Print Chủ Nhật, 12/07/2020 13:15 Gốc

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị có tầm nhìn sáng suốt và chuẩn xác. Chủ trương và mục tiêu của Nghị quyết đã rất rõ, vấn đề đặt ra là công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Đây là vấn đề quan trọng mà trong đó một trong những nội dung là thu hút các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch.

Ưu tiên đầu tư tư nhân đối với lưới điện truyền tải

Tại buổi tọa đàm: Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch”, tổ chức chiều 10/7, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, xây dựng hệ thống truyền tải điện là vấn đề mới. Đơn cử ở Ninh Thuận có nhà đầu tư Trung Nam cũng đang đầu tư xây dựng trạm biến áp 500KW và các đường dây đấu nối. Đây là nhà đầu tư sử dụng vốn tư nhân.

Về cơ chế khuyến khích thu hút vốn, phải xác định phụ thuộc rất lớn vào tín hiệu và giá. Đi kèm với các chính sách có định hướng trong Nghị quyết 55, Bộ Chính trị cũng đã đề cập đến thu hút đầu tư tư nhân cho lưới điện truyền tải, cũng như cơ chế chính sách đầu tư xây dựng cho hệ thống truyền tải điện tách bạch với độc quyền Nhà nước về truyền tải điện, thực hiện xã hội hóa đầu tư và khai thác cơ sở vật chất dịch vụ ngành năng lượng bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia, trên cơ sở bảo đảm quốc phòng an ninh.

Như vậy những chủ trương chính sách của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ về việc đầu tư tư nhân với lưới điện truyền tải hàm ý không phải hoàn toàn xóa bỏ độc quyền Nhà nước về truyền tải mà phải tách bạch phạm vi nào cần độc quyền, phạm vi nào thực hiện được đầu tư tư nhân trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh” – ông Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tuấn Anh lý giải, truyền tải điện quốc gia là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch của hệ thống điện Quốc gia, đóng một vai trò hết sức quan trọng quyết định vấn đề an ninh năng lượng và an ninh quốc gia, cần phải độc quyền cả về đầu tư và quản lý vận hành. Bởi vì hệ thống xương sống quốc gia này liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên những đường dây truyền tải từ một vài dự án nguồn điện hoặc các nhóm nguồn điện đến điểm đấu nối, chúng ta có thể giao cho tư nhân, bởi vì khi có sự cố trong những đường dây này chỉ mang tính cục bộ, không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Trao đổi cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho hay, tư nhân và nhà nước phải gắn liền quyền lợi với nhau. Việc Trung Nam đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương và cả EVN. Đây là điểm mới và khơi thông được một phần nhỏ tinh thần của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Việc tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án. Bởi các doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt, còn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một đồng cũng là của Nhà nước. Tư nhân đầu tư, khi hoàn thành có thể EVN/Tổng Công ty Truyền tải Quốc gia (EVNNPT) vận hành”, ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, với cơ chế giá điện hấp dẫn, Nhà đầu tư sẵn sàng chấp thuận đầu tư cả phần hạ tầng lưới điện đấu nối mà vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư. Ngoài đánh giá tiềm năng về mặt phát điện, Nhà đầu tư sẽ phải xem xét phát triển dự án tại các vị trí thuận lợi và tối ưu trong việc giải tỏa công suất phát, xác định phạm vi đầu tư từ nguồn đến hạ tầng đấu nối, đánh giá hiệu quả dự án một cách tổng thể trước khi có đề xuất và quyết định đầu tư. Có như vậy, dự án mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước.

Nếu chỉ xem xét lợi ích từ một phía, không đánh giá tổng thể hiệu quả chung, có thể gây áp lực cho Nhà nước/ngành điện phải đầu tư hạ tầng truyền tải với chi phí tốn kém, hiệu quả tổng thể không cao và làm tăng giá bán lẻ điện.

EVN không còn độc quyền khâu mua điện

Ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin, thị trường điện của Việt Nam phát triển qua ba cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh; thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán điện lẻ cạnh tranh. Từ năm 2012 đến nay, việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả khả quan. “Thị trường phát điện cạnh tranh đã được hoàn thành về cơ bản và đến nay EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực”, ông Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (bên phải) – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại Tọa đàm.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ thực hiện thí điểm và từ sau năm 2023, chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế giá thị trường.

Như vậy, việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam phù hợp tinh thần với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành Điện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, xóa bỏ độc quyền trong các khâu sản xuất kinh doanh điện.

Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện. Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55. “Tương lai sẽ bảo đảm việc sẽ phát triển thị trường mang tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả và phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Sẵn sàng phát triển lưới điện thông minh

Ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hệ thống điện Việt Nam hiện nay là một hệ thống điện lớn, với tổng công suất nguồn điện đạt khoảng 55.000MW, quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.

Yếu tố quan trọng nhất để vận hành an toàn, bền vững hệ thống điện là nguồn điện có đủ dự phòng và đảm bảo tính đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện, đặc biệt là lưới điện truyền tải.

Cũng theo ông Nguyễn Tài Anh, hiện nay, việc xây dựng hệ thống điện thông minh đang là xu hướng của thế giới, Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ. Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 và Đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam được Bộ Công Thương đã phê duyệt ngày 25/11/2016; trong đó, có nhiều đề án thành phần, và EVN đang triển khai theo sát các mục tiêu đề án đề ra.

Ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ tại tọa đàm.

Cũng theo ông Nguyễn Tài Anh, đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện đòi hỏi lượng vốn rất lớn. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh/thành phố được phê duyệt, EVN sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ với nguồn điện, lưới điện để nâng cao năng lực truyền tải và nâng cao khả năng cung cấp điện, đặc biệt cho các vùng phụ tải quan trọng và đặc biệt quan trọng như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), đối với việc thực hiện Nghị quyết 55, ngoài việc rà soát cơ chế, chính sách, Bộ đã xây dựng chương trình nghiên cứu riêng cho năng lượng và luôn là lĩnh vực được Bộ xây dựng làm các chương trình trọng điểm cho đất nước và đang tổ chức thực hiện.

Ông cũng khẳng định tới đây Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực của các viện nghiên cứu để có đủ năng lực hấp thu công nghệ, chuyển tải năng lực công nghệ, thực hiện các hoạt động công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp.


Sắp tới Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ để thực hiện các cơ chế phù hợp, thí dụ như cơ chế đấu thầu, xác định giá cạnh tranh, bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, công bằng đồng thời bảo đảm hiệu quả cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Lan Anh

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện tách bạch với độc quyền Nhà nước
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác