Chính trị

Đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hằng năm trên địa bàn thành phố Hải Phòng

(Dự thảo Đề án của UBND thành phố trình Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa XVI)

I. SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Hải Phòng là thành phố Cảng, trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng Duyên hải Bắc bộ, là đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và cả nước, có vị trí trọng yếu về quốc phòng-an ninh. Thành phố có 15 quận, huyện trong đó có 2 huyện đảo (Cát Hải và Bạch Long Vỹ), 217 xã, phường, thị trấn với dân số trên 2 triệu người; là địa phương có truyền thống lịch sử cách mạng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thành phố Hải Phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày nay, trong thực hiện sự nghiệp đổi mới, thành phố tiếp tục phát huy truyền thống trong phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng cao, vững chắc; công tác quản lý và phát triển đô thị có những chuyển biến rõ nét; sự nghiệp phát triển văn hoá-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên đất liền, trên biển, đảo được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định; các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước còn diễn ra, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tuy có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn như: Suy thoái kinh tế, thời tiết, dịch bệnh, biến động thị trường, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, nguồn nhân lực có trình độ cao còn hạn chế; đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn. Những vấn đề trên đã phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương và an ninh chính trị của thành phố.

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện toàn diện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân đạt kết quả thiết thực: Chất lượng công dân nhập ngũ ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh-chính trị trong tình hình mới; công tác quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự được thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; công tác chính sách hậu phương quân đội đã được quan tâm, từ đó củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc; tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, bất cập đó là:

– Số lượng công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ có xu hướng giảm dần theo sự phát triển dân số tự nhiên; tỷ lệ công dân thuộc diện tạm hoãn cao, chiếm gần 80% trong tổng số nguồn; tỷ lệ công dân mắc tật khúc xạ về mắt, tim, mạch, huyết áp; xăm hình xăm, chữa xăm diện tích lớn, hình thủ phản cảm lên cơ thể ngày càng tăng, không đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe, chính trị nhập ngũ.

– Do cơ cấu về dân số, tỷ lệ công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, sức khỏe. Hằng năm, công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị; trong khi khu vực nông thôn điều kiện kinh tế-xã hội cơ bản còn khó khăn, tỷ lệ công dân nhập ngũ cao dẫn đến nguồn lao động giảm nên phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.

– Những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ có điều kiện học tập, lao động, có thu thập cao để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, địa phương; những công dân nhập ngũ chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của Nhà nước còn thấp so với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, do vậy chưa tạo sự công bằng trong xã hội và sự đồng thuận của nhân dân.

Những khó khăn, bất cập trên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

– Ngày 19/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016; ngày 20/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Công an nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Theo đó, UBND các cấp có trách nhiệm: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự tại địa phương; tổ chức việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và công dân phục vụ trang ngạch dự bị của Quân đội nhân dân; chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng tiềm lực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh ở địa phương.

– Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trong tình hình mới, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị; tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong mọi tình huống. Góp phần giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội ở địa phương, là cơ sở chuẩn bị nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

2. Căn cứ xây dựng Đề án

a) Căn cứ pháp lý

– Các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý xây dựng Nghị quyết, Đề án:

Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Luật ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;

Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 19/6/2015;

Luật Công an nhân dân ngày 20/11/2018;

Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 6/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ;

Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 của Chính phủ quy đinh về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

– Thẩm quyền của HĐND:

Khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015 quy định HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định: “Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương“.

Khoản 2 Điều 53 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định “Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương“.

Điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Công an nhân dân quy định HĐND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm “Quyết định ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của địa phương“.

Như vậy, HĐND thành phố có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hằng năm trên địa bàn thành phố.

b) Cơ sở thực tiễn

– Trong những năm qua, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; hằng năm căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện, hoàn thành 100% số chỉ tiêu giao quân, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng quy định của pháp luật, chất lượng công dân nhập ngũ ngày càng được nâng lên, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trong tình hình mới; công tác quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; công tác chính sách đối với công dân nhập ngũ đã được quan tâm, từ đó củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc; tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

– Xuất phát từ phương hướng, mục tiêu của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ,…”.

– Hiện nay, chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ theo Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 6/4/2016; Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 của Chính phủ còn thấp so với mức thu nhập bình quân chung của thành phố. Do vậy, các địa phương đã chủ động có những chính sách hỗ trợ cho công dân và gia đình công dân nhập ngũ, song chủ yếu từ nguồn xã hội hóa nên còn nhiều bất cập, có địa phương mức hỗ trợ cao, địa phương mức hỗ trợ thấp, chưa bảo đảm được sự thống nhất và công bằng xã hội.

– Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành tỉnh Thái Bình trên địa bàn Quân khu 3 hằng năm đã hỗ trợ công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân với mức hỗ trợ là 2.000.000 đồng/1 công dân;

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố về việc hỗ trợ công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm là cần thiết, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong triển khai và thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

– Quán triệt sâu sắc Nghị quyết TW 8 (khóa 9) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành để mọi tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng đắn về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nâng cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

– Bảo đảm chính sách, tạo động lực, tinh thần trách nhiệm của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Tổ chức, triển khai thực hiện thống nhất, toàn diện, hiệu quả Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quốc phòng-an ninh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh-chính trị trong tình hình mới; góp phần thực hiện tốt chính sách đối với công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc; tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

b) Mục tiêu cụ thể

– Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng quy định; hằng năm hoàn thành 100% số chỉ tiêu giao quân, chất lượng tốt.

– Nâng cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

– Thực hiện chính sách nhằm tạo động lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

3. Phạm vi của Đề án

Đề án này quy định về chính sách đặc thù hỗ trợ công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hằng năm trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đề án là hành lang pháp lý cao nhất trên phạm vi toàn thành phố về hỗ trợ công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận, củng cố lòng tin của nhân dân, góp phần thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân.

III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục đích

Nhằm tạo động lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân và thực hiện công bằng, an sinh xã hội; thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu nhà nước giao về nhiệm vụ tuyển quân hằng năm, nâng cao chất lượng công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh-chính trị trong tình hình mới.

2. Nội dung

Hằng năm, Thủ tướng Chính phủ giao thành phố tuyển chọn, gọi từ 2.500 đến 2.800 công dân nhập ngũ, 150 đến 300 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; trong khi chưa có quy định về chính sách hỗ trợ đối với công dân được gọi nhập ngũ. Do đó chưa tạo động lực, tinh thần trách nhiệm của công dân trong thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc; chưa bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, vì vậy phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ tuyển quân hằng năm.

Đề án xây dựng về chính sách đặc thù hỗ trợ một lần đối với công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hằng năm trên địa bàn thành phố Hải Phòng, mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/1 công dân theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm và số công dân gọi nhập ngũ dự phòng theo quy định bằng 5% tổng chỉ tiêu trên giao.

IV. KINH PHÍ BẢO ĐẢM

1. Nguồn kinh phí bảo đảm

Nguồn kinh phí bảo đảm: Sử dụng nguồn ngân sách thành phố được phân bổ trong dự toán hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Tổng kinh phí bảo đảm

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hằng năm là: 9 tỷ đồng/năm (Kinh phí thực hiện hằng năm theo chỉ tiêu công dân gọi nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được Thủ tướng Chính phủ giao).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố

– Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND các quận, huyện liên quan tham mưu với UBND thành phố triển khai thực hiện Đề án chính sách đặc thù hỗ trợ công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hằng năm trên địa bàn thành phố.

– Hằng năm, phối hợp với Công an thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu với UBND thành phố giao chỉ tiêu, xây dựng Kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng quy định, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân, chất lượng tốt.

– Phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch bảo đảm ngân sách chi cho hỗ trợ công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra việc lập, dự toán, thanh quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác quốc phòng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

– Phối hợp với các ban, sở, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân ở các cơ quan, địa phương, đơn vị; tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND thành phố để chỉ đạo.

2. Các ban, sở, ngành, đoàn thể thành phố

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình đặc điểm của cơ quan, đơn vị mình để triển khai thực hiện Đề án theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

– Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp và Chủ tịch UBND thành phố về việc thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân ở địa phương; thực hiện và phát huy tốt nhiệm vụ, quyền hạn về công tác quân sự quốc phòng, an ninh theo quy định; tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành thuộc quyền thực hiện Đề án nghiêm túc, hiệu quả.

– Tổ chức thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân gắn với công tác quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành luật trên địa bàn.

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More