A. SỰ CẦN THIẾT PHẢI ĐẶT TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong những năm gần đây, kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở hạ tầng, nhiều đường, phố, công trình công cộng lớn được xây dựng và mở rộng, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan đô thị, phát triển kinh tế – xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân và chính quyền các cấp. Song, một số đường, phố, công trình công cộng hiện nay chưa được đặt tên, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước, quản lý đô thị, các hoạt động kinh tế – xã hội, giao dịch, thông tin liên lạc và đời sống của đông đảo Nhân dân.
Hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đang trong quá trình phát triển. Nhiều công trình, dự án được triển khai đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đem lại diện mạo mới cho thành phố Hải Phòng, như tuyến đường chạy dọc huyện Vĩnh Bảo, tuyến đường thuộc Dự án World Bank, tuyến đường đi Cảng nước sâu Lạch Huyện, cầu bắc qua sông Cấm, sông Lạch Tray, vườn hoa thuộc dải trung tâm thành phố…
Với sự phát triển nhanh chóng như trên, nhu cầu về đặt tên một số đường và công trình công cộng là rất cấp thiết. Việc đặt tên sẽ góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa – xã hội, thông tin liên lạc; quảng bá, giới thiệu với du khách và nhân dân thành phố về truyền thống quê hương, đất nước, lịch sử – văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, lòng tự hào về thành phố và đất nước, tăng cường đoàn kết trong nhân dân, là động lực quan trọng tiếp tục thúc đẩy kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng của thành phố thời gian tới.
Trước thực tiễn trên, UBND thành phố xây dựng Đề án đặt tên 9 đường, 10 công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2020, trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2020 của HĐND thành phố khóa 15.
B. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19-6-2015;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc Ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20-3-2006 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 32/QĐ-HĐND ngày 21-5-2020 của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố về việc chấp thuận đề nghị của UBND thành phố về việc xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố về đặt tên một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hải Phòng;
Căn cứ đặc điểm, tình hình, quy hoạch phát triển đô thị và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước; nhằm bảo đảm công tác quản lý đô thị của thành phố nền nếp, trật tự, văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân thành phố Hải Phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 9-12-2019 của HĐND thành phố về kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2020 của HĐND thành phố khóa 15, nhiệm kỳ 2016-2021 và Kế hoạch số 04/KH-HĐND ngày 8-5-2020 của HĐND thành phố về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố; UBND thành phố đã chỉ đạo Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành, các nhà khoa học liên quan tiến hành khảo sát, tư vấn, lựa chọn tên đặt phù hợp, thống nhất trình, đề nghị đặt tên 9 đường và 10 công trình công cộng trên địa bàn thành phố tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố.
Xét đề nghị của Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thành phố tại Tờ trình số …/HĐTV-SVHTT ngày …/6/2020 về việc trình hồ sơ đề nghị đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Báo cáo thẩm định số …/BCTĐ-STP ngày …/6/2020 của Sở Tư pháp về thẩm định dự thảo Nghị quyết về việc đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trình tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa 15; ý kiến của các đồng chí Ủy viên UBND thành phố.
UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét đặt tên 9 đường, 8 cầu, 2 vườn hoa trên địa bàn thành phố tại kỳ họp thứ 14 (Trong đó: Đặt tên 12 đường và công trình công cộng là tên danh nhân; 4 đường và công trình công cộng là tên địa danh, 2 đường và công trình công cộng là tên di tích lịch sử – văn hóa; 1 công trình là danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội).
C. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. ĐẶT TÊN ĐƯỜNG (9 đường – chia theo địa bàn đô thị)
1. Đường Đỗ Mười
Điểm đầu: Chân cầu Hoàng Văn Thụ, thuộc Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên ; điểm cuối: hết đường dự kiến đặt tên, thuộc Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Hiện tại, đường dài 1km, rộng 53m, vỉa hè mỗi bên 12m, dải phân cách cứng, hệ thống điện chiếu sáng, chưa có dân cư sinh sống. Phù hợp với quy hoạch của thành phố. Khi hoàn thành giai đoạn tiếp theo, sẽ tiếp tục đề nghị kéo dài đường Đỗ Mười.
Đồng chí Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống) sinh ngày 2-2-1917; quê quán: xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Thường trú tại số nhà 11, phố Phạm Đình Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936; vào Đảng tháng 6-1939. Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở nhà tù Hà Đông và nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Năm 1945, ông vượt ngục Hỏa Lò, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Sau đó lần lượt làm Bí thư các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình.
Năm 1950, ông làm Phó bí thư Liên Khu ủy, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 3. Năm 1951 – 1954, ông làm Bí thư Khu ủy Khu Tả Ngạn sông Hồng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Chính ủy Quân khu Tả Ngạn sông Hồng. Năm 1955, đồng chí chỉ đạo tiếp quản khu tập kết 300 ngày, làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng. Tháng 3-1955, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ năm 1956, đồng chí Đỗ Mười giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ. Ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 2; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa 3, 4, 5, 6, 7, 8; Ủy viên Bộ Chính trị dự khuyết khóa 4; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa 5, 6, 7, 8; Thường trực Ban Bí thư khóa 6; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 6-1988 đến tháng 6-1991); Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997). Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1997 đến năm 2000). Đại biểu Quốc hội các khóa 2, 4, 5, 6, 7, 8 và 9. Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đặt tên Đỗ Mười cho tuyến đường này – tuyến đường trung tâm khu hành chính thuộc Khu đô thị Bắc sông Cấm của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới nhằm tôn vinh, tri ân những công lao, đóng góp của ông vào công cuộc đấu tranh chống quân xâm lược, xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, Hải Phòng nói riêng; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm đúng tiêu chí tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
2. Đường Trần Kiên
Điểm đầu: Ngã tư giáp đường nội bộ, thuộc Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên ; điểm cuối: giáp đường đi bến phà Bính cũ, thuộc Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Cắt đường Đỗ Mười. Đường dài 700m, rộng từ 20m đến 43m, vỉa hè mỗi bên 5m, có dải phân cách cứng, hệ thống điện chiếu sáng, chưa có dân cư sinh sống. Phù hợp với quy hoạch của thành phố.
Đồng chí Trần Kiên (1910 – 2000), tên khai sinh là Đặng Văn Minh, bí danh: Mỹ, Chấn, Trần Kiên. Ông sinh ngày 1-1-1910, tại làng Bách Tính nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Là nhà hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong kháng chiến chống Pháp từng giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy Kiến An; Bí thư Thành ủy Hải Phòng những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ông được các chiến sĩ cộng sản lớp đầu ở Nhà máy xi măng Hải Phòng như: Đào Duy Thỉnh, Lê Đông… giúp đỡ. Đặng Văn Minh đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1931. Năm 1937, được Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương của nhà máy kết nạp vào Đảng. Năm 1938, được chỉ định làm Bí thư chi bộ một phân xưởng. Đầu năm 1946, ông tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định. Năm 1947, ông giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Khi liên tỉnh Hải Phòng – Kiến An tách ra, ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Kiến An từ 1948 đến 1952. Ông đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo quân dân Kiến An đấu tranh chống địch trên các mặt trận quân sự, chính trị, văn hóa, tư tưởng vô cùng cam go, quyết liệt. Khi Khu Tả ngạn sông Hồng thành lập, ông được điều về tham gia Khu ủy, ủy viên ủy ban Kháng chiến hành chính khu, phụ trách khối nội chính rồi Giám đốc Công an. Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, chuẩn bị tiếp quản khu tập kết 300 ngày, ông tham gia Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Ủy viên ủy ban Hành chính kiêm Giám đốc Công an Hải Phòng. Thời gian này ông lấy tên là Trần Kiên. Năm 1962, khi sáp nhập tỉnh Kiến An vào thành phố Hải Phòng, ông được bầu làm Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố. Từ 1966 đến 1976, ông được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng; đại biểu Quốc hội nước Việt Nam khóa 4, 5, 6; ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 5. Năm 1977, ông nghỉ hưu và qua đời tại Hải Phòng ngày 22-3-2000. Với những cống hiến của mình, ông đã được Nhà nước tặng: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Vì an ninh Tổ quốc, Huy chương Vì thế hệ trẻ…
Việc đặt tên ông cho tuyến đường thể hiện tình cảm của nhân dân thành phố Hải Phòng ghi nhận, tri ân những đóng góp của ông đối với công cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí về đặt tên đường, phố quy định tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
3. Đường Võ Nguyên Giáp
Điểm đầu: Nút giao đường Nguyễn Văn Linh; điểm cuối: chân cầu dự kiến đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Đường dài: 2km, rộng 26m, vỉa hè mỗi bên rộng 4m đến 10m, có dải phân cách cứng rộng 2m đến 10m, có hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước ngầm, cây xanh hai bên đường. Có dân cư sinh sống hai bên, cơ sở hạ tầng phát triển, có Bệnh viện Y học biển, Siêu thị Aeon mall… Phù hợp với quy hoạch của thành phố.
(Ghi chú: Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đề nghị đặt là đường Võ Nguyên Giáp từ đoạn kéo dài từ đường Võ Nguyên Giáp đến nút giao đường Hồ Sen khi đoạn đường này hoàn thành).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại tướng là một nhà quân sự kỳ tài, được thế giới đánh giá và xếp vào 10 vị tướng vĩ đại nhất thế giới. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những chặng đường lịch sử đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang và hào hùng của đất nước ta. Dù trong bất cứ cương vị và hoàn cảnh nào, Đại tướng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, được cả thế giới tôn vinh “Võ Nguyên Giáp-Hồ Chí Minh”.
Từ năm 1925 đến 1926, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng. Năm 1930, ông bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội, là biên tập viên các báo “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”…, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.
Tháng 6-1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1941, ông về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng. Tháng 12-1944, ông được giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 4-1945, ông được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5-1945, ông là Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân; tháng 6-1945, ông thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng. Tháng 8-1945, tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 3-1946, ông là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10-1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1-1948, được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị.
Từ tháng 9-1955 đến tháng 12-1979, đồng chí là Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 9-1960, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5, 6 ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương. Từ tháng 1-1980, là Phó thủ tướng Thường trực; từ tháng 4-1981 đến tháng 12-1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ). Đại tướng liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội từ khóa 1 đến khóa 7.
Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Việc đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho một trong những tuyến đường đẹp của thành phố thể hiện tình cảm của quân và dân Hải Phòng ghi nhận, tri ân những đóng góp của Đại tướng đối với công cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước; dễ nhớ, dễ tìm; mặt khác, đường này đã được nhân dân quen gọi là đường Võ Nguyên Giáp; bảo đảm tiêu chí về đặt tên đường, phố quy định tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
4. Đường Bùi Viện
Điểm đầu: Tiếp giáp đường liên phường thuộc quận Hải An ; điểm cuối: cầu Lãm Khê vượt đường Trường Chinh, quận Kiến. Đường dài 11,6km, rộng 40m, có dải phân cách cứng, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước; dân cư thưa thớt, thuộc Dự án đường World Bank, đi qua 4 quận trên địa bàn thành phố, gồm: Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An.
Bùi Viện (1839-1878) hiệu là Mạnh Dực, người làng Trình Phố, huyện Kiến Xương (nay là xã Ninh Anh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông đỗ cử nhân khoa Mậu Thìn, năm Tự Đức thứ 21 (1868). Ông học Quốc Tử Giám và giúp việc cho quan Tham tri Bộ Lễ Lê Tuấn. Tháng 5-1871, Lê Tuấn được vua Tự Đức cử làm khâm phái thị sư ra kiểm tra công việc đánh dẹp ở Bắc Kỳ. Ông cùng Bùi Viện, lúc ấy chỉ là môn khách của ông, xong công việc trở về Huế, được Doanh điền sứ tỉnh Nam Định là Doãn Khuê mời về giúp việc khẩn hoang, lập ấp ở tỉnh này. Sau đó, ông giúp Phạm Phú Thứ, Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương – Yên Quảng) trong việc bố phòng ven biển tỉnh Hải Dương. Ông đã mộ binh lính, dân phu ra sức đào sông, khai thông thủy lợi, xây dựng nhà cửa, làm cho khu vực Ninh Hải (Hải Phòng) tiền thân của Cảng Hải Phòng bây giờ trở thành nơi sầm uất, thuận tiện cho việc buôn bán, cũng như an ninh xã hội. Do yêu cầu đánh dẹp, sau 10 tháng chỉ huy xây dựng Ninh Hải, Bùi Viện phải bàn giao việc này cho người khác, để theo giúp Phạm Phú Thứ việc quân sự. Sau đó tại cảng Ninh Hải này, nhà Nguyễn và thực dân Pháp đã lập ra cơ quan thuế vụ chung quản lý hoạt động thương mại ở vùng này, cảng này gọi là “Hải Dương Thương Chính Quan Phòng”. Từ đây tên gọi Hải Phòng chính thức được nhắc đến.
Năm 1873, triều đình Huế cử ông đi Hương Cảng, tại đây ông được giới thiệu gặp Tổng thống Mỹ để nhờ giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp, nhưng khi tới Mỹ thì Tổng thống Grant đã mất, do đó, không thực hiện được ý định. Trở về nước, vua Tự Đức cử ông giữ chức Tham biện thương chính. Ông đề nghị triều đình gấp rút phát triển giao thông đường thủy, đào vét sông ngòi, tổ chức thủy đội, tiễu trừ giặc biển, bảo vệ thuyền buôn, mở rộng giao thương với các nước. Ông tổ chức một đội Tuần dương quân, bảo đảm việc vận tải đường biển, phát triển việc buôn bán trong Nam ngoài Bắc và đẩy mạnh thông thương buôn bán với nước ngoài. Ông mất tại Huế ngày 2-11 – Mậu Dần (1878). Tên Bùi Viện đã được đặt cho một phố tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đặt tên là đường Bùi Viện nhằm tri ân người đã có công lớn trong việc đặt nền móng cho sự ra đời Cảng Hải Phòng; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm đúng tiêu chí tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
5. Đường Nguyễn Trường Tộ
Điểm đầu: Chân cầu vượt Lãm Khê, huyện An Dương (tiếp nối đường Bùi Viện) ; điểm cuối: giao với quốc lộ 10 thuộc địa phận huyện An Dương. Đường dài 9,1km, rộng 25m, có vỉa hè, dải phân cách cứng, hệ thống điện chiếu sáng, chưa có dân cư sinh sống, thuộc Dự án đường World Bank.
Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông rất thông minh và chăm chỉ nên được truyền tụng là “Trạng Tộ”. Ông chú ý lối học thực dụng, chán ghét lối học khoa cử. Năm 1858, ông đi Hương Cảng, Xingapo, Roma, Pari học các môn thường thức, các môn thực nghiệm: khai mỏ, làm vũ khí, xây dựng nhà cửa,… trong 2 năm. Năm 1861, ông về nước, làm phiên dịch tiếng Pháp cho nhà Nguyễn, do đó kịp thời báo cho chính quyền biết được âm mưu của thực dân. Với những hiểu biết và tầm nhìn của mình, Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị triều đình gấp rút duy tân đất nước, mở rộng ngoại giao, cử người đi khoa học, kỹ thuật tại các nước tiên tiến phương Tây. Nguyễn Trường Tộ đã dâng bản điều trần “Tám điều cấp cứu” (Tế cấp bát điều) như: cần gấp rút chấn chỉnh võ bị; bộ máy hành chính; tài chính; học thuật; thuế điền thổ; sửa sang cương giới; thống kê nhân khẩu; lập trại dục an và tế bần,… nhưng không được triều đình nhà Nguyễn chấp thuận. Cuối năm 1870, ông xin triều đình vào Nam chuẩn bị cuộc đột kích tấn công quân Pháp tại Gia Định nhưng cũng bị khước từ. Tháng 9/1871 Nguyễn Trường Tộ gửi thêm nhiều điều trần đề nghị cải cách, chấn hưng kinh tế. Nguyễn Trường Tộ còn là người có công trong việc đem những hiểu biết về xây dựng nhà cửa, nhất là các công trình tôn giáo ở châu Âu để tạo nên những công trình tôn giáo ở Việt Nam như công trình xây dựng tu viện dòng thánh Phaolô ở Sài Gòn (1862 – 1864), cơ sở Nhà chung ở Xã Đoài quê ông (1868 – 1870). Đây là những công trình khởi đầu của việc du nhập công nghệ xây dựng ở châu Âu vào Việt Nam. Cho tới những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, ông vẫn tha thiết về công cuộc cải cách đất nước.
Đặt tên đường Nguyễn Trường Tộ sẽ góp phần giáo dục cho các thế hệ có ý thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng cải cách, xây dựng và phát triển đất nước.
Việc đặt tên đường Nguyễn Trường Tộ giúp nhân dân dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm đúng tiêu chí tại tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
6. Đường Đình Vũ
Điểm đầu: Tiếp giáp đường Chùa Vẽ, quận Hải An ; điểm cuối: Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (cổng KCN), quận Hải An. Đường dài 8,2km, rộng từ 25 đến 45m, có vỉa hè, dải phân cách cứng, hệ thống điện chiếu sáng, hai bên đường có nhiều công ty trong và ngoài nước, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 Việt Nam.
Đảo Đình Vũ (tên gốc là Định Vũ) thuộc tổng Trực Cát, trước đây nằm giữa 2 sông Cửa Cấm và Bạch Đằng. Những năm 1983-1985, thành phố đắp đường xuyên đảo nên có Đình Vũ vị trí như ngày nay.
Trong sách “Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng,” tập 1 (1925-1955) đã viết về sự kiện đấu tranh chống sự áp bức của thực dân Pháp của nhân dân trên đảo, ngày 7-9-1930, do Ban Cán sự Đảng huyện Hải An lãnh đạo. Tờ “Tin tức”, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, tường thuật cuộc đấu tranh này: “Ngày 7-9-1930, ở Định Vũ gần Hải Phòng tức là làng làm muối. Chu vi địa thế như một đảo nhỏ, chung quanh có sông bao bọc, 300 dân làm muối trống, mõ inh ỏi, họp tại giữa làng diễn thuyết và biểu tình kéo đến nhà thằng đội Đoan, tức là chúa tể ở đó, ra những khẩu hiệu: Phải giảm thuế muối, đòi cơm gạo… Nhưng đến nơi, đội Đoan đã cùng vợ và con tẩu thoát rồi. Dân chúng tức giận quá chừng liền phá nhà và nhân ngày hôm ấy là 15-7 âm lịch có sẵn con heo và xôi của tên đội Đoan, liền mang ra mở tiệc, diễn thuyết rồi giải tán. Đến hôm sau có lính tới đóng ở đấy, có bắt vài ba người vừa là đảng viên vừa là quần chúng. Quần chúng tinh thần rất hăng hái, đảng viên và nông hội đỏ cũng hăng hái”. Sự kiện này được đánh giá: “Ngày 7-9-1930 thực sự là ngày biểu dương lực lượng, là đỉnh cao của phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, học sinh và các giới lao động khác trong năm 1930 ở Hải Phòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Hiện nay, với tầm nhìn và sự đầu tư của thành phố Hải Phòng, bán đảo Đình Vũ đã trở thành một phần của Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, là một trong hai khu kinh tế ở miền Bắc Việt Nam, nhằm phát triển kinh tế hàng hải mà trọng tâm là dịch vụ cảng biển, khai thác tối đa lợi thế về tự nhiên và vị trí địa lý để Khu kinh tế Đình Vũ trở thành khu vực chủ yếu của thành phố Hải Phòng- thu hút đầu tư, tiếp nhận kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước, tác động tích cực đến quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng, hình thành khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, là cơ sở quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Hải Phòng với mục tiêu đi đầu cả nước. Việc xây dựng Khu kinh tế này được đặt trong quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bác bộ, Hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.
Việc đặt tên đường Đình Vũ nhằm ghi nhận quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng, cơ sở tại đây; giúp nhân dân dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm đúng tiêu chí tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử – văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt”.
7. Đường Mạc Thái Tổ
Điểm đầu: Tiếp giáp đường Đình Vũ ; điểm cuối: chân cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, quận Hải An. Đường dài: 5,1km, rộng 35m, có vỉa hè, dải phân cách cứng, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, hai bên là đầm bãi, không có dân cư sinh sống, có một số công ty trong và ngoài nước.
Mạc Thái Tổ (1483-1541) sinh năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 14, tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Ông thuộc dòng dõi Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi là những danh nho thời Trần. Ông có sức khỏe, giỏi đánh vật, thi trúng đô lực sĩ và được tuyển vào đội túc vệ. Mấy năm sau thăng lên chức Đô chỉ huy sứ. Năm 1516, ông được cử làm trấn thủ Sơn Nam chức Tả Đô đốc, rồi dần dần được giữ binh quyền. Ông thể hiện nhiều hành động cương trực, phê phán những kẻ làm việc dối trá. Khi về triều, ông lập nhiều công lao trong việc dẹp yên cuộc xung đột của các đại thần, đàn áp khởi nghĩa Trần Cảo, nhờ đó được phong Thái phó, Tiết chế các doanh thủy quân lục quân của cả 13 đạo, đây là chức vụ cực kỳ quan trọng, quán xuyến, chỉ huy binh mã tinh nhuệ của cả nước. Năm 1521, được phong tước Nhân Quốc công, giữ chức Thái phó. Sau đó, do sự suy yếu của triều đình, với cương vị và sự ảnh hưởng, uy tín của mình, năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua lập ra nhà Mạc, đặt niên hiệu là Minh Đức, lập cung điện ở Cổ Trai, gọi là Dương Kinh.
Mạc Đăng Dung chấn chỉnh triều đình, định các phép binh, phép điền, phép học, mở khoa thi nho học, đối xử với nhà Lê cùng các cựu thần rất mềm dẻo nhưng cương quyết, linh hoạt. Năm 1530, ông nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh về làm Thái Thượng hoàng. Năm 1541, ông bị bệnh nặng, qua đời ở Dương Kinh, triều thần suy tôn là Thái tổ Nhân minh Cao hoàng đế.
Căn cứ vào các sử liệu, Mạc Đăng Dung là người văn võ song toàn, hơn 20 năm giúp nhà Lê, đặc biệt là 3 năm làm vua, 12 năm làm Thái Thượng hoàng, ông đã dẹp yên loạn lạc, thi hành nhiều chính sách về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rất tốt, được quan, dân, sĩ phu tin yêu.
Đặt tên đường Mạc Thái Tổ nhằm tôn vinh người đã lập ra một triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều đại duy nhất được phát tích bởi nhân vật thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm đúng tiêu chí tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
8. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm
Điểm đầu: Từ chân cầu Chanh Dương, huyện Vĩnh Bảo ; điểm cuối: cầu Lạng Am, huyện Vĩnh Bảo. Đường dài 8km, rộng 25m, có dải phân cách (sông đào), có hệ thống điện chiếu sáng, 1 bên có dân cư đông đúc, 1 bên dân cư thưa thớt và cánh đồng; đường ổn định, phù hợp với quy hoạch của huyện.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là nhà chính trị, văn hóa lớn, là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông sinh năm Tân Hợi (1491) niên hiệu Hồng Đức thứ 21. Ngoài tên Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông còn có tên húy là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Lại (nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và nổi tiếng học giỏi, được thầy rất trọng thị (về sau Lương Đắc Bằng gửi gắm con trai là Lương Hữu Khánh để Nguyễn Bỉnh Khiêm rèn cặp rồi trở thành Thượng thư của triều Lê Trung hưng).
Tuy nổi tiếng học giỏi nhưng đến năm 44 tuổi ông mới đi thi. Khoa thi Ất Mùi, triều Mạc Đăng Doanh (1535), ông đỗ Tiến sĩ (trạng nguyên), được trao chức Đông các hiệu thư, dần thăng lên làm Hữu thị lang kiêm Đông các đại học sĩ. Làm quan được 8 năm, năm 1542, ông dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần nhưng không được chấp thuận, đành treo mũ từ quan về ẩn quê nhà. Về quê ông dựng quán Trung Tân, lập am Bạch Vân làm trường dạy học, sáng tác thơ ca, lấy tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Học trò theo học rất đông. Vì thế, am Bạch Vân đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước lúc đó với rất nhiều tên tuổi lưu danh sử sách như: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh, Giáp Hải,… Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy không tham dự quốc chính nhưng nhà Mạc vẫn tôn trọng ông là bậc thầy, những việc trọng đại thường hỏi ý kiến ông. Về sau, ông được liệt vào hạng đệ nhất công thần, được phong tước Trình Tuyền hầu, dần thăng đến Thượng thư Bộ Lại, Thái bảo, tước Trình quốc công. Ông mất ngày 28-11 năm Ất Dậu (17-1-1585), thọ 95 tuổi, học trò suy tôn ông là Tuyết Giang phu tử.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà nho yêu nước. Dù về ở ẩn, ông vẫn đau đáu nỗi lo cho dân, cho nước, đấu tranh và phê phán sự ác độc, tham nhũng của kẻ cầm quyền, phê phán chiến tranh, cảm thông nỗi cơ cực mà người dân phải gánh chịu trước cuộc sống xa hoa của kẻ có quyền thế.
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được biết đến là một nhà lý học chính thống. Các nhà nho chính thống như Phan Huy Chú, Vũ Khâm Lân, Lê Quý Đôn cũng thừa nhận điều này. Cho đến sứ giả nhà Thanh Chu Xán Nhiên sang nước ta năm 1863 khi về viết trong Giao Châu ký sự cũng nói: “An Nam Lý học hữu Trình Tuyền” (Về Lý học, ở nước Nam có Trình Tuyền – tức Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông là một tác giả lớn cả về số lượng thơ lẫn danh tiếng đối với đương thời và hậu thế. Riêng về sáng tác thơ đã có trên 1000 bài. Ông đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn học đáng ghi nhớ với hai tập thơ “Bạch Vân am thi tập” (chữ Hán) và “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” (chữ Nôm) lưu lại cho đời sau.
Mặt khác, Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23-12-2015.
Đặt tên đường là Nguyễn Bỉnh Khiêm vì tên gọi gắn với danh nhân văn hóa được sinh ra trên quê hương Vĩnh Bảo, đây là tuyến đường chính dẫn vào Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, là niềm tự hào của nhân dân và chính quyền thành phố Hải Phòng nói chung, huyện Vĩnh Bảo nói riêng; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm đúng tiêu chí tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
9. Đường Trung Tân
Điểm đầu: Cầu Lạng Am, huyện Vĩnh Bảo ; điểm cuối: cổng đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Đường dài 2km, rộng 27m, vỉa hè mỗi bên 7m, có dải phân cách cứng, cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, 2 bên là cánh đồng.
Trung Tân là tên của quán Trung Tân, là nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và các bô lão trong làng dựng bên bờ sông Hàn (Tuyết Giang – nay gọi là sông Thái Bình), có ý nghĩa tiêu là nơi hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người như trung hiếu, lễ nghĩa… để giáo dục cho các thế hệ sau.
Trung Tân, một điểm di tích thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, có tổng diện tích là 905,5m², khu vực 1:166,8m², khu vực 2: 738,7m². Quán Trung Tân được dựng lên sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm rời chốn quan trường về quê trí sĩ, dạy học. Trong khoảng thời gian từ 1742 đến trước năm 1777 thì quán Trung Tân đã không còn, sau đó được dựng lại sơ sài. Năm 2001, quán Trung Tân được tu bổ, với 3 gian, hệ thống khung chịu lực chốn cột cái và được đặt trên hệ thống 08 cột quân bằng đá vững chắc.
Đặt tên đường là Trung Tân vì tên gọi gắn với danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mặt khác, tên Trung Tân là danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa – xã hội; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm đúng tiêu chí tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội”, “Tên di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa”.
II. CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG (8 cầu, 2 vườn hoa)
1. Cầu vượt Nguyễn Văn Linh
Nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, tại nút giao đường Nguyễn Văn Linh với đường Võ Nguyên Giáp, thuộc địa phận quận Lê Chân. Cầu dài 400m, chiều rộng mặt cầu 19m, có hệ thống điện chiếu sáng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (1915 – 1998), quê ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1929, ông tham gia Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên lãnh đạo. Ngày 1-5-1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo. Tháng 4-1937, sau khi từ Côn Đảo trở về, ông làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Năm 1949-1960, ông là ủy viên và quyền Bí thư xứ ủy Nam Bộ. Năm 1960, tại Đại hội Đảng lần thứ 3, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Bí thư, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1976, ông giữ chức vụ Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4, Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Năm 1985, ông tham gia Bộ Chính trị. Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từ trần vào ngày 27-4-1998. Với những đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác.
Việc đặt tên ông cho cây cầu gắn liền với đường Nguyễn Văn Linh thể hiện tình cảm của nhân dân thành phố Hải Phòng ghi nhận, tri ân những đóng góp của ông đối với công cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí về đặt tên đường, phố quy định tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
2. Cầu Võ Nguyên Giáp
Điểm đầu: Phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; điểm cuối: phường Anh Dũng, quận Dương Kinh. Cầu dài 900m, rộng 25,5m, bắc qua sông Lạch Tray, nối tiếp tuyến đường dự kiến đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quận Lê Chân với quận Dương Kinh, có hệ thống điện chiếu sáng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911 trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là một nhà quân sự kỳ tài, được thế giới đánh giá và xếp vào 10 vị tướng vĩ đại nhất thế giới.
Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những chặng đường lịch sử đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang và hào hùng của đất nước ta. Dù trong cương vị và hoàn cảnh nào. Đại tướng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, được cả thế giới tôn vinh ”Võ Nguyên Giáp-Hồ Chí Minh”.
Việc đặt tên Đại tướng cho cây cầu thể hiện tình cảm của nhân dân thành phố Hải Phòng ghi nhận, tri ân những đóng góp của ông đối với công cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước, phù hợp với tuyến đường dự kiến đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí về đặt tên đường, phố quy định tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
3. Cầu Hoàng Văn Thụ
Điểm đầu: Phố Hoàng Văn Thụ, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng; điểm cuối: xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên. Cầu dài 1,9km, rộng 33m, bắc qua sông Cấm, nối quận Hồng Bàng với huyện Thủy Nguyên, có hệ thống điện chiếu sáng. Hiện đang tạm gọi theo tên dự án là cầu Hoàng Văn Thụ.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Tày, quê xã Nhân Lý, châu Điềm He, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).
Năm 1926, đồng chí tham gia nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn; năm 1927, sang Trung Quốc hoạt động; làm công nhân Xưởng cơ khí Nam Hưng (do những người cách mạng Việt Nam lập ở Quảng Tây). Năm 1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng và trực tiếp thành lập một số tổ chức quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn; đầu năm 1937 tham gia chỉ đạo phong trào Mặt trận dân chủ ở Cao Bằng. Từ tháng 3-1939, đồng chí làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; tháng 11-1940 được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Lâm thời của Đảng, chỉ đạo lực lượng vũ trang và căn cứ địa Bắc Sơn – Vũ Nhai; tháng 5-1941 được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, sau được cử vào Tổng bộ Việt Minh; năm 1943 tham gia củng cố các cơ sở Đảng, phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội. Tháng 8-1943, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị chúng xử bắn vào ngày 24-5-1944, tại Bạch Mai, Hà Nội.
Việc đặt tên ông cho cây cầu thể hiện tình cảm của nhân dân thành phố Hải Phòng ghi nhận, tri ân những đóng góp của ông đối với công cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí về đặt tên đường, phố quy định tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
4. Cầu Tam Bạc
Cầu nằm tại vị trí cầu Xe hỏa (còn có tên là cầu Quay) trước đây, dài 197m, rộng 12m, kết cấu 5 nhịp dầm bê tông cốt thép ứng lực; có vận tốc thiết kế đạt 50km/h theo tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị; chiều cao tĩnh không vượt đường bộ là 2,2m, áp dụng cho làn đường bộ chui dưới đầu cầu phía Hải Phòng; tĩnh không thông thuyền: bề rộng là 40m, chiều cao 4,75m. Cầu nối đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân với đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, bắc qua sông Tam Bạc. Hiện nay, cầu đang tạm gọi là cầu Tam Bạc.
Tam Bạc là tên gọi con sông trên địa bàn thành phố, một nhánh của sông Lạch Tray bắt đầu từ thôn Trạm Bạc, xã Lê Lợi, huyện An Dương, chảy qua các xã Lê Thiện, Tân Tiến, Bắc Sơn, Nam Sơn đến Hạ Lý, nhận thêm nước của sông Đào nối sông Lạch Tray với Tam Bạc rồi đổ ra sông Cấm. Sông Tam Bạc trở thành tuyến giao thông đường thủy quan trọng, có nhiều bến buôn bán sầm uất. Vào thời cực thịnh, sông Tam Bạc đông đúc, trên bến dưới thuyền, náo nhiệt cảnh bốc xếp hàng hóa, mua bán của các thương nhân, hành khách, phu phen, nhất là bến Tam Kỳ bên chợ Sắt. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng ra đời. Hiện nay, sông Tam Bạc vẫn là cái tên gắn bó, quen thuộc với nhiều thế hệ người Hải Phòng. Hơn nữa, sau khi hoàn thành dự án, cầu này đã được nhân dân quen gọi là cầu Tam Bạc.
Đặt tên cầu Tam Bạc dễ nhớ, dễ tìm, phù hợp với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân; đảm bảo tiêu chí thứ nhất về đặt tên đường, phố được quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử – văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt”.
5. Cầu Bùi Viện
Điểm đầu: Phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; điểm cuối: phường Đồng Hòa, quận Kiến An. Cầu dài: 700m, rộng 50m, bắc qua sông Lạch Tray, nối quận Lê Chân với quận Kiến An, có hệ thống điện chiếu sáng. Hiện đang tạm gọi theo tên dự án là cầu Niệm 2.
Cầu nằm trên đường Bùi Viện nên gọi theo tên đường là hợp lý. Đặt tên là cầu Bùi Viện nhằm tri ân người đã có công lớn trong việc đặt nền móng cho sự ra đời Cảng Hải Phòng; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm đúng tiêu chí tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
6. Cầu Lãm Khê
Điểm đầu: Phường Đồng Hòa, quận Kiến An; điểm cuối: xã Đồng Thái, huyện An Dương. Cầu dài 900m, rộng 30m, bắc qua đường Trường Chinh, quận Kiến An, nối quận Kiến An với huyện An Dương, có hệ thống điện chiếu sáng, cạnh chân cầu là di tích lịch sử – văn hóa đình Lãm Khê.
Cầu nằm trên địa bàn làng cổ Lãm Khê được hình thành từ thế kỷ 16-17 thuộc phường Đồng Hòa, quận Kiến An và cạnh cầu là ngôi đình Lãm Khê đã được UBND thành phố xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa tại Quyết định số 265/QĐ-UBND ngày 9-2-2010. Đặt tên cầu Lãm Khê dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí về đặt tên đường, phố quy định tại Khoản 3, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa”.
7. Cầu Đăng
Điểm đầu: Xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng; điểm cuối: xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo. Cầu dài 300m, rộng 12m, bắc qua sông Thái Bình (sông Hàn, Tuyết Giang), nối huyện Tiên Lãng với huyện Vĩnh Bảo, có hệ thống điện chiếu sáng. Hiện đang tạm gọi theo dự án là cầu Đăng.
Đăng là tên gọi tắt của thôn Lũ Đăng, xã Kiến Thiết. Xưa là bến sông, người dân hai bên bờ qua lại bằng đò, sau này đặt cầu phao, nối 2 huyện phía Nam thành phố; cầu cứng hiện đại được thành phố đầu tư xây dựng, khánh thành năm 2018 đã góp phần phát triển hệ thống giao thông của thành phố, thúc đẩy kinh tế- xã hội huyện Tiên Lãng và huyện Vĩnh Bảo phát triển, nhân dân quen gọi là cầu phao Đăng hoặc cầu Đăng. Như vậy, tên gọi cầu Đăng đã rất gắn bó, quen thuộc, đi vào tiềm thức của nhân dân; đặt tên cầu Đăng phù hợp với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí về đặt tên đường, phố quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử – văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt”.
8. Cầu Hàn
Điểm đầu: Xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng; điểm cuối: xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo. Cầu dài 300m, rộng 12m, bắc qua sông Thái Bình, nối huyện Tiên Lãng với huyện Vĩnh Bảo, có hệ thống điện chiếu sáng. Hiện đang tạm gọi theo dự án là cầu Hàn.
Bến sông xưa dân vẫn quen gọi là Hàn hoặc Tuyết Giang, gắn liền với sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước đây, cầu Hàn là cây cầu phao, nối 2 huyện phía Nam thành phố với nhau; được thành phố đầu tư xây dựng câu cứng hiện đại, khánh thành năm 2018, đã góp phần phát triển hệ thống giao thông của thành phố, thúc đẩy kinh tế- xã hội huyện Tiên Lãng và huyện Vĩnh Bảo phát triển, nhân dân quen gọi là cầu phao Hàn hoặc cầu Hàn. Tên gọi cầu Hàn đã rất gắn bó, quen thuộc, đi vào tiềm thức của nhân dân; đặt tên cầu Hàn phù hợp với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí về đặt tên đường, phố quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: « Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử – văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt”.
9. Vườn hoa Tam Kỳ
Vườn hoa được xây dựng từ bến xe Tam Bạc cũ tới chân cầu tạm gọi là cầu Tam Bạc, có diện tích 43.000m², một bên giáp sông Tam Bạc, một bên giáp các tuyến phố Nguyễn Đức Cảnh, Trần Nguyên Hãn.
Tam Kỳ có nghĩa là ngã ba sông. Trước khi giải phóng thành phố (năm 1955) đây là ngã ba sông Tam Bạc – lạch Liêm Khê (chảy ra sông Cấm tại cổng Cảng Hải Phòng. Năm 1885, người Pháp cho đào mở rộng; năm 1925 lấp để lại một đoạn nên gọi là sông Lấp. Sau này ta đắp đập Tam Kỳ từ phố Nguyễn Đức Cảnh sang chợ Sắt và từ năm 1985 gọi là hồ Tam Bạc). Bến Tam Kỳ trước đây trên bến dưới thuyền sầm uất, từng được sử sách nhắc đến. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng ra đời. Bên vườn hoa là đền Tam Kỳ đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa tại Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 17-1-2020.
Đền Tam Kỳ đã gắn bó với nhân dân thành phố từ xa xưa. Đặt tên vườn hoa Tam Kỳ dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí tại Khoản 3, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa”.
10. Vườn hoa Tố Hữu
Đây là vườn hoa nằm trên dải Trung tâm thành phố, từng được bố trí làm sân bóng đá và công viên Rồng Biển, giáp các phố: Điện Biên Phủ, Trần Phú, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo. Có diện tích 26.550m².
Tố Hữu (1920 – 2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê làng Phù Lai (nay thuộc xã Quảng Thọ) huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, thuộc một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1936, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế, năm 1938 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4-1939, ông bị Pháp bắt và giam ở nhiều nhà lao các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; tháng 3-1942 vượt ngục, tham gia hoạt động cách mạng tại Thanh Hóa. Trong quá trình công tác, ông kinh qua các chức vụ công tác: Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng Tiểu ban văn nghệ Trung ương, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Phái viên của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng… Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là nhà thơ cách mạng với nhiều tác phẩm thơ đạt giải thưởng văn học, được đông đảo bạn đọc và công chúng yêu quý, mến mộ thơ của ông. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.
Việc đặt tên ông cho vườn hoa thể hiện tình cảm của nhân dân thành phố Hải Phòng ghi nhận, tri ân những đóng góp của ông đối với công cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc; đồng thời thuộc dải trung tâm thành phố, trong đó có vườn hoa Nguyễn Du, tạo cảm giác nhẹ nhàng, lãng mạn của vườn hoa thuộc dải trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu vui chơi, vãn cảnh của nhân dân và du khách; dễ nhớ, dễ tìm; bảo đảm tiêu chí tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”.
D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Sau khi Đề án đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hải Phòng được thông qua tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa 15; UBND thành phố giao các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Sở Giao thông – Vận tải: Tiến hành khảo sát, xác định địa điểm đặt biển tên đường và công trình công cộng đã được thông qua tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa 15.
2. Sở Xây dựng: Tiến hành khảo sát, gắn biển số nhà, số ngõ trên các đường, công trình công cộng đã được đặt tên.
3. Sở Thông tin – Truyền thông, Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Phòng: Tổ chức tuyên truyền để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về nội dung và ý nghĩa tên các đường và công trình công cộng được đặt tên.
4. UBND các quận: Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng, Kiến An, và các huyện An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Cát Hải: Tổ chức công bố Nghị quyết tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa 15 và lễ gắn biển tên các đường và công trình công cộng được đặt tên; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân địa phương về ý nghĩa tên các đường và công trình công cộng.
Các quận, huyện trên địa bàn thành phố tiếp tục rà soát, trình thành phố đặt tên, đổi tên cho các đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn chưa được đặt tên hoặc cần phải đổi tên theo quy định.
5. Sở Văn hóa và Thể thao – Cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thành phố: Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện, báo cáo UBND thành phố.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo UBND thành phố (qua Sở Văn hóa và Thể thao) để kịp thời giải quyết.
Theo quy định của thông tư về dạy thêm, học thêm mới, tổ chức, cá…
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết sẽ không xử phạt đối với…
Gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhưng nhiều nhà…
Đêm 02/01/2025, Công an quận Hồng Bàng tổ chức tuần tra vây ráp phòng chống…
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hải Phòng) thông tin, trong năm 2024,…
Ngày 2/1, TAND huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) mở phiên tòa xét xử sơ…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More