Dạy và học chương trình tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 tại Hải Phòng Giáo viên tích cực, học sinh chủ động

Giáo viên Hà Thuỳ Giang, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng) lên lớp tiết chuyên đề Tiếng Việt 1- công nghệ giáo dục.  

 

“Lấy học sinh làm trung tâm”


Đây là một trong những ưu điểm rõ nét nhất mà chương trình TV1-CNGD đem lại theo đánh giá của phần lớn giáo viên dạy tiếng Việt tại các trường tiểu học. Cô giáo Trịnh Thu Trang, Trường tiểu học Nam Sơn (huyện An Dương) cho biết: Khác với chương trình tiếng Việt hiện hành là học sinh phải học chữ cái ngay từ tiết đầu tiên, chương trình TV1-CNGD thiết kế 2 tuần “không”, để giáo viên tổ chức các hoạt động củng cố lại một số kỹ năng cơ bản như phương hướng, màu sắc cho học sinh; giúp các em làm quen môi trường, nền nếp học tập. Điểm mới này khiến lớp học trở nên sôi nổi, gần gũi; là bước đệm phù hợp với tâm lý học trò khi các em vừa chuyển giao từ bậc mầm non sang tiểu học còn nhiều bỡ ngỡ”.

Còn theo cô giáo Lưu Thị Ngọc Diệp, Trường tiểu học Kim Đồng, phường Gia Viên (quận Ngô Quyền): Trong 4 năm thực hiện chương trình TV1- CNGD, điểm tích cực nhất mà chương trình mang lại đó là tính vững chắc; học từ âm đến chữ theo một quy trình bài bản, chặt chẽ. Bởi vậy thay vì cách ghi nhớ máy móc, giáo viên có vai trò hướng dẫn, cung cấp các kiến thức “nền” về âm, vần, tiếng; sau đó học sinh chủ động tìm hiểu bản chất; tự tư duy về môn học. Từ đó, các em hiểu và nắm được cấu trúc ngữ âm và luật chính tả; hình thành nên khả năng vừa nghe vừa viết, khác với việc “tập chép chữ” của chương trình cũ. Bên cạnh đó, khi dạy theo chương trình TV1- CNGD, giáo viên có một thuận lợi là không phải soạn giáo án; chỉ cần thực hiện đúng quy trình mà sách thiết kế; do vậy có thêm thời gian nghiên cứu bài giảng, sáng tạo thêm các hoạt động phù hợp xen kẽ bài giảng để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Lý giải thêm về việc nhiều người băn khoăn, chương trình TV1-CNGD chú trọng dạy học sinh nắm được cấu trúc của từ mà không cần hiểu nghĩa, cô giáo Lưu Thị Ngọc Diệp cho biết: Chương trình mới có 3 quyển: Quyển 1 dạy toàn bộ về âm; quyển 2 về vần; quyển 3 là để học sinh luyện đọc, ôn quy định chính tả và tìm hiểu nội dung bài tập đọc. Vì vậy, học sinh sẽ được tiếp thu các nội dung kiến thức theo đúng trình tự, mà không lo bị “hổng” về mặt ngữ nghĩa của từ.


Cần giảm tải kiến thức


Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ngô Quyền) Đặng Thị Bích Liên cho rằng: Bên cạnh những hiệu quả mà chương trình TV1-CNGD đem lại thì quá trình thực hiện còn khó khăn do chương trình hơi nặng so với thời lượng môn học. Nếu theo đúng thiết kế của sách, có những bài học chỉ gói gọn trong vòng 1 tiết học dài 40 phút, nhưng học sinh phải “giải quyết” rất nhiều nội dung như: Nắm và phân tích cấu trúc các vần, viết chính tả, tập đọc; chưa kể có nhiều bài đọc tương đối dài, nhiều từ khó. Điều này khiến cả cô lẫn trò đều vất vả truyền tải, lĩnh hội kiến thức. Từ thực tế này, nhà trường dựa vào mô hình học 2 buổi/ngày để linh hoạt chia đều nội dung giảng dạy trong mỗi buổi, tránh quá tải kiến thức cho học sinh; tiến hành phân loại đối trượng học sinh để nắm rõ năng lực của từng người, từ đó quan tâm, bồi dưỡng thêm cho những em lực học yếu, kém vào giờ học buổi chiều.


“Hơn nữa, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học TV1- CNGD, thông qua các hội nghị đánh giá và rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện chương trình này, Sở GD-ĐT tạo cơ chế “mở” với các cơ sở giáo dục khi cho phép các trường điều chỉnh, phân bổ khối lượng kiến thức phù hợp với thời lượng học, năng lực của học sinh; giảm độ dài một số bài đọc, chính tả hoặc thay thế nội dung một số câu thành ngữ, tục ngữ, bài đọc gần gũi hơn, phù hợp tư duy của trẻ. Tuy nhiên, mọi sự điều chỉnh phải dựa trên sự nghiên cứu, thống nhất cùng thực hiện của tổ khối chuyên môn; bảo đảm nội dung kiến thức chương trình đề ra”, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Ngô Quyền, Nguyễn Thị Hải Hạnh cho biết thêm.


Trước vướng mắc chương trình TV1- CNGD có lượng kiến thức nặng, cô giáo Trịnh Thu Trang, Trường tiểu học Nam Sơn (huyện An Dương) nêu quan điểm: Với chương trình TV1-CNGD, ngay từ những bài học đầu tiên về âm, vần ở tiết thứ 7-8, học sinh phải viết chính tả ngay. Điều này sẽ giúp những học sinh chăm chỉ, tích cực học tập nhanh chóng ghi nhớ kiến thức, song lại là khó khăn với những học sinh tư duy chậm. Bởi vậy, để truyền tải hiệu quả các kỹ năng, kiến thức về tiếng Việt đồng đều với tất cả học sinh, chương trình nên sắp xếp hoạt động viết chính tả diễn ra sau khi học sinh nắm chắc bảng chữ cái.


Bên cạnh đó, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD- ĐT) Trần Sách Thầu lưu ý, việc tổ chức dạy theo chương trình TV1-CNGD thuận lợi hơn đối với các lớp học có sĩ số học sinh khoảng 30 đến 35 học sinh/ lớp. Nếu sĩ số học sinh đông, đòi hỏi giáo viên phải phát huy năng lực trong công tác bao quát lớp, kiểm soát học sinh; nhiệt tình tổ chức các hoạt động nắm bắt tri thức. Để làm được điều này, bản thân giáo viên cần nghiên cứu kỹ chương trình và tích cực đổi mới phương pháp dạy học; đồng thời, các trường đẩy mạnh công tác tự bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xây dựng các buổi sinh hoạt chuyên đề ở cấp trường, cụm trường, cấp quận, huyện và cấp thành phố; thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những hạn chế trong quá triển khai TV1- CNGD.

 

Theo báo cáo của Sở Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2017-2018, Hải Phòng có 228 trường với 1.017 lớp tham gia dạy học theo chương trình TV1-CNGD cho tổng số hơn 38.000 học sinh lớp 1, đạt tỷ lệ 100%; học sinh tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm tương đối chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ; học sinh cũng tích cực và chủ động tham gia vào hoạt động học, tạo ra sản phẩm cho chính mình. Từ kết quả đạt được, nhằm ổn định chương trình dạy học tại Hải Phòng năm học 2018-2019, Sở tổng hợp lấy ý kiến 14 phòng giáo dục quận, huyện về việc thực hiện dạy học môn TV1-CNGD. Theo đó, 100% phòng GD-ĐT các quận, huyện, Sở GD-ĐT đăng ký tự nguyện năm học 2018-2019 tiếp tục dạy học theo chương trình này.


Báo Hải Phòng 25/10/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More