Print Thứ Hai, 03/06/2024 15:00 Gốc

Sửa đổi Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn đề nghị duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, chiều 3/6 Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Lần sửa đổi này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan chủ trì soạn thảo) vẫn trình duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.

Theo đó, Điều 29 Dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thống nhất tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%

Thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng ủng hộ và thống nhất với việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%. Điều này phù hợp với Nghị quyết số 02 NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới là “Duy trì nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hoá nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Đồng thời, theo cơ quan thẩm tra, đây cũng là vấn đề có tính lịch sử, thực tiễn pháp luật của nước ta đã quy định, duy trì từ Luật Công đoàn năm 1957 đến nay đang ổn định và phù hợp với thể chế chính trị của nước ta.

Nguồn kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để Công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Điều này thể hiện việc đồng hành, phối hợp cùng với doanh nghiệp, người sử dụng lao động để quan tâm chăm lo đời sống, phúc lợi, động viên, khích lệ người lao động gắn bó với đơn vị cũng như thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua Công đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu để quy định nhằm có thể điều chỉnh linh hoạt mức đóng kinh phí công đoàn một cách phù hợp (thậm chí phân loại mức đóng theo số lượng người lao động của doanh nghiệp) để hài hòa. Quy định này vừa bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức công đoàn, vừa không tạo gánh nặng cho người lao động, doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng, tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động công đoàn.

Để nhận được sự đồng thuận cao của doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng như các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục cung cấp thông tin, làm rõ một số nội dung.

Trong tương lai, “kinh phí công đoàn” có thể còn được phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, do vậy, cần cung cấp thông tin về tình hình thu, chi, sử dụng 2% kinh phí công đoàn để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu.

Nội dung nữa cũng cần cung cấp thông tin là về chậm đóng, trốn đóng và việc không thu được kinh phí công đoàn, theo cơ quan thẩm tra.

Hai phương án sử dụng kinh phí công đoàn

Liên quan đến quy định tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án.

Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phương án 2: Xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.

Ủy ban Xã hội còn có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với Phương án 1 của Dự thảo Luật, để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp trong bối cảnh quan hệ lao động có nhiều biến đổi nhanh chóng. Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tế, nhất là việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội, số lượng hay kết quả hoạt động công đoàn… trong từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể để quy định việc điều tiết phù hợp, linh hoạt.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề quan trọng, thể hiện sự công khai, minh bạch của việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Do đó, quy định cụ thể như Phương án 2 của dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, việc đề xuất tỷ lệ cần bám sát tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “Rà soát, sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả”, cũng như bám sát thực tế hoạt động của công đoàn các cấp và dự liệu các vấn đề phát sinh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chính trị, an ninh, trật tự, xã hội khi áp dụng quy định này.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ % kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở, do đó, đề nghị nghiên cứu không nên quy định cứng “công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75%” hay “công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%” mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.

Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề khó và còn ý kiến khác nhau. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ, toàn diện thông tin làm căn cứ, cơ sở cho cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, nghiên cứu thấu đáo ý kiến góp ý của Chính phủ về nội dung này.

Nguyễn Lê

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đề nghị làm rõ tình hình thu-chi, sử dụng 2% kinh phí công đoàn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác