Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong đó chỉ đạo tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Công điện được ban hành trong bối cảnh giá xăng dầu đang được điều chỉnh giảm mạnh, tuy nhiên mặt bằng giá thị trường hàng hóa vẫn còn ở mức cao.
Tác động tâm lý
Sau chuỗi thời gian dài biến động liên tục, giá xăng dầu dược cho là nguyên nhân có tính tác động cao nhất khiến mặt bằng giá thị trường hàng hóa tăng cao. Nhưng trong hơn một tháng qua, giá xăng dầu đã có 4 đợt điều chỉnh theo hướng giảm. Mặc dù vậy, khác với thông lệ, mỗi lần giá xăng dầu tăng dù nhiều hay ít, dư luận lại “sôi” lên những lời chỉ trích đối với ngành xăng dầu, còn giờ đây với diễn biến tích cực này, lại rất ít người để ý đến?
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng chi phối rất lớn đến thị trường cũng như sinh hoạt cộng đồng, nên được người tiêu dùng quan tâm là lẽ bình thường, và thông thường mỗi lần giá mặt hàng này tăng, ngay lập tức thị trường có hiệu ứng.
Cần phải nhắc lại, trong thời gian dài, người tiêu dùng vốn rất bất bình với cách thức mà các nhà kinh doanh xăng dầu áp dụng trong điều chỉnh giá, vì khi tăng thì rất “khủng” và khi giảm lại “nhỏ giọt”. Chẳng hạn nhìn lại quá khứ, đa số mỗi lần tăng, đơn vị đều tính bằng tiền “nghìn”, trong khi đó hầu hết các lần giảm chỉ được tính bằng tiền “trăm” đồng.
Mặt khác, trước kia mỗi lần tăng giá, ngành xăng dầu luôn chọn thời điểm bất ngờ, có điều trùng lặp là thường diễn ra vào buổi tối ngày làm việc cuối cùng trong tuần, nên nhiều người không nắm được thông tin, có cảm giác như “bị đánh úp”. Và một chi tiết khác, cứ khi giá xăng dầu trong nước tăng cũng là lúc giá thế giới bắt đầu giảm, còn khi giá xăng dầu trong nước giảm là lúc giá thế giới… chuẩn bị tăng, và nhà cung cấp xăng dầu lại có cớ đề nghị để tăng trở lại. Từng có quan điểm cho rằng, đây là sự tính toán kỹ lưỡng trong chu trình, nên dù tăng hay giảm thì nhà kinh doanh xăng dầu luôn có lợi?
Theo lý lẽ trên, thì bức xúc mà ngành xăng dầu tạo ra ở thời điểm trước là rất khó chấp nhận. Nhưng cũng phải nhìn nhận, không phải khi nào giá xăng dầu tăng cũng tác động mạnh mẽ đến thị trường. Tuy nhiên, vì tâm lý nên bao giờ xăng dầu tăng, ngành chủ quản cũng bị “ném đá”.
Còn diễn biến gần đây, ngành xăng dầu đã thông báo giảm tới lần thứ 4 liên tiếp. Chỉ tính riêng các loại xăng, tổng mức giảm cho cả 4 đợt trong hơn một tháng qua khoảng 7.000 đồng/lít, đây là con số giảm đáng kể, ảnh hưởng tích cực rõ ràng đến chi phí tiêu hao nhiên liệu của cả nền kinh tế.
Động thái này không chỉ tác động tốt tới thị trường, tiếp tục làm thay đổi hình ảnh của ngành xăng dầu trong mắt người tiêu dùng, mà còn hứa hẹn đưa việc kinh doanh xăng dầu vào quỹ đạo gần hơn với thực tiễn thị trường thế giới. Đặc biệt hứa hẹn tạo ra những hiệu ứng rất tốt trong bối cảnh thị trường cuối năm đã cận kề, vốn dĩ tiềm ẩn nhiều biến động theo thông lệ. Nhất là khi trong cơ cấu giá thành hàng tiêu dùng, tỷ lệ cấu thành của cước vận chuyển chiếm tương đối lớn.
Tiếp cận theo hướng mở
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc một công ty vận tải trên đường Lê Thánh Tông, thì đối với kinh tế thành phố, trên thực tế giá dầu có tác động mãnh mẽ hơn giá xăng.
Ông Phong lý giải, hiện nay động cơ dầu được sử dụng cho hầu hết xe tải, xe khách từ hạng trung đến hạng nặng, các loại tàu hỏa, tàu thủy, rồi từ máy phát điện cho đến các lò đốt trong công nghiệp đều dùng nhiên liệu này. Trong khi đó, xăng chỉ dùng cho các ô tô tải nhẹ, ô tô con, xe máy, phương tiện cá nhân khác…
Vì vậy có thể nói dầu mới là nhiên liệu mấu chốt, nó chiếm tỷ trọng lớn hơn trong chi phí, cho tổng lượng hàng hóa, con người được luân chuyển. Thống kê hầu hết trong các đợt tăng, giá dầu luôn có mức tăng nhẹ hơn xăng, số lần giảm cũng nhiều hơn, cho thấy việc điều chỉnh giá cũng đã được ngành xăng dầu tính toán mang tính vĩ mô.
Nhưng có lẽ vì việc sử dụng xăng liên quan đến phương tiện cá nhân của đại đa số cộng đồng, nên luôn chịu phản ứng nhiều hơn? Điều đáng nói là, xăng dầu cũng là một loại hàng hóa vận động theo cơ chế chung, nhưng các mặt hàng khác tăng không sao, mà cứ xăng dầu tăng là bị “ném đá”, liệu đây có phải là hệ quả theo hiệu ứng đám đông?
Tiếp cận theo hướng khác, mỗi lần xăng dầu tăng giá là một số nhà vận tải lại “đồng ca” đòi tăng giá cước, nhưng với 4 đợt xăng dầu giảm giá kéo dài hơn một tháng nay, chưa thấy nhà vận chuyển nào thực sự có động thái tương tự. Tất nhiên, việc tăng giảm giá hàng hóa nói chung phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng vì chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu giá thành hàng hóa khác, nên trong thực tiễn rất nhiều nhóm hàng luôn dựa vào lý do xăng dầu tăng giá để tăng theo, tạo lên tâm lý bất ổn cho thị trường.
Về phía mỗi người dân, chị Nguyễn Thị Oanh, công nhân của một nhà ở Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm chia sẻ, bình quân mỗi ngày đi về từ nhà đến chỗ làm việc và ngược lại, chị Oanh sử dụng khoảng 1 lít xăng, nghĩa là với mức giảm trong tháng qua, từ nay mỗi ngày chị tiết kiệm được hơn 7.000 đồng.
Phần tiết kiệm này là đáng kể, tuy nhiên theo chị Oanh thì cũng không phải là chính yếu, bởi còn phụ thuộc vào nhu cầu tự nguyện của mỗi người. Đơn cử như việc sử dụng xe Honda Air Blade 125 tốn xăng hơn nhiều với một chiếc Honda Wave, nhưng đa số công nhân hiện nay nếu có điều kiện đều lựa chọn loại xe… tốn xăng để sử dụng. Cho thấy việc tiết kiệm không không đơn giản chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp nhiên liệu.
Nhìn rộng ra thị trường, nhất là thị trường thực phẩm. Thời gian qua cùng với diễn biến tăng của giá xăng dầu, các loại thực phẩm tươi sống tăng rất mạnh so với thời điểm đầu năm 2022. Cụ thể như giá lợn hơi tăng bình quân 40%, giá thịt lợn tăng tới 47%, giá thịt gia cầm tăng 33%, cá biệt giá trứng gia cầm tăng trên 50%; đối với các loại thủy sản, dù chênh lệch ít hơn nhưng mức tăng bình quân cũng từ trên 10%.
Nhưng trong hơn một tháng qua, trong 4 đợt giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, thì giá thực phẩm vẫn tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cho thấy, ngoài tác động của giá xăng dầu, rất có thể còn những nguyên nhân tiềm ẩn khác đang chi phối thị trường thực phẩm, điều này sẽ tạo ra nỗi lo lớn cho nền kinh tế khi mặt bằng giá mới được thiết lập.
Trở lại với Công điện 679/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% đã đề ra.
Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, nếu giá xăng dầu được duy trì bình ổn trong thời gian tới, thì việc tìm rõ nguyên nhân đang thao túng giá thị trường hàng hóa là điều hết sức cần thiết. Bởi hệ quả của một mặt bằng giá mới sẽ rất nghiêm trọng, khi nó ấn định “cứng” cho một giai đoạn lạm phát, rất dễ làm thay đổi kết cấu giá trị của nền kinh tế.
Lê Minh Thắng