Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:05

Ngành Giáo dục – Đào tạo tích cực đổi mới công tác đào tạo học sinh giỏi, đặc biệt thành phố có cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi giúp “mũi nhọn” là Trường THPT chuyên Trần Phú có cơ chế thuận lợi hơn. Tuy nhiên, công tác đào tạo học sinh giỏi ở các trường THPT đại trà còn gặp nhiều khó khăn.

 

Học sinh Trường THPT Tô Hiệu (huyện Vĩnh Bảo) trong giờ học môn tiếng Anh. 

 

Đạt thành tích cao trong công tác đào tạo học sinh giỏi những năm gần đây ở các trường THPT không chuyên, ngoài các trường trọng điểm THPT Ngô Quyền, THPT Thái Phiên, phải nói đến một số trường ở khu vực nội và ngoại thành, như: THPT Lê Quý Đôn, THPT Hồng Bàng, THPT Trần Nguyên Hãn, THPT Quang Trung… Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Bàng Ngô Quang Hoài cho biết: Trong phong trào thi đua “Hai tốt”, thầy, trò nhà trường tích cực tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi cấp thành phố. Theo đó, các tổ chuyên môn, các cá nhân được phân công chủ động xây dựng chương trình tập huấn, bám sát đội tuyển, tích cực ôn luyện. Kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2017-2018, học sinh nhà trường giành 40 giải, trong đó 9 giải nhất, 10 giải nhì, 12 giải ba, 9 giải khuyến khích, xếp thứ 4 trong số các trường THPT thành phố. Theo Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Phạm Hoàng Hưng, kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học vừa qua, trường đứng trong nhóm 10 trường dẫn đầu khối THPT với 39 học sinh đoạt giải; thi Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh có 2 giải ba; nghiên cứu khoa học kỹ thuật 1 giải khuyến khích. Tương tự năm học vừa qua, các trường THPT Vĩnh Bảo, THPT An Lão, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Toàn Thắng… đều có từ 15 đến 30 giải học sinh giỏi cấp thành phố.


Tuy nhiên, các trường chỉ đoạt nhiều giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, còn số học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì rất ít. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2017-2018, đội tuyển học sinh giỏi thành phố giành 91 giải, gồm: 11 giải nhất, 24 giải nhì, 28 giải ba và 28 giải khuyến khích. Trong số 106 học sinh tham gia kỳ thi, ngoài 102 học sinh của Trường THPT chuyên Trần Phú, chỉ có 3 trường THPT không chuyên có học sinh tham gia các đội tuyển Tin học và Lịch sử gồm: THPT Trần Nguyên Hãn, Hồng Bàng và Quang Trung và cả 3 học sinh đều đoạt giải với 1 giải nhất, 2 giải khuyến khích.


Lý giải nguyên nhân có ít học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên Phạm Thị Thu Hà cho hay: Với các trường THPT đại trà, học sinh có khả năng đoạt giải các môn xã hội, còn các môn tự nhiên rất khó có giải. Vì học sinh học không chuyên sâu, không được học trước chương trình đào tạo (trong khi thi đòi hỏi cả kiến thức tổng hợp từ lớp 10 đến lớp 12). Cùng với đó, không có đội ngũ giáo viên chuyên; không có cơ chế kinh phí đào tạo học sinh giỏi. Đội tuyển học sinh giỏi của trường hầu hết các thầy, cô giáo dạy miễn phí trên tinh thần tự nguyện. Khi vào được đội tuyển quốc gia cần phải có kinh phí lớn để ôn luyện đội tuyển, kinh phí đi lại cả quá trình thi tuyển, đây là khó khăn lớn của các trường ở khu vực ngoại thành.


Tìm hiểu về cơ chế dạy học sinh giỏi trong các văn bản quy phạm pháp luật; tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định giáo viên THPT là 17 tiết/tuần; ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên còn phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng. Đối với việc quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy, có quy định cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế các trường THPT đại trà thành phố đang áp dụng phương án nếu trường thừa giáo viên thì bố trí cho giáo viên giỏi dạy ít giờ chính khóa để có số giờ dôi dư bù vào dạy học sinh giỏi. Còn lại phần lớn đều động viên giáo viên dạy ngoài giờ chính khóa và không thu học phí. Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Đỗ Văn Lợi, hiện nay, chưa có cơ chế dạy học sinh giỏi ở các trường THPT đại trà. Vì vậy, các trường đào tạo học sinh giỏi tùy thuộc theo tình hình thực tế để có phương án dạy và học phù hợp. Thời gian tới, Sở có những đề xuất, tham mưu trình thành phố và Bộ Giáo dục – Đào tạo để có cơ chế rõ ràng, phù hợp trong công tác đào tạo học sinh giỏi ở các trường THPT đại trà, giúp các trường thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia.

Thảo Anh – Báo Hải Phòng 15/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đào tạo học sinh giỏi ở các Trường THPT không chuyên: Cần có cơ chế khuyến khích
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác