Nỗi buồn cảnh công nhân ở trọ
Trở về phòng trọ tại thôn 8, xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng sau một ngày làm việc vất vả, anh Nguyễn Văn Thiệp – công nhân Cty TNHH công nghiệp giày Aurora Việt Nam – không giấu được tiếng thở dài. “Cả ngày đi làm mệt mỏi, tối về muốn được nghỉ ngơi nhưng mấy ngày nay thời tiết khắc nghiệt, phòng trọ không khác gì “xông hơi”” – anh Thiệp chia sẻ.
Khó chịu, bí bách là vậy, nhưng năm nay là năm thứ 13 anh Thiệp gắn bó với căn nhà trọ này. Mong muốn lớn nhất của anh là có nơi ở rộng rãi, thoáng mát để đón vợ con đang ở quê Thái Bình ra Hải Phòng đoàn tụ.
Trong phòng trọ nhỏ hẹp 15m2 tại thôn Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương, chị Lê Thị Xuyền (quê ở Thái Nguyên) đang chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Trước đây, vợ chồng chị Xuyền đều là công nhân Khu công nghiệp Nomura nhưng nửa năm nay, do chưa tìm được nơi gửi trẻ cho con nên chị Xuyền phải xin nghỉ việc, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Chị Xuyền cho biết, tiền thuê nhà chỉ 450.000 đồng/tháng nhưng những chi phí khác như điện, nước tính theo giá dịch vụ tương đối cao (tiền điện 3.500 đồng/số, nước 14.000 đồng/m3). Mấy tháng cao điểm mùa hè này, gia đình chị Xuyền trả tiền điện, nước cao gấp đôi tiền phòng…
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng, hiện có khoảng hơn 15.200 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số gần 507.000 CNLĐ, tỉ lệ lao động nhập cư chiếm 24%, số lao động có nhu cầu về nhà ở chiếm hơn 11%. Thành phố chưa có thiết chế công đoàn tại các khu công nghiêp, một số doanh nghiệp xây nhà ở bán trả góp cho CNLĐ hoặc cho công nhân thuê nhưng số lượng không nhiều. Phần lớn lao động nhập cư phải tự thuê phòng trọ để ở với chất lượng thấp, chủ yếu là nhà cấp 4, diện tích chật hẹp, không bảo đảm vệ sinh môi trường…
Gỡ khó trong xây dựng thiết chế công đoàn
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng Đào Trọng Trung, trước nhu cầu nhà ở ngày càng trở nên cấp thiết của người lao động, năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng có chủ trương bố trí mặt bằng 4,5ha tại Khu công nghiệp Tràng Duệ để xây dựng thiết chế công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cam kết đầu tư giai đoạn 1 dự án này với tổng kinh phí 310 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án chưa triển khai do vướng mắc thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…
Vừa qua, UBND thành phố có văn bản số 3570/UBND-XD2 về việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và giải phóng mặt bằng khu đất 4,5ha tại Khu D – Khu dân cư đô thị Tràng Duệ, huyện An Dương phục vụ xây dựng thiết chế công đoàn. Theo đó, UBND TP.Hải Phòng đồng ý chủ trương thực hiện dự án từ nguồn đầu tư công ngân sách thành phố; giao cho UBND huyện An Dương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Liên đoàn Lao động TP đang tích cực, khẩn trương phối hợp với các ngành tiến hành các thủ tục để dự án sớm được khởi công.
Cùng với đó, các cấp công đoàn tiếp tục chủ động đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm, đầu tư thiết chế công đoàn, có chính sách hỗ trợ nhà ở, đi lại, tiền gửi trẻ… cho công nhân đang thuê trọ. Đồng thời, các cấp công đoàn phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp, trong đó, tập trung giám sát chính sách liên quan đến vấn đề tăng ca, làm thêm giờ, tiền lương, chế độ BHXH, tạo điều kiện CNLĐ làm việc, có cuộc sống tốt hơn, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, thành phố.
ĐẶNG LUÂN Theo Báo Lao động
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More