Chưa khai thác được thú vui tiêu tiền đêm
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, lật nhanh mấy tấm ảnh chụp những TP tại Việt Nam hút khách du lịch. Đà Nẵng tưng bừng với đèn trên cầu, đèn TP được thiết kế chiếu sáng kỹ càng. TP.HCM với “phố Tây” Bùi Viện tưng bừng khách nhảy theo nhịp nhạc. Hà Nội có phố Tạ Hiện với bàn ghế, khách và bia. “Đà Nẵng trong đêm đẹp, nhưng chỉ có đèn đẹp thôi mà không có người. Đêm của Hà Nội mới là đêm thật. Đêm đông nghịt người đi nhậu. Mà đến đêm ai cũng dễ bị cám dỗ hơn, đi mua sắm cũng thế. Tuy vậy, tôi cũng phải chú thích, tất cả mới chỉ là ăn thôi, ăn xong đi ngủ thôi”, ông Thiên nói.
Nền kinh tế ban đêm là nền kinh tế từ các hoạt động từ 7 giờ tối tới 6 giờ sáng hôm sau. Đi mua sắm ban đêm cũng dễ móc ví ra hơn.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư
Chưa kể, các khu có tiếng tăm như Tạ Hiện, Bùi Viện cũng có vấn đề. “Bùi Viện không kiểm soát được, nhà tôi có loa, nhà anh cũng bật loa to. Thế thì ầm ầm. Còn Tạ Hiện, khách đang đông, đang ăn, đang uống bia vui thì nhân viên quán bê cả bàn chạy vì công an đến nhắc nhở. Thế thì làm sao khách thích được”, ông Thiên nói.
TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch (ĐH KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội), cũng đánh giá hiện sản phẩm kinh tế ban đêm tại Việt Nam mới chỉ có vài khu phố cổ, các loại chợ đêm, phố đi bộ. “Hiện nay cũng đang cấm vũ trường, bar hoạt động khuya. Mình lo ngại nó phát sinh ma túy và mại dâm thì mình cấm thôi. Còn ở các nước cho mở cửa muộn hơn thì lại là câu chuyện khác”, bà Thủy nói.
Chưa kể, các chợ đêm cũng không đặc sắc khi hàng hóa ở chợ đêm Hà Nội và Hội An chẳng khác gì nhau. “Ở nước ngoài, ngay cả chợ, bản thân người kinh doanh cũng có ý thức là bán một loại hàng hóa không giống những người khác. Còn Việt Nam thì rất nhiều người bán cùng một thứ. Chẳng hạn, cũng ở phố nước ngoài hàng bán giống nhau là quần con voi, thì để giá như nhau. Còn Việt Nam thì 5 cửa hàng cùng bán một thứ và mỗi cửa hàng một loại giá”, TS Thủy cho biết.
Hiện nay, TP. Đà Nẵng đã thực hiện nhiều mô hình phố đêm, chợ đêm hiệu quả và đang tiếp tục cải tiến, mở rộng hoạt động. Trong đó, Phố đi bộ – chợ đêm Bạch Đằng (hai đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi) dự kiến sẽ có quy mô lớn nhất để phát triển kinh tế đêm Đà Nẵng. UBND TP. Đà Nẵng thống nhất xã hội hóa giao Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn chi nhánh Đà Nẵng thực hiện 10 năm trên đoạn đường, vỉa hè Bạch Đằng (đoạn từ Bình Minh 1 đến Bình Minh 9) dài 650m, rộng 2,2ha. Tuy nhiên, sau 4 năm xúc tiến triển khai, tháng 5 vừa qua, UBND TP đã tạm dừng dự án với lý do giao Sở Du lịch nghiên cứu xây dựng tổng thể dự án phố đi bộ Bạch Đằng kết nối với sản phẩm du lịch hai đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Nguyễn Tú
Trong khi đó, theo ông Thiên, kinh tế ban đêm mang lại rất nhiều lợi ích. “Nền kinh tế ban đêm là nền kinh tế từ các hoạt động từ 7 giờ tối tới 6 giờ sáng hôm sau. Đi mua sắm ban đêm cũng dễ móc ví ra hơn. Thế mà khi khách thức mình lại 10 giờ tối đi ngủ, lúc khách ngủ mình lại 4 giờ sáng đi tập thể dục”, ông Thiên nói.
Ông Thiên nói thêm: “Hội đồng Tư vấn tiền tệ vừa họp với Thủ tướng. Khi tổng kết, Thủ tướng nhấn mạnh, Covid-19 buộc Việt Nam chuyển cấu trúc phát triển khác. Sẽ có hai điểm thay đổi. Một là đưa kinh tế số vào cuộc sống, ứng xử nền kinh tế vật thể khác đi. Thứ hai là đưa kinh tế ban đêm vào như phương thức có ý nghĩa”.
Đua sản phẩm, ra quy hoạch
Nhiều sản phẩm du lịch đêm đã được đưa ra trong thời gian vừa qua. Tại Hà Nội, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra mắt sản phẩm tour buổi tối “Đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt” song song tour thường có vào ban ngày. Chương trình nằm trong gói kích cầu du lịch của Hà Nội. Tour có thiết kế âm thanh ánh sáng khác với ban ngày. Theo đó, các kỹ thuật nhấn sáng, hắt bóng được sử dụng tạo điểm nhấn trong phòng trưng bày; còn âm thanh tiếng động thay đổi qua từng điểm tham quan. Từ 24.7 tới, chương trình sẽ được đưa vào khai thác chính thức và chỉ nhận khách trên 16 tuổi. Nhiều di tích ở Hà Nội cũng đã mở cửa đêm, chẳng hạn đền Ngọc Sơn.
TP.HCM: Xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm sau dịch Covid-19
Từ năm 2017, ý tưởng thí điểm “thành phố không ngủ”, đầu tư thêm các sản phẩm về đêm hấp dẫn cho TP.HCM đã được nêu nhưng đến giờ, câu chuyện này vẫn còn bỏ ngỏ. Du khách đến TP thường rơi vào tình trạng không biết đi chơi đâu, xem gì khi đêm xuống. Một số địa điểm ăn uống có thể xây dựng thành phố ẩm thực về đêm như khu Phan Xích Long, phố người Hoa (Q.5), khu Phú Mỹ Hưng (Q.7)… nhưng không được sắp xếp, quy hoạch bài bản. Điểm nhấn là phố đi bộ Bùi Viện (Q.1) dần trở thành phố nhậu, đường Nguyễn Huệ chỉ dành cho người đi dạo, dịch vụ ẩm thực hay kinh doanh mờ nhạt. Chợ đêm Bến Thành thì nổi tiếng nạn “chặt chém” du khách… Thế nên, thời gian du khách quốc tế lưu lại TP.HCM trung bình chỉ 1 – 2 đêm.
Giữa năm 2019, Sở Du lịch TP đã làm việc với UBND Q.1, nghiên cứu quản lý lại các khu chợ đêm, đề xuất sáng đèn chợ Bến Thành cả buổi tối, thay vì đóng cửa từ 18 giờ như hiện nay. PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP, kỳ vọng nếu chợ Bến Thành kéo dài thời gian hoạt động đến 21 – 22 giờ đêm, du khách sẽ có thêm điểm đến để vui chơi, thêm cơ hội tiêu tiền vào ban đêm. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, đề xuất chưa được thông qua.
Theo đại diện Sở Du lịch, hiện đơn vị này đang thực hiện 9 nhóm giải pháp để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, và chắc chắn bao gồm cả việc xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm.
H. Mai
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, một loạt sản phẩm kinh tế đêm ra đời. Bà Nà Hills có sản phẩm trải nghiệm đêm với những vũ điệu sôi động tại làng Pháp với ánh sáng được thiết kế riêng. Sky bar của khách sạn Novotel có thể ngắm toàn TP dù ở bất cứ vị trí nào trong bar. Công viên châu Á tại Đà Nẵng với 20 trò chơi và các công trình tái hiện danh lam thắng cảnh các nước châu Á. Dự kiến cuối năm, công viên có thêm một đài phun nước với chương trình nhạc nước. Hiện tại, công viên này đang mở miễn phí và thu tiền từng trò chơi riêng. Đây là một xu hướng ngược lại của thế giới khi đi thu tiền lẻ chứ không thu trọn gói chơi trong công viên.
Ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Sun World, cho rằng điều này thể hiện triết lý kinh doanh là hài hòa. “Hài hòa giữa mục tiêu doanh nghiệp đặt ra và hài hòa giữa lợi ích của người dân; và cái hài hòa chung nữa là làm sao biến Đà Nẵng luôn luôn là một điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách cũng như trong lòng người dân”, ông nói.
Người nước ngoài nghĩ gì về phố đi bộ Bùi Viện?
Ông Vũ Anh Tuấn, Ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines, chia sẻ thống kê của tổ chức hàng không về top 20 đường bay bận rộn nhất thế giới. Theo đó, trong giai đoạn Covid-19 này, khách không đi được quốc tế nhưng trong số top 20 thì Việt Nam có đến 6 đường bay. Cũng theo ông Tuấn, Vietnam Airlines sẵn sàng tổ chức các tuyến bay đêm để phục vụ du lịch. “Chúng tôi đánh giá việc phát triển nền kinh tế ban đêm không chỉ là mong mỏi của ngành du lịch, của chính quyền. Các doanh nghiệp hàng không cực kỳ mong đợi điều này. Máy bay cũng không phải nghỉ đêm và khách hàng cũng được hưởng lợi vì bay đêm rẻ hơn bay ngày”, ông Anh Tuấn nói.
Về lâu dài, ông Trần Đình Thiên lưu ý, cần chú ý việc quy hoạch, chiến lược dài hạn. Chẳng hạn, các khu kinh tế đêm nên được đặt ở những điểm vắng vẻ nếu không sẽ ảnh hướng tới khu dân cư. Các điểm kinh tế đêm phải được quy hoạch thành tuyến gần nhau chứ khách không thể đi rất xa lên núi rồi lại vòng về biển, sau đó vào các điểm vui chơi, mua sắm đêm đặt rời rạc. Các khung pháp lý cũng cần được hoàn thiện. “Chúng ta phát triển kinh tế đêm nhưng phải bảo đảm an toàn cho người dân và cả nhà đầu tư”, ông nói.
Trinh Nguyễn
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More