Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:53

Thay vì sử dụng sáp màu, giấy màu… cô Hoàng Thị Hoa, giáo viên Mỹ thuật Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ chọn lá cây khô làm vật liệu chính  trong những tiết dạy mỹ thuật. Nhờ sáng kiến độc đáo này, cô Hoa vinh dự nhận Bằng lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước của Tổng Liên đoàn Lao động ViệtNam.

 

Say sưa cắt tỉa những chiếc lá khô để trang trí chiếc thiệp làm tặng mẹ, em Nguyễn Khánh Vy, học sinh lớp 3A4, Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ vui mừng kể: “Nhờ sự gợi ý, hướng dẫn của cô Hoa, chúng em vẽ tranh, làm nhiều sản phẩm thủ công từ lá khô để trang trí góc học tập. Vì thế, em rất thích thú với những tiết học Mỹ thuật do cô Hoa dạy”. Dùng lá cây khô để tạo nên những bức tranh độc đáo, sinh động là một trong nhiều ý tưởng sáng tạo của cô giáo Hoàng Thị Hoa được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động dạy Mỹ thuật tại Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ. Nằm trong khuôn viên xanh, sạch, các phòng học của nhà trường càng trở nên sinh động, bắt mắt nhờ được trang trí bằng những “tranh vẽ nhỏ” làm bằng lá khô của cô, của trò.

 


Cô Hoàng Thị Hoa, giáo viên Mỹ thuật Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ hướng dẫn học sinh vẽ tranh bằng lá cây.

Hơn mười năm gắn bó với bộ môn “nghệ thuật thị giác” là từng ấy thời gian cô Hoa trăn trở tìm cách dạy hay, vật liệu mới để tạo sức hút với học sinh. Theo cô Hoa, môn Mỹ thuật ở bậc tiểu học không yêu cầu cao về kỹ năng đối với học sinh, nhưng góp phần quan trọng hình thành khả năng cảm thụ cái đẹp, phát huy trí tưởng tượng của trò. “Vì vậy, muốn trò sáng tạo, bản thân giáo viên luôn phải đổi mới”. Nghĩ là làm, cô Hoa nảy ý tưởng thu lượm những “phế liệu” từ cuộc sống như: vỏ ốc, vỏ sò, vải vụn… để cùng học trò làm những bức tranh. Cô Hoa cho biết: “Trong số những vật liệu quen thuộc ấy, lá cây khô vừa đa dạng, dễ tìm, dễ sử dụng. Với những thao tác ghép, cắt, dán đơn giản, học sinh có thể tạo thành bức tranh con vật, phong cảnh… tùy sở thích, theo cảm nhận riêng. Học trò khối lớp 4, lớp 5 có thể quệt màu lên lá cây để in họa tiết gân lá, viền lá… Đây là cách dạy mỹ thuật phù hợp phương pháp mới (SAEPS) của Đan Mạch, được Ban giám hiệu nhà trường khuyến khích giáo viên thực hiện”.

 

Với vật liệu mới, những “họa sĩ nhí” hồ hởi, miệt mài tham gia “sáng tác”. So với việc sử dụng những vật liệu quen thuộc như giấy màu, sáp màu, dùng lá cây khô không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn giúp thầy cô dễ dàng lồng ghép nhiều bài học tự nhiên và xã hội như vai trò của cây xanh, tại sao lá cây chuyển màu… Theo cô Hoa, trước đây với cách học Mỹ thuật truyền thống, giáo viên vẽ mẫu-học trò làm theo, các em chỉ phát huy được kỹ năng cá nhân, rất khó tổ chức hoạt động tập thể. Tuy nhiên, với tiết học với lá cây khô, cô Hoa dễ dàng tổ chức các cuộc thi ghép tranh, tạo hình vui nhộn giữa các tổ, các nhóm, giúp các em hòa đồng và hiểu nhau hơn. Tâm huyết với sự nghiệp trồng người và luôn ấp ủ những ý tưởng sáng tạo, cô Hoa chia sẻ: “Ngắm những tác phẩm ngộ nghĩnh bằng lá cây do các con chung tay làm là động lực giúp tôi tiếp tục tìm kiếm những vật liệu mới, có thể lồng ghép bài học về ý thức bảo vệ môi trường đến gần với học sinh, thêm yêu thế giới chung quanh”.

 

“Không chỉ là giáo viên dạy giỏi Mỹ thuật cấp thành phố, cô Hoàng Thị Hoa còn là cây sáng kiến của nhà trường. Cô Hoa từng có 3 giải pháp sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, được cấp trên công nhận. Bằng tình yêu nghề, yêu trò và bàn tay khéo léo, cô Hoa tổ chức nhiều tiết tạo tranh bằng lá cây sinh động đem lại sự lôi cuốn, thích thú với học sinh. Nhiều bức tranh bằng lá cây do cô Hoa và học trò tự làm có giá trị thẩm mỹ cao, độc đáo, được bán đấu giá để gây quỹ giáo dục trong nhà trường”, cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ nhận xét…


Tuyết Mai – Báo Hải Phòng 11/09/2018


Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Dạy mỹ thuật bằng… lá cây khô
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác