Print Thứ sáu, 20/11/2020 16:30 Gốc

Đó là mục tiêu, phương pháp tổ chức các hoạt động chuyên môn mà cô Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân) luôn nỗ lực thực hiện trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới . Đối với cô Viên, việc làm thế nào để có những bài học thú vị, gần gũi và khơi dậy những năng lực, phẩm chất tốt đẹp của học sinh là nhiệm vụ hàng đầu.

Gặp hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Viên vào buổi sáng đầu tháng 11, guồng quay công việc của cô Viên nối tiếp với các hoạt động như họp tổ, nhóm chuyên môn, dự giờ, xây dựng các chuyên đề trải nghiệm, sáng tạo… Bận rộn là vậy, song cô Viên luôn nở nụ cười rạng rỡ, thể hiện nguồn năng lực tích cực với người đối diện. Tranh thủ chia sẻ về chuyện nghề, cô Viên cho biết: “Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, việc trải qua nhiều nhiệm vụ, vị trí chuyên môn tại một số trường học trên địa bàn thành phố, giúp tôi tích lũy nhiều kỹ năng nghề nghiệp quý giá, đặc biệt giúp tôi nắm bắt được những “bí quyết” tạo được động lực học tập, trau dồi phẩm chất trong học sinh, tránh việc truyền thụ kiến thức một chiều từ việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Đơn cử giờ Mỹ thuật, thay vì học sinh vẽ lại theo một hình ảnh có sẵn, thì các con được giáo viên chuẩn bị giá vẽ, bút màu ở sân trường. Từ sự quan sát và cảm thụ riêng, mỗi học sinh sẽ vẽ chủ đề mà mình yêu thích như quang cảnh trường em, tình bạn, cô và trò… Hay ở môn Toán, việc vận dụng công thức sẵn có để giải bài tập vốn khô khan được thay bằng hoạt động trải nghiệm thực tế, luyện tính chu vi, diện tích bồn cây, ghế đá trong khuôn viên của trường. Còn với các môn xã hội như Tiếng Việt, Đạo Đức, việc học sinh được tham quan các địa chỉ đỏ, tự giới thiệu lại thông tin về địa danh đó từ vốn hiểu biết, hoạt động trải nghiệm của mình sẽ giúp vốn từ của các em phong phú, cũng như biết trân trọng và thêm hiểu lịch sử địa phương”.

Trên thực tế, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện trong hoặc ngoài nhà trường nhằm phát triển, nâng cao các tố chất và tiềm năng của bản thân học sinh, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, đồng thời quan tâm, chia sẻ với những người chung quanh. Tuy nhiên, nhiều giáo viên chưa thật sự tích cực cập nhật sự đổi mới, ngại tổ chức các hoạt động trong quá trình giảng dạy và thiếu hụt một số kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm bài bản, khoa học. Mặt khác, nhiều bậc cha mẹ học sinh chưa yên tâm để con em mình tham gia hoạt động, nhất là các hoạt động trải nghiệm tổ chức ngoài nhà trường.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân) Nguyễn Thị Kim Viên.

Từ lý do đó, cô Viên phối hợp cùng các đồng chí trong ban giám hiệu nhà trường, bắt tay khảo sát, nghiên cứu và thực hiện sáng kiến “Quản lý, chỉ đạo các hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Lê Chân”. Theo đó, mỗi học sinh sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể khi tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo, điều này giúp các em có trách nhiệm hơn trong quá trình khám phá, lĩnh hội kiến thức. Cùng với đó, kỹ năng ghi chép, làm việc nhóm, thu thập, xử lý thông tin cũng được giáo viên trao đổi, hướng dẫn cụ thể giúp việc tham gia các hoạt động trải nghiệm đi vào chiều sâu, không chỉ là bề nổi. Sáng kiến này vừa phát huy tính chủ động tích cực của cộng đồng trong việc phối hợp nhà trường tham gia các hoạt động, nội dung trải nghiệm thiết thực, vừa giúp học sinh chủ động vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống. Thành công trong đổi mới phương pháp dạy và học giúp cô Viên vinh dự nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019.

Chia sẻ về bí quyết tổ chức hiệu quả cao hoạt động, trải nghiệm sáng tạo, cô Viên bày tỏ: “Trong giai đoạn hiện nay, định hướng quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, tự học và sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề ở người học. Ở bậc tiểu học, những môn Khoa học không chỉ giúp học sinh có những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người mà quan trọng nhất là khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Bởi vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần tạo cho học sinh nhiều không gian, cơ hội học tập. Môi trường ở đây không chỉ dừng lại ở trong lớp học mà tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp học nhằm tạo điều kiện để học sinh được học, được trải nghiệm, được khám phá mọi lúc, mọi nơi”. Cũng chính từ quan điểm giáo dục này, năm học 2019-2020, cô Viên cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện thành công chuyên đề cấp thành phố “Tích hợp giáo dục môi trường trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm”. Qua đó, vừa giúp học sinh hiểu về nguyên lý hoạt động của chất dẻo, vừa rèn ý thức và nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường sống xanh-sạch trong từng em.

Những sáng tạo trong hoạt động quản lý, giảng dạy của hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Viên “hái quả ngọt” khi nhiều năm liền cô giữ vững danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều giấy khen, bằng khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích trong đổi mới phương pháp dạy và học. Gần đây nhất, cô Viên tiếp tục ghi dấu sự nỗ lực không ngừng khi góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giúp Trường tiểu học Võ Thị Sáu vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào cuối năm 2019./.

LINH ANH

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Để học sinh phát triển toàn diện
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác