Print Thứ Năm, 15/10/2020 09:40 Gốc

Sáng 15-10, ngày làm việc thứ ba Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Anh Tuân, Ủy viên Thành ủy, Giám đốc Sở Ngoại vụ trình bày tham luận với nội dung: “Tiếp tục chủ động, đẩy mạnh công tác đối ngoại; không ngừng nâng cao năng lực hội nhập nhằm tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế mang lại, nhất là những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Đại hội 16 Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025”.

Trong tham luận, đại biểu nêu: Nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy, các tổ chức Đảng triển khai thực hiện, huy động sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trước hết, tổng số vốn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố tăng mạnh trong 5 năm qua, đạt 9,41 tỷ USD, nâng tổng nguồn vốn này lên gần 18,2 USD với sự hiện diện của các tập đoàn đa, xuyên quốc gia như LG, Bridgestone,… Thành phố duy trì mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân 34,42%/năm, chỉ tính riêng năm 2020 ước đạt 18,94 USD, gấp 4,5 lần năm 2015. Một nguồn ngoại lực khác là ODA cũng góp phần chuyển đổi mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đổi mới bộ mặt giao thông, đô thị của thành phố với nhiều công trình trọng điểm như: cầu và đường Tân Vũ-Lạch Huyện, hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, trục liên kết giao thông Đông-Tây,… thu hút các nhà đầu tư hàng đầu trong nước như Vingroup, Sun Group, FLC… đem lại “luồng sinh khí mới”, thể hiện sự kết hợp hiệu quả giữa “nội lực” và “ngoại lực” trên cả 3 lĩnh vực kinh tế trụ cột là kinh tế cảng biển-logistic, công nghiệp công nghệ cao và du lịch. Tính đến năm 2020 sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 153,3 triệu tấn, gấp 2,24 lần 2015.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuân, Ủy viên Thành ủy, Giám đốc Sở Ngoại vụ trình bày tham luận tại Đại hội.

Đến nay, thành phố đã xây dựng, kết nối thương mại với 126 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự kiện Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện đón thành công các tàu siêu lớn là những mốc son khẳng định lĩnh vực kinh tế cảng biển, logistic của thành phố bước đầu vượt tầm khu vực, vươn ra toàn cầu. Sân bay quốc tế Cát Bi kết nối thành công một số tuyến quốc tế, đang cùng với cảng biển trở thành động lực quan trọng không ngừng nâng tầm vị thế thành phố. Các hoạt động liên kết, hợp tác khác cũng được thúc đẩy và có nhiều chuyển biến tích cực như: Hành lang kinh tế 5 tỉnh Việt Nam-Trung Quốc; hợp tác cấp địa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ,…; liên kết đa phương với các tổ chức CityNet, WCCD, TPO, WeGO, Mayors for Peace,…

Hoạt động ngoại giao văn hóa, công tác thông tin đối ngoại có sự đổi mới, sáng tạo gắn với đẩy mạnh quảng bá về vùng đất, con người Hải Phòng, xúc tiến đầu tư và du lịch, mở đường bay quốc tế. Lễ hội Hoa Phượng Đỏ luôn tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè và du khách bốn phương. Và gần đây nhất, Vịnh Lan Hạ chính thức trở thành một trong 46 vịnh đẹp nhất thế giới. Thành phố cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên mới của thế giới vào năm 2023 với 4 tiêu chí mỹ học, địa chất địa mạo, đa dạng về hệ sinh thái và đa dạng về giống loài.

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai hiệu quả, khuyến khích, động viên kiều bào hướng về quê hương. Đặc biệt, giá trị kiều hối giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 1,61 tỷ USD tăng 69,12% so với giai đoạn 2011-2015. Tính riêng năm 2019, lượng kiều hối gửi về đạt 409 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ), tương đương 1/3 tổng ngân sách thu nội địa cùng năm của thành phố.

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ 13 của Đảng dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó định hình, với nhiều tác động đa chiều, đan xen. Biến đổi khí hậu, thiên tai và đặc biệt như tác động trầm trọng của đại dịch COVID-19; tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại cả những cơ hội và thách thức đối với đất nước và thành phố. Nước ta có 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, đang phát huy hiệu quả như: CPTPP, EVFTA,… và chuẩn bị hoàn thành đàm phán RCEP. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại mà cốt lõi là nhiệm vụ hội nhập kinh tế toàn diện vẫn được Đảng ta xác định là trọng tâm. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trên đây, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Anh Tuân đề xuất một số giải pháp:

Một là, thực hiện triệt để phương châm triển khai toàn diện, quyết liệt, hiệu quả các định hướng đối ngoại sẽ được Đại hội 16 Đảng bộ thành phố thông qua; không ngừng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương và các doanh nghiệp nhằm phát huy tổng lực hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thế mạnh, trọng điểm của thành phố.

Hai là, tiếp tục củng cố niềm tin chiến lược, cốt lõi với bạn bè và đối tác quốc tế, chú trọng các đối tác đến từ các quốc gia, khu vực, cộng đồng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN. Tích cực tham gia hoạt động các tổ chức đa phương, vận động các tổ chức quốc tế tăng cường hoạt động, đặt chi nhánh, trụ sở tại thành phố, nghiên cứu thiết lập các đầu mối liên hệ của thành phố tại một số thị trường quốc tế trọng điểm trên cơ sở liên kết công-tư. Nghiên cứu đề xuất với Trung ương có các chính sách đặc thù cho công tác đối ngoại của thành phố, đặc biệt là về thẩm quyền quyết định.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong công tác quản lý hành chính, trong cung cấp dịch vụ công nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng phù hợp với các cam kết, nguyên tắc hội nhập; tăng cường sự hợp tác, phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương, đối tác trong và ngoài nước qua các kênh ngoại giao trong triển khai các nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập.

Bốn là, nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế của thành phố. Trong đó chú trọng đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp về nắm bắt cơ hội và nhận diện rõ những thách thức của các FTA, các quy định, chuẩn mực quốc tế và các thể chế đa phương; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ pháp lý, luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp thành phố trong giải quyết các tranh chấp pháp lý quốc tế.

Năm là, xây dựng bản sắc văn hóa đối ngoại của thành phố. Phối hợp hài hòa giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế. Theo đó, cần tập trung hoàn thành đệ trình UNESCO công nhận vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới mới và tập trung nghiên cứu giá trị nổi bật toàn cầu về nghệ thuật quân sự của di tích bãi cọc Bạch Đằng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hình ảnh “công dân thành phố hội nhập và phát triển”; thúc đẩy việc học tập và thực hành ngoại ngữ trong mọi tầng lớp nhân dân. Nghiên cứu thử nghiệm mô hình “Thành phố sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai”. Quan tâm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác người Hải Phòng ở nước ngoài./.

ĐỖ OANH (GHI) – ẢNH: DUY THÍNH

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đẩy mạnh công tác đối ngoại, nâng cao năng lực hội nhập
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác