Ngày 1-12-2019, Thông tư 38 của Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) chính thức có hiệu lực. Theo đó, có sự đổi mới khá lớn trong quy trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và nâng cao về cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo, sát hạch.
Cuối tháng 10-2019, Sở Giao thông-Vận tải triển khai Thông tư 38 đến toàn bộ cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố.
Tập trung nâng cao cơ sở vật chất
Theo Thông tư 38/2019, kể từ ngày 1-1-2020, tất cả trung tâm sát hạch lái xe ô tô trên địa bàn thành phố phải thực hiện việc lắp đặt hệ thống camera IP kết nối và truyền trực tiếp hình ảnh quá trình sát hạch lái xe tại trung tâm sát hạch về Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, Sở GTVT cho biết, các cơ sở đào tạo, sát hạch tại Hải Phòng hoàn thành từ giữa tháng 8-2019 vì Hải Phòng là 1 trong 5 địa phương triển khai thí điểm chương trình này của Tổng cục Đường bộ. Hiện, toàn bộ các hoạt động đào tạo, sát hạch đều được theo dõi trực tiếp qua mạng.
Cùng với việc triển khai lắp đặt camera IP, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở GTVT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố bảo đảm duy trì, đầu tư bổ sung thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện, sân bãi tập lái xe, trang thiết bị phục vụ quá trình sát hạch để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, tổ chức thi sát hạch lái xe bảo đảm công khai, minh bạch. Thực hiện chỉ đạo của Sở GTVT, các cơ sở đào tạo từng bước hiện đại hóa trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe, trong đó tăng cường công tác quản lý học viên, đầu tư thiết bị thực hành, sát hạch… Đây là một trong những điều kiện để Hải Phòng bước vào thực hiện Thông tư 38 đạt hiệu quả cao.
Phó hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp nghề GTVT Hải Phòng Đàn Xuân Đản thông tin, ngay sau khi Sở GTVT triển khai Thông tư 38, trường tổ chức khảo sát, chuẩn bị kinh phí nâng cao cơ sở vật chất. Khi Bộ GTVT đưa ra quy chuẩn về các thiết bị mới, nhà trường sẽ đầu tư ngay để đáp ứng yêu cầu. Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (Trường cao đẳng GTVT Trung ương 2) Hoàng Đức Phương khẳng định, đơn vị sẵn sàng về kinh phí, ngay sau khi có quy chuẩn thiết bị, trung tâm sẽ thực hiện ngay. Theo ông Phương, Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ của trường là đơn vị đầu tiên thực hiện lắp camera IP truyền trực tuyến của thành phố Hải Phòng. Hiện nay nhà trường có 142 giáo viên dạy thực hành kỹ thuật lái xe, cùng với đó là số lượng phương tiện thực hành luôn bảo đảm quy định về đào tạo. Toàn bộ quá trình sát hạch từ lý thuyết đến thực hành đều được giám sát chặt chẽ qua hệ thống camera.
Theo quy định mới, từ ngày 1-5-2020, các học viên học lý thuyết môn học Pháp luật giao thông đường bộ sẽ được kiểm soát thời gian học bằng hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng người học. Từ ngày 1-1-2021, tất cả các cơ sở đào tạo, sát hạch phải trang bị hệ thống cabin điện tử được cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Chuẩn bị soạn thảo giáo trình lý thuyết
Tại cuộc họp triển khai Thông tư 38 cuối tháng 10-2019 vừa qua, Sở GTVT hướng dẫn chi tiết các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố những điểm mới về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Trong đó, có những yêu cầu về đào tạo lý thuyết lái xe phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Đó là kiểm soát học viên học lý thuyết, những vấn đề phát sinh so với chương trình đào tạo, sát hạch lý thuyết hiện nay.
Theo Thông tư 38, việc đào tạo lý thuyết, có thêm những kiến thức mới về “hệ thống an toàn chủ động”, “kỹ thuật lái xe an toàn và chủ động”, “trách nhiệm của người kinh doanh vận tải”, “đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông”… Đây là những điểm chưa có trong giáo trình đào tạo lái xe hiện nay, do đó, các cơ sở đào tạo đang chờ hướng dẫn cụ thể của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để triển khai có hiệu quả cao. Theo ông Đoàn Xuân Đản, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp nghề GTVT Hải Phòng sang năm 2020 với thời lượng và môn học lý thuyết có sự thay đổi, bộ đề thi sát hạch lý thuyết được nâng lên 600 câu (tăng 150 câu hỏi so với hiện nay), để bảo đảm quy định, trường thành lập tổ giảng dạy lý thuyết sẵn sàng tiếp cận những điểm mới để soạn thảo chương trình trong cơ cấu các môn học phù hợp với yêu cầu. Ông Hoàng Đức Phương cho biết, Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường cao đẳng GTVT Trung ương 2 cũng bố trí các giáo viên dạy lý thuyết tiếp cận những quy định mới trong xây dựng chương trình đào tạo lý thuyết. Đại diện các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố cũng cho biết đang chuẩn bị đội ngũ giảng dạy lý thuyết triển khai ngay giáo trình giảng dạy sau khi có thông báo từ Bộ GTVT.
Bài: Mai Lâm; Ảnh: Duy Thính