Trên con đường hướng nghiệp cho học trò không ít lần tôi được nghe câu nói không muốn làm giáo viên vì vất vả, lương thấp, cái nghề mà mọi giá trị của nó cho xã hội càng ngày càng trở nên thầm lặng.
Không biết tự lúc nào mà ngày 20.11 đáng ra chúng tôi được hạnh phúc trong tấm lòng tri ân của học trò lại trở thành cái nhìn dị nghị của nhiều phụ huynh. Có 1 câu từ 1 vị phụ huynh đã làm tôi chạnh lòng: “Ngày này là ngày bội thu của các cô giáo nhỉ, 1 năm có 1 lần giàu to”.
Giá trị mà chúng tôi đem lại đang được quy đổi sang giá trị vật chất thấp kém đến vậy. Mỗi học sinh 100-200 nghìn đồng rồi nhân lên số học sinh mình dạy, nghe vị phụ huynh đó tính số tiền mà chúng tôi “bội thu” khiến tôi thấy đau buồn.
Buồn cho chính ánh nhìn mà xã hội đang nhìn về nghề giáo. Từ bao giờ sự tri ân của học sinh dành cho giáo viên lại quy đổi ra phong bì, quy đổi ra vật chất? Chúng tôi đâu cần những đồng tiền đó. Đúng là giáo viên nghèo nhưng ngày này không phải ngày để chúng tôi “bội thu” theo nghĩa đó.
Đó cũng là lý do 9 năm trong nghề tôi không tiếp phụ huynh lớp chủ nhiệm và lớp bộ môn. Ngay từ những ngày đầu tôi đã không vì giá trị đó mà đến với nghề. Nếu chỉ trông vào những món quà 20.11, số tiền phụ huynh nói là tri ân chúng tôi, thử hỏi những tháng khác các thầy cô chúng tôi sống như thế nào?
Các vị phụ huynh có vì vài triệu đồng như phụ huynh nói để thức đêm thức hôm nghiên cứu giáo án? Có 4 giờ sáng dạy học zoom để nâng cao kiến thức, có cả đêm thức trông con ốm rồi sáng hôm sau vẫn dạy tiết 1? Có tay ôm con ốm tay nhắn tin gỡ rối cho phụ huynh và gia đình hay tay cắm kim truyền nước vẫn ôm máy tính làm việc? Có hi sinh ngày khai giảng tổng kết không được đưa con đi, không được họp phụ huynh, không được tham gia các hoạt động cùng con để tham gia các hoạt động đó cùng con người khác không? Có chồng ốm, con ốm vẫn vừa trông vừa soạn giáo án?
Rồi nói đến lương của giáo viên. Khi mới ra trường ở cái độ tuổi đầy nhiệt huyết với nghề, cái tuổi vừa bước ra khỏi cổng trường đại học, hừng hực với những khát khao hoài bão, ấy vậy mà chúng tôi được chi trả mức lương 3,4 triệu đồng/tháng với giáo viên biên chế khu vực 1.
Nếu đặt tấm bằng đại học vào tủ mà đi làm công nhân chúng tôi có ngay mức lương 5 triệu. Nếu bỏ đúng số thời gian lao động với nghề đó để tăng ca với vai trò là công nhân thì được chi trả mức lương trên dưới 10 triệu đồng tùy công ty. Bài toán này dễ hiểu, nếu là bạn, bạn chọn gì?
Chúng tôi chọn nghề, chọn tiếp tục với con đường đầy ước mơ và khát vọng giáo dục. Vậy động lực ở đâu để chúng tôi gắn bó với nghề? Cứ 3 năm lại tăng lương 1 lần, mỗi lần tăng 0,33 hệ số lương. Tức là muốn có mức lương trên 10 triệu đồng, chúng tôi sẽ cần nỗ lực trong nghề khoảng trên 10 năm.
Vậy thì tiền không phải lý do và cũng chưa từng là mục đích khi đến với nghề của chúng tôi, đặc biệt là những giáo viên không ở các thành phố lớn.
Những người chọn nghề giáo vốn mang sẵn trong mình những giá trị tích cực. Họ yêu học trò, gieo mong ước trong từng con chữ với khát khao nuôi dưỡng những mầm non tương lai của đất nước trưởng thành. Chính vì thế, nghề giáo xưa và nay luôn có một vị thế đặc biệt, nhận được sự kính trọng của toàn xã hội.
Cô Vũ Thùy Liên, giáo viên môn Toán, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn)
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More