại diện Bộ TN và MT cho biết năm 2019, trên khu vực Biển Đông, mùa bão có xu hướng đến muộn hơn so với năm ngoái; số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ít hơn. Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 10 đến 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó bốn đến năm cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong nửa cuối năm 2019. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, sét, lốc, mưa đá… sẽ xuất hiện chủ yếu trong thời kỳ giao mùa từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 5-2019 trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ. Hiện tượng El Nino năm nay cũng yếu và không kéo dài.



PV VÀ CTV

Nguồn. Báo Nhân dân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác