Print Thứ Tư, 15/04/2020 10:20 Gốc

Việc giãn cách xã hội cần được tiếp tục ở nhiều nơi, nhất là ở Hà Nội, điểm chống dịch nóng bỏng nhất cả nước. Mỗi người dân, dù bất kỳ đâu, cũng phải nâng cao cảnh giác với dịch.

Hôm 13/4 ngày gần cuối của hạn định 15 ngày “giãn cách xã hội” chống dịch Covid-19, tôi có việc phải ra đường sau nhiều ngày ở lỳ trong nhà. Đó là việc đặng chẳng đừng tôi phải đi dự đám tang đưa tiễn một nhà thơ ở nhà tang lễ Cầu Giấy. Tôi chọn giải pháp tự lái xe cho an toàn. Đám tang thời dịch giã vắng vẻ, ngoại trừ gia đình thân quyến chỉ có một số ít bạn bè thân thiết có mặt. Rất dễ nhận thấy là mọi người dự tang lễ tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống. Tất cả đều đeo khẩu trang, không bắt tay, đứng hàng ngang nói chuyện, giữ giãn cách có thể nhất và nhanh chóng di chuyển khi xong việc. Điều này là bất thường bởi bạn bè văn chương những dịp như thế khó tránh được việc gặp gỡ hàn huyên. Điều đó càng chứng tỏ việc “giãn cách xã hội” đã thực sự đi vào đời sống trong những ngày chống dịch căng thẳng này.

Giãn cách xã hội” là cụm từ chỉ các biện pháp thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ về “cách ly xã hội” trong toàn quốc để chống dịch. Ta không bàn về phương diện ngôn ngữ bởi bản chất của cả hai cụm từ là cùng một gốc dù cách thức thực hiện có đôi chỗ khác nhau. Điểm này Chính phủ đã giải thích rõ để các địa phương thực hiện và chấn chỉnh nếu có những biện pháp vượt ngoài ý nghĩa và nội dung của chỉ thị 16. Nếu như Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương khác làm triệt để việc kiểm soát thậm chí là cấm ra vào địa bàn thì Hà Nội có lẽ là địa phương làm đúng tinh thần của Chính phủ và việc thực hiện tương đối hiệu quả.

Hà Nội đang là một trong những điểm chống dịch nóng bỏng nhất nước ở cả các ca nhiễm Covid-19 và sự phức tạp ở đặc điểm là đô thị trung tâm, nên thành phố thu hút nhiều thành phần dân cư từ các địa phương khác và nước ngoài.

Thực hiện việc “giãn cách xã hội”, Hà Nội vẫn cho duy trì lưu thông có kiểm soát nên giao thông qua Hà Nội không bị gián đoạn. Với nội đô, việc kiểm soát được thực hiện từ cấp phường nên nhìn chung không có những vi phạm lớn. Hầu như các nhà hàng, cửa hiệu từ ăn uống, giải trí đến hộ buôn bán không cấp thiết đều bắt buộc đóng cửa. Chính quyền lập các chốt kiểm soát, các tổ tuần tra đảm bảo an ninh trật tự và xử phạt những cá nhân vi phạm. Có thể nói đường phố Hà Nội những ngày này hệt như thời điểm sáng mồng một Tết âm mỗi năm – là thời điểm người dân ít ra ngoài, đường vắng vẻ gần như tuyệt đối.

Nhưng có lẽ chả riêng Hà Nội mà trong phạm vi toàn quốc, đó chỉ là một phần những gì đã làm được. Sự quyết định của thành bại trong việc chống dịch nằm ở ý thức người dân và ở những chế tài của chính quyền. Đây chính là điều đáng lo ngại nhất.

Nhằm siết chặt cách ly xã hội, UBND phường Hàng Gai đã cho triển khai kẻ vạch sơn chạy từ đầu phố Yên Thái, cắt chợ Hàng Da đến cuối phố cắt phố Hàng Mành, người mua đứng sau vạch sơn để mua hàng, còn người bán từ trong nhà bán ra. Ảnh: Dân Việt.

Hà Nội đã dứt điểm xóa sổ ổ dịch Bạch Mai. Những vệt đuôi từ hơn 5.000 bệnh nhân được san về địa phương đã không có ca nào nhiễm. Đây thật sự là một thắng lợi và cất đi được gánh nặng lo ngại sự lây lan cộng đồng. Nhưng Hà Nội lại đang phải đương đầu với ổ dịch Hạ Lôi. Con số nhiễm ở ổ dịch này hiện chưa nhiều (12) nhưng số lây nhiễm trong cộng đồng chưa thể biết trước và nguy cơ tăng thêm là hoàn toàn có thể bởi bệnh nhân số 243 có phạm vi hoạt động rộng trước khi bị phát hiện.

Không thể không nhắc đến bệnh nhân số 262 ở công ty Samsung Yên Phong, Bắc Ninh. Đây là ca bệnh mang đến nhiều lo ngại bởi đặc thù nghề nghiệp, bệnh nhân làm việc ở nơi đông người, di chuyển trên xe ca chở công nhân, nhà ăn tập trung. Hiện đang phân loại cách ly số người trong diện tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Nhắc đến những trường hợp trên tôi muốn khẳng định rằng việc “giãn cách xã hội” là hoàn toàn cần thiết. Trước khi có chỉ thị 16 tôi đã không ít lần viết bài lên tiếng đề nghị các cấp chính quyền thực hiện biện pháp mạnh cách ly xã hội để ngăn ngừa dịch. Những gì đã xảy ra chứng tỏ Chính phủ và các địa phương đã kịp thời ra những biện pháp cách ly hữu hiệu.

Phải thẳng thắn thừa nhận chủ trương “giãn cách xã hội” là đúng đắn nhưng việc thực hiện dù đã hiệu quả trước mắt nhưng không đồng bộ và chưa triệt để. Đó là các biện pháp của chính quyền hoặc quá cực đoan kiểu “ngăn sông, cấm chợ”, hoặc nửa vời không đến nơi đến chốn dẫn đến nhờn luật và vi phạm ngày một gia tăng.

Lấy Hà Nội để đơn cử. Sau mấy ngày đầu nghiêm ngắn thì càng về sau người dân đổ ra đường ngày một đông hơn. Thậm chí một nhóm thanh niên còn tổ chức đua xe ở ngay trung tâm Hà Nội, nơi đặt nhiều chốt bảo vệ nhất. Lác đác có cửa hàng ăn uống mở kiểu du kích cho khách quen. Có điều này là vì các biện pháp của chính quyền chưa thật sự quyết liệt. Nhưng quan trọng hơn tất thảy là ý thức người dân. Đây mới là điều đáng lo ngại nhất. Nếu người dân không thực hiện tốt việc “giãn cách xã hội” thì mọi công sức của ngành y cả nước sẽ đổ xuống sông xuống bể và đại dịch có điều kiện để hoành hoành. Nói như chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là sẽ vỡ trận. Điều đó hoàn toàn hiện thực nếu như chúng ta không ý thức chống dịch triệt để.

Hôm nay là hết thời hạn 15 ngày “giãn cách xã hội”  đầu tiên của Chính phủ. Dư luận đang có những bàn luận xung quanh việc tiếp tục hay dừng thực hiện cách ly. Tôi tin bằng những gì Chính phủ đã làm tốt trong thời gian vừa qua, việc chỉ đạo tiếp tục hay dừng “giãn cách xã hội” sẽ được quyết định một cách hài hòa.

Theo tôi với các địa phương chưa có nhiều nguy cơ dịch như Hà Nội có thể nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa để có thể duy trì sản xuất và đời sống. Tất nhiên với các cửa khẩu vẫn phải áp dụng cách ly tuyệt đối với các trường hợp nhập cảnh.

Riêng với Hà Nội điều gì sẽ xảy ra nếu sau mốc 15/4 lệnh “giãn cách xã hội” bị bãi bỏ? Một Hà Nội với hàng quán nghìn nghịt, giao thông tắc nghẽn với hàng triệu người ra đường sẽ là một thảm họa, khi không ít rủi ro từ các ổ dịch đang tồn tại và đầy nguy cơ nguồn lây nhiễm đang trôi nổi trong cộng đồng.

Tốt nhất là Hà Nội nên duy trì việc “giãn cách xã hội” thêm một thời gian tùy thuộc và có điều chỉnh một số hạng mục quy định cụ thể nhằm đảm bảo việc chống dịch hữu hiệu và đảm bảo đời sống cũng như sản xuất của người dân. Việc nới lỏng được làm theo lộ trình và từ từ tùy thuộc vào tình hình mức độ dịch.

Nhưng nói gì thì nói cần thiết nhất vẫn là ý thức người dân. Thú thật với ý thức người dân hiện nay tôi không mấy tin tưởng ở một số trường hợp vừa chủ quan vừa kém nhận thức và thiếu tinh thần cộng đồng. Để hạn chế điều đó chỉ có cách sử dụng chế tài chặt chẽ, hợp lý cùng những biện pháp mạnh mẽ của chính quyền

Làm kiên quyết được thế, chúng ta hoàn toàn có thể khống chế được dịch Covid 19 trong tương lai gần.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đầy rủi ro nếu sớm bỏ “giãn cách xã hội”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác