Print Thứ Bảy, 26/01/2019 22:07

Trong cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều người trẻ bị cuốn theo công việc, ít có điều kiện quan tâm chăm sóc người cao tuổi (NCT), nên có ông, bà, bố mẹ cảm thấy cô đơn, thậm chí bị các con ngược đãi. Từ thực tế này, đòi hỏi từ gia đình đến xã hội quan tâm, chăm lo hơn đến NCT để họ sống vui, khỏe cùng con cháu.

 

Người cao tuổi được tham gia nhiều hoạt động thiết thực khi gia nhập CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam”.  

 

Người già chịu cảnh cô đơn


Bà Vũ Thị Bến, 80 tuổi, quê ở Vĩnh Bảo có 5 người con gồm 4 gái, 1 trai. Sau khi chồng mất, các con gái đều có gia đình riêng và ở xa, không có điều kiện chăm sóc, nên bà theo con trai ra phố Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng) sinh sống. Vợ chồng con trai mở cửa hàng may áo dài ngay tại nhà, nên lúc nào cũng bận rộn tiếp khách ở tầng dưới. Hằng ngày, trừ lúc xuống tầng 1 ăn cơm cùng con cháu, cả ngày bà Bến chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ ở tầng 2. Các cháu bận rộn học ở trường cả ngày, buổi tối lại đi học thêm, không có thời gian nói chuyện với bà. Nhiều lúc, bà xuống cửa hàng cho đỡ buồn, nhưng thấy bà đi ra đi vào, các con lại khuyên bà lên phòng cho đỡ mệt. Ở với các con được một thời gian, vì không quen cảnh sống tù túng, nên bà trở về quê trồng rau, nuôi gà, làm bạn với hàng xóm, láng giềng.

Bà Vũ Thị Hắc, ở xóm Nẻo, xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) có 4 người con đều làm ăn xa tận Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), nên bà sống một mình. Năm nay, bà Hắc tròn 80 tuổi, sức khỏe yếu đi, nhưng các con ít có thời gian về thăm bà, chủ yếu về quê vào ngày lễ, tết và giỗ bố. Căn nhà ống dài rộng thênh thang chỉ có mỗi bà vừa ở, vừa trông nhà cho các con. Chiều chiều, bà ngồi trước cửa nhà để được nhìn mọi người đi làm đồng về và tranh thủ trò chuyện với các ông, bà đưa đón cháu đi học để tìm sự chia sẻ, bơi vớt nỗi trống trải. Có lúc, bà Hắc chỉ mong ốm để điện cho các con về quây quần với bà.


Trên đây chỉ là hai trong số nhiều NCT sống trong cảnh cô đơn, trong số đó có cả NCT cô đơn ngay khi sống cùng với con cháu. Từ thực tế này cho thấy, do cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều người “vô tình” quên việc quan tâm, chia sẻ, chăm sóc bố, mẹ, ông, bà mình. Vì thế, NCT không biết chia sẻ với ai, thậm chí có trường hợp bị người thân ngược đãi về tinh thần và thể chất. Đơn cử, trên mạng xã hội xôn xao về video con gái ngược đãi mẹ ở quận 2 (thành phố Hồ Chí Minh). Tại Hải Phòng, từng có vụ con rể nhốt bố vợ bị bệnh ở phường Cát Bi (quận Hải An) hay vụ cụ bà bị con trai bạo hành ở huyện Kiến Thụy.


Cần sự quan tâm, sẻ chia

Phó chủ tịch thường trực Hội NCT thành phố Vũ Thị Loan cho biết, để nâng cao đời sống vật chất, nhất là đời sống tinh thần, giúp NCT sống vui, sống khỏe, vơi bớt sự cô đơn tuổi già, rất cần sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội, cộng đồng và nhất là những người thân trong gia đình. Với trách nhiệm được giao, Hội NCT thành phố thường xuyên phát động các cấp hội triển khai nhiều hoạt động đáp ứng nhu cầu giao lưu, chia sẻ, bồi đắp đời sống tinh thần NCT. Hằng năm, vào các ngày lễ, tết, thành phố thăm hỏi, tặng quà NCT, nhất là những NCT cô đơn, hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, hầu hết thôn, xóm, tổ dân phố đều xây dựng, phát triển hàng trăm CLB như dưỡng sinh, cầu lông, bóng chuyền… thu hút hàng trăm nghìn lượt NCT tham gia, giúp họ thêm phấn khởi và vui khỏe.

 


Đặc biệt, từ tháng 4-2018, UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt dự án “Hỗ trợ người cao tuổi thiệt thòi qua nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam”. Đây là mô hình được tổ chức KOIKA của Hàn Quốc hợp tác, hỗ trợ. Đến nay, trên toàn thành phố thành lập 5 CLB này ở các quận, huyện. Mỗi CLB được hỗ trợ không hoàn lại 75 triệu đồng với điều kiện CLB tự huy động 25 triệu đồng vốn đối ứng. 5 CLB này thu hút gần 300 hội viên, trong đó có 110 hội viên được vay vốn. Người ít vay vài trăm nghìn đồng để mở quán nước, tạp hóa nhỏ, người nhiều vay 5 triệu đồng để phát triển nuôi gà, lợn. Ngoài ra, mỗi CLB có ít nhất 10 tình nguyện viên thường xuyên chia sẻ, giúp việc nhà, các công việc cá nhân để những NCT ấm lòng và bớt cô đơn. Điển hình, từ tháng 4 đến tháng 7-2018, các hội viên CLB Đông Hải (quận Lê Chân) chăm sóc thường xuyên 12 NCT, CLB Trại Chuối (quận Hồng Bàng) chăm sóc 8 NCT, CLB Cẩm Khê, xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) chăm sóc 6 NCT. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố, một số trung tâm chuyên chăm sóc NCT như Trung tâm chăm sóc NCT tại nhà Hải Phòng (quận Lê Chân). Từ đầu năm đến nay, trung tâm này khám, tư vấn sức khỏe và thăm hỏi 635 hội viên NCT có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trung tâm này có 8 CLB thu hút 2.280 hội viên. Hay mô hình hoạt động của Trung tâm Tâm Quyến (huyện An Dương) cũng được đánh giá cao trong công tác chăm sóc NCT. Riêng trong tháng 7-2018, Trung tâm này tổ chức khám bệnh miễn phí 300 NCT, tặng 100 suất quà (mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng).


Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT, các địa phương tiếp tục nhân rộng các CLB hoạt động hiệu quả trên, phối hợp Hội NCT để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú, đa dạng hơn và chia sẻ khó khăn với NCT. Về lâu dài, thành phố đầu tư trung tâm chuyên chăm sóc NCT quy mô vì theo dự báo dân số ngày càng già hóa. Mỗi gia đình dành sự quan tâm chăm sóc bằng nhiều hành động cụ thể để NCT luôn được sống vui, sống khỏe.

 

Theo báo cáo của Hội NCT thành phố, hiện nay, toàn thành phố có gần 252 nghìn người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), trong đó có khoảng hơn 20 nghìn người có độ tuổi từ 80 trở lên.


BÙI HƯƠNG – Báo Hải Phòng 09/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Để người cao tuổi bớt cô đơn: Nhân rộng mô hình câu lạc bộ thiết thực
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác