Print Thứ Bảy, 19/11/2022 13:45 Gốc

Thông tin trích lược, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, người dân trên địa bàn thành phố về Đề án “Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hải Phòng”.

Thành phố Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 7 quận nội thành, 6 huyện ngoại thành và 2 huyện đảo với 217 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 66 phường, 10 thị trấn và 141 xã.

Trong những năm gần đây, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố tăng chủ yếu do các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại phát triển và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất (đàn gia súc, gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại chiếm gần 50% tổng đàn toàn thành phố). Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ và một số trang trại chăn nuôi nằm trong khu vực nội thành thành phố, thị trấn, khu dân cư không phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; việc xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho con người và vật nuôi.

Vì vậy, việc định hướng, xác định khu vực không được phép chăn nuôi nhằm đưa các trang trại chăn nuôi vào vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nhân dân; đồng thời thuận lợi trong việc quản lý, kiểm soát, khống chế dịch bệnh động vật, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn, Dịch tả lợn Châu phi, Cúm gia cầm,… tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô, đổi mới trang thiết bị, công nghệ và phát triển bền vững; góp phần xây dựng đô thị văn minh, phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.

Thành phố khuyến khích các tổ chức, cá nhân di dời cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi đến khu vực chăn nuôi phù hợp theo quy định, nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với định hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt, không gây ô nhiễm môi trường. Đây là một trong những cơ sở góp phần phát triển hệ thống các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn và hình thành vùng nguyên liệu, hướng đến xuất khẩu.

Ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020, theo đó tại điểm h khoản 1 Điều 80 Luật Chăn nuôi quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định khu vực nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Mặt khác, theo quy định tại điểm b khoản 3 Mục II Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi ban hành kèm theo Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 14/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Văn bản do địa phương chủ trì xây dựng (02 nội dung): Quyết định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định khu vực nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi”.

Xuất phát từ những lý do trên, việc xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết “Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hải Phòng” là hết sức cần thiết và theo đúng quy định của pháp luật.

Phạm vi điều chỉnh: Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi theo khoản 2 Điều 2 Luật Chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Nghị quyết này không áp dụng đối với trường hợp nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm không gây ô nhiễm môi trường; Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Quy định khu vực không được phép chăn nuôỉ trên địa bàn thành phố Hải Phòng

(1) Các phường thuộc địa bàn quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng và Hải An; phường Anh Dũng thuộc quận Dương Kinh; phường Vạn Hương thuộc quận Đồ Sơn; các phường: Ngọc Sơn, Trần Thành Ngọ, Lãm Hà, Quán Trữ, Bắc Sơn và Nam Sơn thuộc quận Kiến An.

(2) Các thị trấn: Thị trấn Núi Đèo thuộc huyện Thủy Nguyên; thị trấn An Lão thuộc huyện An Lão; thị trấn An Dương thuộc huyện An Dương; thị trấn Núi Đối thuộc huyện Kiến Thụy; thị trấn Tiên Lãng thuộc huyện Tiên Lãng; thị trấn Vĩnh Bảo thuộc huyện Vĩnh Bảo; thị trấn Cát Bà và thị trấn Cát Hải thuộc huyện Cát Hải.

(3) Các khu dân cư gồm: Khu đô thị, khu chung cư, khu tập thể, khu tái định cư nằm trên địa bàn thành phố được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phù về quản lý đầu tư phát triển đô thị).

(4) Đối với các phường, thị trấn không thuộc phạm vi được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động chăn nuôi theo quy mô hiện có nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện chăn nuôi theo quy định hiện hành; không xây mới, không mở rộng quy mô chăn nuôi.

Quy định chuyển tiếp

(1) Các tổ chức, cá nhân đã xây dựng và hoạt động chăn nuôi trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành trong khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 2 Nghị quyết này, phải chấm dứt hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đến địa điểm phù hợp trước ngày 01/01/2025.

(2) Đối với các tổ chức, cá nhân đã xây dựng và hoạt động chăn nuôi trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, không thuộc khu vực không được phép chăn nuôi nhưng không đáp ứng điều kiện chăn nuôi, thì phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi đáp ứng theo quy định của pháp luật trước ngày 01/01/2025.

Tài liệu đính kèm: Đề án 13/ĐA-UBND ngày 18/11/2022

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đề án “Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hải Phòng”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác