Ngày 10/4/2024, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 12 về đổi mới và phát triển Trường đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và UBND thành phố có Quyết định số 1869, ngày 5/6/2024 phê duyệt đề án mà nhà trường xây dựng. Nghị quyết được ban hành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đối với nhà trường; đồng thời mở hướng để nhà trường bứt phá vươn lên, trở thành cơ sở giáo dục đào tạo có đủ điều kiện, năng lực đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, vùng Duyên hải Bắc bộ và cả nước.
Kỳ vọng và trách nhiệm
PGS, TS. Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng phấn khởi cho biết: Mục tiêu triển khai Đề án “Đổi mới và phát triển Trường đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2030, trở thành trường đại học lớn nhất và có uy tín của khu vực Duyên hải Bắc bộ, lấy phát triển đào tạo về công nghiệp, dịch vụ và logistics làm mũi nhọn, đồng thời, trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có một số chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và thu hút nhiều sinh viên nước ngoài đến học. Đến năm 2045, nhà trường sẽ phấn đấu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam và đáp ứng được ngang tầm phát triển của các trường đại học trung bình của khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, phát triển Trường đại học Hải Phòng thành Đại học vùng gồm 3 trường thành viên: Trường đại học Sư phạm, Trường Kinh tế và Quản lý, Trường Công nghệ và Kỹ thuật; có quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học đạt thứ hạng cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và là cơ sở giáo dục đào tạo một số ngành mũi nhọn trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ, logistics và đổi mới sáng tạo.
Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng nhấn mạnh: Với tâm thế chủ động, tinh thần quyết tâm cao, những mục tiêu trong đề án hoàn toàn khả thi giúp phát huy lợi thế, tiềm năng hiện có của nhà trường. Để xứng tầm với vị trí, vai trò, thương hiệu của trường đại học duy nhất trực thuộc UBND thành phố, cung cấp nguồn nhân lực cao cho thành phố và cả nước, theo kỳ vọng, đến năm 2025, quy mô đào tạo các trình độ đạt khoảng hơn 15 nghìn sinh viên, học viên các hệ đào tạo; đến năm 2030 đạt khoảng từ 18 đến 20 nghìn và đến năm 2045 đạt khoảng từ 26 đến 29 nghìn sinh viên, học viên các hệ đào tạo. Ngay trong mùa tuyển sinh đại học 2024, nhà trường mở thêm mã ngành Luật và 4 chương trình chất lượng cao tập trung vào những ngành mũi nhọn như: Tài chính kế toán, Quản trị kinh doanh trong môi trường số và đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn điện tử… Đây là bước đầu trong triển khai thực hiện đề án trong năm 2024.
Tranh thủ thời cơ, vận hội mới
Đề án “Đổi mới và phát triển Trường đại học Hải Phòng” được Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong bối cảnh hết sức cấp thiết. Theo mục tiêu Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đặt ra đối với Hải Phòng và Quyết định số 1516 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “Xây dựng Trường đại học hải Phòng thành trường đại học ứng dụng đa ngành, có trình độ tiên tiến…”. Đây thực sự là thời cơ, cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học cũng như giáo dục dạy nghề định hướng tầm nhìn, chiến lược phát triển trong tương lai. Từ thực tiễn, Trường đại học Hải Phòng nhận thấy thành phố đang trong tiến trình phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, do đó, nhu cầu nguồn nhân lực tăng cao. Bên cạnh tăng số lượng, doanh nghiệp cũng đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ở tầm cao hơn, yếu tố hội nhập quốc tế sẽ mạnh mẽ hơn khi các nhà đầu tư đến Hải Phòng, vì vậy sự đổi mới, phát triển để đáp ứng xu thế hội nhập tất yếu này.
Theo PGS, TS. Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng, bước đầu triển khai đề án, nhà trường tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng và tổng thể gồm: Xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế và các quy định nội bộ về quản trị đại học, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong trường; về xây dựng đội ngũ, nhà trường hỗ trợ cán bộ, giảng viên đào tạo, nâng cao trình độ, có học vị tiến sĩ trong nước và nước ngoài, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, đồng thời, có giải pháp thu hút nhân tài từ bên ngoài, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia từ những địa phương khác, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đổi mới công tác đào tạo hướng đến mục tiêu chất lượng tuyển sinh được nâng cao hơn, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao hơn, nhà trường tập trung đổi mới, mở các ngành đào tạo mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng Duyên hải Bắc bộ nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng…
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường chủ động gắn kết với doanh nghiệp, người sử dụng lao động như trong đề án, thành phố hỗ trợ nhà trường xây dựng các phòng thực hành, phòng thí nghiệm để sinh viên trong quá trình học để các em có thể tiếp cận được những trang thiết bị, máy móc, mô hình mang tính thực tiễn cao, từ đó, sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay. Trong công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường tập trung nghiên cứu để ứng dụng triển khai; xây dựng cơ sở vật chất, giảng đường, phòng học cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin thư viện…, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên, nghiên cứu của giảng viên.
Bài và Ảnh: Hoàng Xuân