Print Thứ Năm, 30/01/2020 12:50 Gốc

Sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), có lần Bác Hồ bất ngờ ghé thăm một cơ quan báo chí tại Hà Nội đúng vào sáng mồng một Tết.

Gặp một nhà báo trẻ, Người hỏi: “Chú làm gì ở đây?” – “Thưa Bác, cháu làm phóng viên ạ”. Người xiết chặt bàn tay cậu phóng viên: “Chú là nhà báo, đầu năm Bác chúc nhà báo viết đúng, viết hay, để cho có nhiều người đọc”. Đúng, trúng, hay, có nhiều người đọc – đó là những yêu cầu cơ bản đối với mọi tác phẩm báo chí, mọi loại hình truyền thông theo quan điểm của Bác Hồ.

Con đường Người đến với báo chí thật độc đáo, có những bước phát triển diệu kỳ. Người mau chóng trở thành cây bút có tiếng tại Pháp qua báo Le Paria phát hành hằng tháng, số đầu ra ngày 1-4-1922. Dù vậy, cho đến cuối đời, Người luôn tự nhận mình chỉ “là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”, đặc biệt qua hai lần Người đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam tại Hà Nội ngày 17-4-1959, và tiếp đó là Đại hội lần thứ 3 ngày 8-9-1962. Với tư cách “người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Bác Hồ không muốn có lời “dạy bảo” ai mà chỉ “nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo”. Ý kiến tham khảo của Người đề cập nhiều vấn đề trọng đại, có những câu đã trở thành danh ngôn phù hợp với thực tế mọi lúc, mọi nơi: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo”, “Tiếng nói (nước ta) là một thứ quà quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, v.v…

Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 3 (năm 1962). (Ảnh tư liệu).

Nói về kinh nghiệm học hỏi và những bước đường thành đạt nhanh chóng của mình trong nghề báo, Bác nói vui: “Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược”. Do hoàn cảnh Người học viết báo bằng tiếng Pháp trước, rồi học viết báo tiếng Trung Quốc, sau đó mới học viết báo bằng tiếng mẹ đẻ của mình – tiếng Việt.

Hồi còn trẻ, theo truyền thống gia đình, cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán rồi học tiếng Việt, tiếng Pháp dưới tên Nguyễn Tất Thành. Năm 1907, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân phụ Người đang làm Tri huyện huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định), do căm ghét bọn hào lý, bênh vực những người nghèo, thu không đủ mức thuế triều đình giao, cụ bị cách chức và đưa về Huế xét xử tháng 10 năm 1910. Nguyễn Tất Thành đành bỏ học, kiếm việc làm sinh sống, tiếp xúc với một số nhà yêu nước thuộc lớp cha chú và đàn anh như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… và nung nấu trong lòng ước mơ đi tìm đường cứu nước. Trong những tháng năm làm những công việc được cho là “hèn mọn” và vất vả nhất trên các con tàu viễn dương, Người tranh thủ học, chủ yếu học tiếng Anh. Có lần, Người xin cư trú và kiếm việc làm tại Vương quốc Anh một thời gian ngắn để có điều kiện học tiếng Anh bài bản hơn với một thầy giáo dạy Anh văn.

Nguyễn Ái Quốc đến Pháp sống và hoạt động cách mạng từ năm 1918, sau ngày Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Vốn Pháp ngữ của Nguyễn Ái Quốc thời gian này thực tế chưa nhiều. Do nhu cầu công việc, mà trọng tâm trước mắt là vạch trần tội ác của thực dân Pháp tại Đông Dương, người tiếp xúc với báo chí cánh tả Pháp như các báo Đời sống thợ thuyền, Người bình dân, Nhân đạo…, và bắt đầu học viết báo. Lúc đầu Người làm những cái tin ngắn chỉ 5 – 7 dòng, dần dà viết dài hơn. Vậy mà chỉ sau thời gian chưa đến ba năm, Người đã viết nên bài luận chiến sắc sảo nhan đề “Tâm địa thực dân” phê phán quan điểm ngạo mạn của một tên thực dân đăng trên tờ báo tiếng Pháp là Thư tín thuộc địa, trong đó y ngạo mạn miệt thị người Việt Nam. Đó có lẽ là bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc chúng ta sưu tầm được, sau này được in vào “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản lần đầu năm 1995.

Và chỉ vài năm sau nữa, Người đứng ra sáng lập báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản tại Paris như vừa nói ở trên. Đây là một tờ báo công khai, in ấn tại thủ đô nước Pháp, được các nhà yêu nước tìm cách chuyển về Việt Nam và sang một số nước ở châu Phi, châu Mỹ, gây tiếng vang tại các nước thuộc địa của Pháp hồi bấy giờ. Gần 45 năm sau, nhà báo Pháp Jean Lacouture (1921-2015)- người đồng thời là nhà văn xuất sắc chuyên viết tiểu sử các danh nhân, nhận Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp- đã tìm đọc lại các bài của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria. Ông bày tỏ lòng khâm phục chất lượng nhiều bài chính luận, bút chiến, tùy bút, truyện ngắn của Người. Ông viết: “Nếu không quá bận vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mình mà chuyên tâm làm người cầm bút, Nguyễn Ái Quốc chắc hẳn đã là một trong những nhà văn xuất sắc nhất thế kỷ 20”. Nguyễn Ái Quốc đã là một cây bút lỗi lạc về báo chí, văn học ngay từ đầu những năm 1920 khi mới 30 tuổi, vậy mà một thời gian sau về Trung Quốc làm Báo Thanh niên năm 1925, Người lại viết những bài hết sức ngắn gọn, lời văn bình dị, thậm chí có thể gọi là “nôm na”. Một số bài đăng trên báo ấy được Người tập hợp lại trong Đường Kách mệnh, cuốn sách gối đầu giường của các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ta hồi bấy giờ: “Mục đích của sách này là để nói lại cho đồng bào ta rõ: Ta muốn sống thì phải cách mệnh. Cách mệnh là việc chung của tất cả dân chúng chứ không phải của một hai người”. Tại sao có sự khác biệt đến vậy về nội dung, hình thức, ngôn từ, phong cách giữa những bài báo của cùng một tác giả đăng trên báo tiếng Pháp Le Paria (1922) và báo tiếng Việt Thanh niên (1925)? Bác Hồ chưa bao giờ giải thích nhưng qua thực tiễn, chúng ta có thể hiểu Người lý giải sự khác biệt ấy qua một câu ngắn gọn, vẻn vẹn 12 từ: Mỗi khi cầm bút viết một bài báo, người viết cần đặt ra cho mình mấy câu hỏi: Ta “Viết cho ai xem?”, “Viết để làm gì?” rồi sau đấy mới “Viết như thế nào?”. Bạn đọc của Báo Le Paria xuất bản tại Paris là nhân dân Pháp, nói chung có trình độ học vấn khá, báo lại quan tâm đến lớp người đọc đặc biệt là các nhà trí thức, chính khách Pháp và những nhà hoạt động cách mạng tại các xứ thuộc địa Pháp hồi bấy giờ. Trong khi Báo Thanh niên (1925), cũng như Báo Việt Nam độc lập do Bác Hồ sáng lập và điều hành tại Việt Bắc sau khi về nước năm 1941, là người dân Việt Nam. Trước năm 1945, như chúng ta đều biết, trừ một số người sống tại các đô thị lớn hoặc làm viên chức, còn tuyệt đại đa số nhân dân lao động nước ta không biết đọc biết viết. Họ chỉ có thể tiếp cận báo chí qua việc được cán bộ cách mạng đọc cho nghe, trong hoàn cảnh bị bọn mật thám rình rập khắp nơi mọi lúc. Với bạn đọc là những người như thế, nếu bài báo viết dài dòng, văn hoa không đúng lúc, có thể coi như vô tác dụng.

Từ những ngày bắt đầu hoạt động cách mạng ở nước ngoài cho đến lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho nhân dân và Đảng bộ Hải Phòng sự quan tâm và tình cảm đặc biệt. Người về thăm thành phố trước sau đến 9 lần. Hải Phòng trước năm 1945 đã là nơi có nhiều xí nghiệp công nghiệp và là cảng biển quốc tế duy nhất tại miền Bắc nước ta. Thông qua các thủy thủ, trong đó nhiều người có dịp năng lui tới hoặc làm việc tại thành phố này, các Báo Le Paria, Việt Nam hồn xuất bản tại Paris từ năm 1922, đặc biệt Báo Thanh niên làm từ Quảng Châu từ năm 1925 được Bác Hồ cùng những người yêu nước chuyển về Tổ quốc qua cửa ngõ Hải Phòng, từ đây sẽ bí mật phát tán và truyền bá tại nhiều nơi, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của cả nước. Báo chí cách mạng Việt Nam khởi đầu từ Báo Thanh niên (1925) đi từ không đến có, qua lớp nhà báo học trò trực tiếp của Bác Hồ đến các thế hệ hậu sinh, trong đó có những người làm báo Hải Phòng, đã chung tay góp sức cùng nhau tạo dựng nên một nền báo chí Việt Nam hùng mạnh gồm đủ các loại hình, các binh chủng đồng hành tiến trình cách mạng của đất nước, góp phần đưa nước Việt Nam từ một xứ không có tên trên bản đồ thế giới đạt vị thế quốc tế tỏa sáng ngày nay.

Lịch sử ghi nhận Báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, điều hành và là người thực hiện chính, số 1 ra ngày 21-6-1925 tại nước ngoài, đã đặt cơ sở về chính trị, lý luận, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đầu mang tên Đảng Cộng sản Đông Dương) ngày 3-2-1930. 60 năm sau, chuẩn bị kỷ niệm ngày Báo Thanh niên ra số đầu, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định: Từ nay (hằng năm) đến ngày 21-6 tổ chức Ngày Báo chí Việt Nam (nay gọi là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam), “nhằm ghi nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống tốt đẹp của Báo chí cách mạng Việt Nam, nêu cao vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Quyết định của Ban Bí thư Trung ương nhấn mạnh, đây là “dịp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, nêu cao trách nhiệm của các nhà báo, tăng cường quan hệ giữa báo chí và bạn đọc”.

Phan Quang (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)/Theo Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đầu năm Bác chúc nhà báo viết đúng, viết hay, có nhiều người đọc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác