Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:51

Tại cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu đầu năm 2018, theo đề nghị của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT), lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư xây dựng Bảo tàng VHNT Hải Phòng. Đây là bảo tàng chuyên ngành VHNT cấp tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước. Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, Tô Hoàng Vũ trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng chung quanh nội dung này.

Bảo tàng Văn học Nghệ thuật sẽ là nơi tổ chức các hoạt động triển lãm, giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật.

– Ông cho biết tính cần thiết để Hội đề xuất xây dựng Bảo tàng VHNT Hải Phòng?

– Bảo tàng VHNT Hải Phòng là nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu, tác phẩm VHNT có giá trị gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp có giá trị đối với thành phố và đất nước. Hải Phòng là nơi khởi nguồn các trào lưu VHNT hiện đại, là nơi sinh thành và phát triển của các tên tuổi lớn từ những năm đầu của thế kỷ 20 trở lại đây.

Hải Phòng cũng là một trong những cái nôi của các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian, như: múa rối nước, múa rối cạn, hát đúm, ca trù, hát xẩm, chọi trâu… Ngoài các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố, Hải Phòng cũng là nơi trú chân của 2 đoàn nghệ thuật quân đội là Đoàn Văn công Quân khu Ba và Đoàn Văn công Hải quân. Đây là những đoàn nghệ thuật mạnh, có nhiều chương trình hay, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem. Có thể nói, trong lĩnh vực VHNT nào, Hải Phòng cũng có những đại diện xứng đáng, là niềm tự hào của nhân dân thành phố và cả nước.

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Hội Liên hiệp VHNT thành phố có đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu với nhiều tác phẩm có chất lượng cao, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Những giá trị văn hóa tinh thần ấy cần được giữ gìn, bảo tồn, trưng bày và quảng bá rộng rãi tới các thế hệ hôm nay và mai sau. Nguồn “tài sản” quý ấy, nếu không kịp thời lưu giữ, phát huy, sẽ dần mai một và thất tán ra khỏi địa bàn Hải Phòng theo thời gian.

Không chỉ là “kho” lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần đó, Bảo tàng VHNT thành phố còn là điểm tham quan du lịch với du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hải Phòng. Thông qua đó, quảng bá hình ảnh đất và người Hải Phòng đến bạn bè muôn nơi.

– Có ý kiến cho rằng, chỉ nên tập trung xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Quan điểm của ông như thế nào?

– Như tôi đã nói ở trên, Hải Phòng không chỉ mạnh ở mỹ thuật mà mạnh ở tất cả lĩnh vực VHNT, nên nếu chỉ xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật sẽ không “công bằng” với các lĩnh vực VHNT còn lại. Được biết, theo đề xuất của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, từ nay đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đầu tư xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật tại các thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có Hải Phòng. Như vậy, việc Ban Chấp hành Hội Liên hiệp VHNT thành phố đề xuất xây dựng Nhà sáng VHNT và Bảo tàng VHNT là phù hợp và cần thiết thời điểm hiện nay, khi thành phố đang có sự bứt phá phát triển kinh tế-xã hội.

–  Hội và các sở, ngành, đơn vị liên quan có sự chuẩn bị như thế nào để xây dựng và tổ chức hoạt động của Bảo tàng VHNT Hải Phòng?

– Qua khảo sát và học tập kinh nghiệm hoạt động của Bảo tàng Dân tộc, Bảo tàng Văn học Việt Nam và một số bảo tàng khác; đồng thời đối chiếu  với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008 về diện tích tối thiểu của bảo tàng cấp thành phố, Hội đề nghị sử dụng quỹ đất diện tích từ 5000 m2 đến ha tại khu vực trung tâm thành phố để xây dựng Bảo tàng VHNT. Khác với hoạt động của các bảo tàng hiện nay, thông qua các hình ảnh, hiện vật, tư liệu, phim ảnh…, Bảo tàng VHNT phải là bảo tàng “động”, “mở” để thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và giao lưu trực quan với các văn nghệ sĩ cùng tác phẩm, công trình của họ.

Theo đó, Bảo tàng VHNT thành phố sẽ là nơi diễn ra các hoạt động hội thảo, tọa đàm, triển lãm, biểu diễn, giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện về các tác phẩm, tác giả tiêu biểu trong quá khứ cũng như hiện tại. Bảo tàng sẽ là điểm đến thường xuyên của người dân và du khách đến thưởng lãm các tiết mục, chương trình biểu diễn đặc sắc như múa rối, ca nhạc tạp kỹ, xiếc, chiếu phim  do các nghệ sĩ, diễn viên của thành phố và trong nước, quốc tế biểu diễn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực và quyết tâm của các văn nghệ sĩ thành phố, cần sự chung tay phối hợp của các cấp, ngành văn hóa, du lịch, giáo dục, và các doanh nghiệp lữ hành trong việc kết nối các tua, tuyến tham quan.

Đến thời điểm này, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố về chủ trương đầu tư xây dựng Bảo tàng VHNT, Hội và các sở, ngành, đơn vị liên quan đang trong quá trình lập hồ sơ đề xuất; xác định địa điểm, xây dựng phương án thiết kế các hạng mục công trình để trình lãnh đạo thành phố. Đồng thời, Hội Liên hiệp VHNT và các hội chuyên ngành tổ chức cuộc vận động trong toàn thể hội viên và gia đình hội viên tiến hành sưu tầm, hiến tặng các hiện vật, kỷ vật, tư liệu, tác phẩm của các văn nghệ sĩ tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp VHNT của thành phố và đất nước.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Đông Hải – Báo Hải Phòng ngày 26/06/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đầu tư xây dựng Bảo tàng Văn học nghệ thuật: Phù hợp điều kiện thực tế Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác