Xã hội

Đẩy mạnh phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Rèn luyện kỹ năng an toàn trong môi trường nước

Cuối tháng 4 vừa qua, tại Hải Phòng, một học sinh lớp 8 bị đuối nước tại khu vực chân cầu Bính. Vụ việc đau lòng này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gia tăng tai nạn đuối nước ở trẻ em trong dịp hè. Vì thế, không dừng lại ở hoạt động tuyên truyền, công tác giáo dục, rèn luyện kỹ năng an toàn trong môi trường nước đối với trẻ em cần được các cấp, các ngành và gia đình quan tâm, đẩy mạnh thực hiện.

Tai nạn đuối nước vẫn tăng

Theo thông tin của UBND phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền), chiều 26/4, em Nguyễn Đ.M., 14 tuổi, học sinh Trường THCS An Đà cùng 3 bạn ở gần nơi cư trú, rủ nhau chơi, tắm gần khu vực chân cầu Bính. Sau đó, em M. bị tử vong do đuối nước. Những vụ việc tương tự thường xảy ra vào dịp hè, khi nhu cầu bơi lội của trẻ em tăng cao. Thống kê của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2022, có 30 trẻ em trên địa bàn thành phố thiệt mạng do đuối nước, tăng khoảng 12% so với năm trước. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ (chiếm hơn 80%). Số vụ đuối nước ở trẻ em trong những năm gần đây chưa có xu hướng giảm, bởi vẫn nhiều em chưa có kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Trưởng bộ môn Bơi, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao thành phố Phạm Ngọc Khánh nhận xét: Những nguyên tắc, kỹ năng cơ bản giúp trẻ an toàn trong môi trường nước gồm: Không xuống dưới nước nếu chưa biết bơi; cảnh giác, cẩn thận khi vui chơi tại các khu vực ao, hồ, sông, suối; không bơi lội khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi… Tuy nhiên, phần lớn trẻ chưa được trang bị kiến thức này hoặc chưa hình thành thói quen tuân thủ nghiêm các quy định, nguyên tắc nên dễ gặp sự cố khi tiếp xúc hoặc chơi đùa trong môi trường nước.

Có con trai 7 tuổi từng bị đuối nước khi tắm biển Đồ Sơn may mắn được phát hiện, sơ cứu kịp thời, chị Phạm Thu Phương, trú tại 5J/5, phố Khúc Thừa Dụ (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) cho rằng: Hiện, nhiều gia đình chưa có điều kiện để đăng ký cho con tham gia các khóa học bơi bài bản, có sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp. Do đó, để hạn chế nguy cơ gặp tai nạn đuối nước ở trẻ em, kiến thức cơ bản về an toàn trong môi trường nước cần được nhà trường kết hợp linh hoạt trong nội dung giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ lên lớp, từ bậc mầm non, tiểu học. Qua đó, giúp học sinh hình thành ý thức nhận diện các nguy cơ rủi ro khi tiếp cận môi trường nước.

Dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại bể bơi ở phường Kênh Dương, quận Lê Chân.

Chung sức hành động

Trên địa bàn thành phố có 20 xã, phường ven biển; 90 xã, phường ven sông; hơn 30 bến đò ngang chở khách được cấp phép, ngoài ra còn nhiều hồ, ao, kênh, mương, bãi tắm tự phát… Thực tế này đặt ra thách thức lớn đối với công tác phòng, chống đuối nước, bảo vệ trẻ em. Nắm bắt được tình trạng này, vừa qua, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân) thực hiện tiết dạy thực nghiệm giáo dục địa phương kết hợp nội dung kỹ năng phòng, chống đuối nước đối với 540 học sinh khối lớp 8 của nhà trường. “Tiết học không chỉ giúp các em nhận diện được nguyên nhân, nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn đuối nước, mà còn được rèn luyện thực hành kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu khi gặp người bị đuối nước, sáng tạo nhanh các phương tiện cứu sinh để hỗ trợ bạn, người khác khi bị đuối nước”, cô Hằng chia sẻ.

Cùng với đó, phổ cập bơi đối với học sinh cần được các địa phương, tổ chức đoàn thể quan tâm, chú trọng hơn. Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Bùi Mạnh Phúc cho biết, từ hiệu quả cao của mô hình bể bơi thông minh do Hội vận động kinh phí tài trợ, lắp đặt tại Trường tiểu học Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), thời gian tới, Hội tăng cường vận động nguồn lực ủng hộ để phát triển thêm bể bơi tại khu vực ngoại thành để trẻ em trong các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo được học bơi miễn phí.

Hiện hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thể thao dưới nước phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức các giải bơi thiếu niên, nhi đồng và bơi cứu đuối phòng, chống thương tích, khuyến khích và động viên phong trào tập luyện môn bơi.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 60% số trẻ em từ 6 đến 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, 90% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống đuối nước, giảm 10% số trẻ tử vong do đuối nước, UBND thành phố yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể quan tâm dành quỹ đất, đầu tư xây dựng bể bơi và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi, hồ hơi tại các xã, bảo đảm thực hiện các quy định về chuyên môn, vệ sinh, an toàn tại các điểm dạy bơi, học bơi, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, giảm thiểu tai nạn, thương vong đối với trẻ em./.

Bài và Ảnh: Huy Đại

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More