Print Thứ Năm, 06/10/2022 18:00 Gốc

Việc xây dựng Nghị định về đấu giá trực tuyến sẽ hạn chế được ‘quân xanh-quân đỏ’, dìm giá, tạo sự công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp, thống nhất các quy định về đấu giá, hạn chế thất thoát tài sản công…

8 tổ chức đấu giá có đủ điều kiện đấu giá trực tuyến

Ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.

Nghị định 62 lần đầu tiên quy định một hình thức đấu giá mới, hiện đại, thông dụng trên thế giới, đó là hình thức đấu giá trực tuyến và thể chế hoá quy định tại Khoản 4, Điều 40 của Luật Đấu giá tài sản.

Hình thức này đã được sử dụng rộng rãi tại một số địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội, nhờ đó vừa bảo đảm việc xử lý tài sản của các cơ quan, tổ chức theo đúng kế hoạch, vừa góp phần hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh-quân đỏ“, “xã hội đen“.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý tài sản công mang ra bán đấu giá. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Tính đến 15/8/2022, cả nước có 8 tổ chức đấu giá tài sản được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện theo các hình thức đấu giá trực tuyến.

Tuy nhiên quy định tại Nghị định 62 hiện hành chưa làm rõ và đầy đủ về hình thức đấu giá trực tuyến hoàn toàn trên mạng Intermet nên các tổ chức đấu giá tài sản lúng túng trong việc áp dụng, dẫn đến mỗi tổ chức bán đấu giá thực hiện một cách khác nhau, làm giảm tính hiệu quả của hình thức đấu giá trực tuyến trên thực tế.

Bên cạnh đó, Nghị định 62 cũng quy định các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình sau khi được cơ quan Nhà nước phê duyệt mà chưa có quy định về Trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất, gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá và người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức thực hiện cũng như việc áp dụng rộng rãi hình thức đấu giá này trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn.

Vì vậy, việc cơ quan Nhà nước vận hành sử dụng một phần mềm chung về đấu giá tài sản là cần thiết để bảo đảm sự thống nhất, bảo mật trong quá trình đấu giá.

Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, Luật Đấu giá tài sản chỉ điều chỉnh bán đấu giá tài sản công và tài sản tư pháp.

Vấn đề đặt ra đối với tài sản này là chủ thể nào được bán và bán bằng phương thức nào?

Về chủ thể, Luật Đấu giá tài sản quy định có Trung tâm dịch vụ đấu giá thuộc Sở Tư pháp và doanh nghiệp bán đấu giá.

Phương thức bán đấu giá có trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp và trực tuyến. Theo đó, dự thảo Nghị định này chỉ quy định về phương thức đấu giá trực tuyến bởi hơn 90% tài sản đấu giá hiện nay là tài sản công và tài sản tư pháp (tài sản thi hành án dân sự).

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng trao đổi tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Tài sản công phải được đấu giá trên Hệ thống mạng đấu giá quốc gia

Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định được chỉnh lý theo hướng xây dựng mô hình đấu giá trực tuyến “tập trung“, theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản ở Trung ương sẽ hình thành hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia để các tổ chức đấu giá tài sản tổ chức thực hiện đấu giá trực tuyến các loại tài sản.

Để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, khách quan, trên cơ sở nghiên cứu mô hình đấu giá trực tuyến của một số nước trên thế giới, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các yêu cầu đối với hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia như: Công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin; người sử dụng nhận biết được thời gian thực khi truy cập vào hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia; hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn, bảo mật về tài khoản truy cập.

Bên cạnh đó, việc tham gia trả giá, giá đã trả và các thông tin về người tham gia đấu giá, có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu; hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch, mức giá được trả tại các cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình tổ chức đấu giá trên hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia; hiển thị mức giá cao nhất được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận liên tục để những người tham gia đấu giá có thể xem được…

Các ý kiến tại phiên họp về cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị định quy định mô hình đấu giá trực tuyến tập trung theo hướng xây dựng hệ thống đấu giá tài sản quốc gia thống nhất để các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá trực tuyến và lộ trình thực hiện.

Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý tài sản công mang ra bán đấu giá

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62, ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phần mềm và cơ sở dữ liệu (Cục Công nghệ thông tin) cho rằng, thời gian qua đấu giá trực tuyến đạt được một số kết quả nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong Nghị định số 62 hiện hành có quy định để cho các tổ chức, cá nhân tự xây dựng phần mềm và Sở Tư pháp là cơ quan phê duyệt lần đầu hồ sơ đấu giá trực tuyến.

Tuy nhiên, để đánh giá hệ thống đó có đáp ứng được yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin hay trong quá trình vận hành có cần điều chỉnh thì Sở Tư pháp gần như không có nguồn lực và chuyên môn để đánh giá.

Ông Nguyễn Trung Dũng cũng thể hiện băn khoăn khi hồ sơ đã được phê duyệt, thì hệ thống được vận hành, cài đặt ở đâu, có đảm bảo được các yêu cầu về bảo mật, về an toàn, an ninh thông tin không? Bên cạnh đó, tài sản Nhà nước đấu giá qua Trang thông tin tiềm ẩn nguy cơ thay đổi, điều chỉnh thông tin. Do đó, việc xây dựng hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến phải được xây dựng tập trung, thống nhất và do cơ quan Nhà nước có chuyên môn, năng lực, thẩm quyền quản lý, vận hành.

Ông Dũng cũng đề nghị, liên quan đến hệ thống mạng đấu giá quốc gia được thực hiện có lộ trình và hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia cũng nên đi theo lộ trình tương tự. Nên quy định trong dự thảo là tài sản Nhà nước phải thông qua hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia. Đồng thời có thể cân nhắc thêm quy định về giới hạn phạm vi về tài sản hoặc theo giá trị tài sản là từ bao nhiêu thì sẽ thực hiện đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thông qua hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia.

Phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý tài sản công mang ra bán đấu giá

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 62 lần này phải có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý tài sản công mang ra bán đấu giá, nhất là tài sản của Nhà nước.

Do đó, cơ quan quản lý tài sản phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ trong quá trình đấu giá như việc định giá, các thủ tục bán đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, việc ban hành Nghị định này sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, bảo đảm cho tài sản và lợi ích Nhà nước không bị thất thoát khi đấu giá tài sản.

Theo đó, hệ thống mạng đấu giá quốc gia áp dụng cho đấu giá tài sản công để thúc đẩy tính công khai, minh bạch của hoạt động bán đấu giá, bảo đảm kết nối thông tin, tính bảo mật, coi đây là biện pháp để bảo đảm tài sản của Nhà nước không bị thất thoát.

Các tài sản công phải được thực hiện đấu giá qua hệ thống mạng đấu giá quốc gia“, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định.

Lê Sơn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đấu giá tài sản trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, công khai, minh bạch
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác