Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phát biểu ý kiến hết sức trách nhiệm, thẳng thắn, cầu thị, đánh giá đúng tình hình, kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, nguyên nhân công tác giải ngân 9 tháng đầu năm 2021 của bộ, cơ quan, địa phương mình; đồng thời thể hiện tinh thần, thái độ, ý thức quyết tâm cao khắc phục các hạn chế, tồn tại để phấn đấu đẩy mạnh giải ngân những tháng cuối năm với nhiều giải pháp cụ thể, khả thi.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đến hết tháng 9 năm 2021 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch được giao; phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 36 bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch giao (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Trong những tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước dịch bệnh vẫn tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội. Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”, chúng ta tiếp tục nỗ lực cao nhất để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Quan điểm chỉ đạo là: (1) Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2021; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. (2) Quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. (3) Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.
Xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở đi đôi với tăng cường phân cấp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương.
Triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Hoàn thành giao vốn chi tiết cho các dự án khởi công mới năm 2021 trước ngày 30/9/2021 theo đúng quy định tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện ngay việc điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn hoặc điều chỉnh để thu hồi vốn ứng trước cho danh mục dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (nếu còn) theo thẩm quyền quy định hoặc báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với số vốn không có khả năng giải ngân hết của bộ, cơ quan, địa phương mình để có phương án điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân tốt.
Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, nhất là các quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, địa phương, chuẩn bị kỹ nội dung và thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật.
Tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, không để xảy ra ách tắc nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội thì cần tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, bảo đảm triển khai ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường làm việc trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và không gây phiền hà cho các bộ, cơ quan, địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 từ các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm sang các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công còn vướng mắc, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán, rút vốn từ nhà tài trợ, không để tồn đọng hồ sơ; xử lý kịp thời các vướng mắc về thanh, quyết toán, rút vốn; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương công khai kết quả giải ngân hàng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử các bộ, cơ quan, địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn về “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương, cơ quan áp dụng thống nhất.
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường nắm tình hình, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More