Print Thứ bảy, 26/01/2019 21:56

Mới đầu năm học 2018-2019, tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT) không đúng quy định ngoài nhà trường có chiều hướng gia tăng, ở các cấp học. Trong khi đó, ngành chức năng khó khăn phát hiện và xử  lý.

 

Theo quy định của UBND, không được dạy thêm văn hóa đối với học sinh tiểu học. (Ảnh minh họa)

 

 

Nhiều lớp dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường không phép

 


Ngay từ tháng 8, và nhất là sau khai giảng, tình trạng DTHT ngoài nhà trường tại thành phố gia tăng đột biến, hình thức tổ chức học đa dạng, như: thuê địa điểm học ở nhà dân, ngay tại nhà giáo viên, ở các trung tâm… Chị Phạm Thị Hiền, ở phố Lê Lai, có con trai học lớp 3 ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Ngô Quyền cho biết: “Tôi cho cháu học thêm nhà cô từ đầu năm, 3 buổi/tuần, trong đó có 1 buổi tối, sáng thứ bảy và chiều chủ nhật. Tuy kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng tôi cũng phải chắt chiu để cho con học, dù biết học cấp 1 học thêm là lãng phí cả kinh tế và thời gian”. Một số học sinh Trường tiểu học Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), Trường tiểu học Thái Phiên, tiểu học Trần Quốc Toản, THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền), THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng), THCS Thị Trấn- Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo)… học thêm ở ngoài nhà trường do giáo viên trên lớp dạy, thậm chí phải học 3 ca liên tục: buổi sáng, chiều học ở trường, buổi tối học thêm do thầy, cô tổ chức.

 


Qua kiểm tra thực tế, Thanh tra ngành Giáo dục- Đào tạo phát hiện không ít giáo viên tiểu học vi phạm tổ chức các lớp học thêm ngoài nhà trường dưới hình thức thỏa thuận với phụ huynh học sinh dạy kèm phụ đạo, có những lớp học lên đến 20, 30 học sinh. Cũng có không ít giáo viên bậc THCS, THPT chưa được sự cho phép lãnh đạo đơn vị, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép DTHT nhưng vẫn tổ chức DTHT ở ngoài nhà trường, với nhiều hình thức biến tướng thuê địa điểm dạy tại các trung tâm, thậm chí tại các cơ sở giáo dục, như: Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ (Trường đại học Hải Phòng), Trường trung cấp nông nghiệp thủy sản, Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố… Vì vậy, các cơ quan chức năng, thậm chí lãnh đạo trường cũng khó kiểm soát hết. Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng: Việc quản lý DTHT ngoài nhà trường thực sự khó khăn vì lực lượng Ban Chỉ đạo DTHT nhà trường mỏng, trong các văn bản chỉ đạo của cấp trên chưa làm rõ sự khác nhau giữa kèm gia sư và DTHT, chưa làm rõ trách nhiệm của các trung tâm gia sư trong việc quản lý dạy tại các trung tâm, gây khó khăn cho đoàn kiểm tra của nhà trường.


Cần những giải pháp quyết liệt, khả thi


Tại hội thảo mới đây, về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Xuân Trường khẳng định: Việc học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh và trên cơ sở đề nghị của phụ huynh học sinh, các nhà trường, các thầy, cô giáo tổ chức DTHT theo quy định. Tránh việc các trường học, giáo viên chạy theo thành tích, lợi nhuận nguồn thu từ DTHT mà vi phạm quy định, thậm chí còn “bật đèn xanh” cho giáo viên. Sở GD-ĐT chỉ đạo Phòng GD-ĐT cấp quận, huyện, các nhà trường cần thường xuyên quán triệt cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về DTHT.


Để khắc phục và ngăn chặn tình trạng DTHT ngoài nhà trường không đúng quy đinh, một số đơn vị tiến hành bằng những giải pháp khác nhau, trong đó có việc phối hợp chính quyền địa phương quản lý. Chủ tịch UBND phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) Nguyễn Văn Thạo cho hay: “Thời gian qua, phường đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt công tác DTHT, phối hợp các trường trên địa bàn nhất là yêu cầu giáo viên không dạy thêm trái quy định. Tuy nhiên, nếu cán bộ cơ sở ở khu dân cư hay người dân biết có hoạt động DTHT trái quy định nhưng không thông báo, vẫn khó nắm bắt xử lý”. Quận Hồng Bàng là địa phương có giải pháp quyết liệt trong quản lý DTHT ngoài nhà trường. Năm học 2016-2017,   Phòng GD-ĐT quận xử lý kỷ luật hai giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng vi phạm DTHT tại nhà, mỗi lớp học có hơn 20 học sinh. Năm học 2017-2018, trên địa bàn quận chỉ có 8 trường THCS được cấp phép DTHT trong trường, 6 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (được phép DTHT tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng Minh Hiền. Hiện, các trường THCS trên địa bàn quận và 6 giáo viên trên đang tiếp tục làm hồ sơ xin cấp phép DTHT năm học 2018-2019. “Để làm nghiêm công tác này, Phòng tham mưu giải pháp với UBND quận. Theo đó, ngay từ đầu năm học UBND quận Hồng Bàng xây dựng văn bản quản lý DTHT, đồng thời yêu cầu các trường xây dựng quản lý việc DTHT trong trường và quản lý đội ngũ giáo viên nhà trường về DTHT” – Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hồng Bàng Nguyễn Thị Nhất cho biết.


Từ thực trạng này có thể thấy rõ bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện của các cấp, ngành thì việc ban hành văn bản về quản lý DTHT cũng cần được điều chỉnh chặt chẽ theo hướng cụ thể, rõ trách nhiệm. Đặc biệt, các bậc phụ huynh học sinh cần lên tiếng phản ánh khi nhà trường, giáo viên tổ chức DTHT không đúng quy định, để ngành chức năng có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Quyết định số 2050 của UBND thành phố ban hành ngày 13 – 11 – 2012 quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó, tại Điều 3 quy định về các trường hợp không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ hoạt động: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông. Đối với bậc THCS, THPT, giáo viên muốn dạy thêm ngoài nhà trường phải được lãnh đạo nhà trường cho phép và cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

 

THẢO ANH – Báo Hải Phòng 05/10/2018 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Dạy thêm, học thêm không đúng quy định ngoài nhà trường: Cần chấn chỉnh kịp thời
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác