Hiện thành phố tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2016 nhằm phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, kỹ năng ứng dụng trong công tác quản lý, lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cán bộ, đảng viên và trong lao động sản xuất của người dân.
Góp phần nâng cao trình độ, nhận thức
Cứ ngày đầu tháng, chị Nguyễn Thị Dinh, cán bộ Thư viện huyện Vĩnh Bảo lại túc tắc xe máy chở sách xuống các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cũng có đợt sách mới được phân bổ nhiều, chị “hẹn” cán bộ các xã, thị trấn lên thư viện huyện lấy một thể. Chị Dinh cho biết, sách mới được phân bổ một năm khoảng 3 lần, chủ yếu là sách phục vụ xây dựng nông thôn mới. Như sách phổ biến kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm làm giàu, giới thiệu những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi; sách cung cấp kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe gia đình, sách dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng… “Để nguồn sách được phát huy hiệu quả cao, cuối mỗi tháng, tôi xuống các xã, thị trấn tiếp nhận số sách phân bổ trước đó để luân chuyển sang các xã khác. Cách làm này vừa giúp người dân được tiếp cận nhiều loại sách, vừa làm phong phú các hoạt động của thư viện các xã, thôn”.
Theo Trưởng Phòng Thư viện cơ sở (Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố) Dương Thị Hoàng Anh, thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, từ năm 2009 đến nay, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố thực hiện tốt việc cấp phát sách mới và luân chuyển sách giữa hơn 40 thư viện quận, huyện, xã, phường, thị trấn, trường học, đơn vị trên địa bàn thành phố. Hàng trăm đầu sách mới tiếp nhận từ Thư viện Quốc gia, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật đều được phân loại, phân bổ, luân chuyển thường xuyên xuống cơ sở.
Ngày hội sách do Sở Văn hóa- Thể thao, Sở Thông tin- Truyền thông tổ chức. Ảnh: Đỗ Hiền
Thông qua hệ thống thư viện và trạm bưu điện các cấp, Sở Văn hóa-Thể thao và các ngành liên quan phân bổ, luân chuyển sách theo ngành dọc xuống cơ sở; các địa phương thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng sách của đề án trang bị. Hầu hết xã, phường, thị trấn đều xây dựng quy chế bảo quản, sử dụng sách; quan tâm xây dựng, tu bổ nhà văn hóa, thư viện, tủ sách xã, phường, thị trấn để lưu giữ, bảo quản sách; lập sổ quản lý sách được cấp phát và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân khai thác, sử dụng; phân công cán bộ theo dõi, quản lý sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm bảo quản, giữ gìn sách, hạn chế tình trạng làm mất, hỏng sách…
Tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả cao nguồn sách từ đề án
Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, việc tổ chức triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn còn một số hạn chế. Theo đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của đề án, nên dù tiếp nhận sách nhưng tổ chức khai thác, sử dụng sách chậm hoặc chưa thực sự quan tâm đến công tác thông tin, giới thiệu nội dung sách tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Không ít xã, phường, thị trấn chưa có phòng đọc riêng, thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc. Cán bộ được phân công quản lý, khai thác, sử dụng sách thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về nghiệp vụ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa có ý thức tự học, tự nghiên cứu và chưa hình thành thói quen đọc sách.
Thông tri số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Kết luận số 30, ngày 8-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung. Đó là: tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện hiệu quả cao các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương và Thành ủy về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa đọc, xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội; phát triển văn hóa đọc gắn liền với nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin và tri thức dễ dàng. Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao, các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 329 của Thủ tướng Chính phủ; kết quả triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan trung ương về xây dựng tủ sách ở cơ sở. Cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo, tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các ấn phẩm thuộc đề án. Trong đó, chú trọng lồng ghép giới thiệu sách trong sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…
Đông Hải – Báo Hải Phòng ngày 03/7/2018