Trong thời gian tới đây, nếu Bộ luật Lao động sửa đổi thông qua phương án giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ cho người lao động (NLĐ) thì thực sự rất ý nghĩa với tất cả NLĐ vì chúng tôi có thêm thời gian dành cho gia đình và quan trọng hơn là cơ hội tái tạo sức lao động cao hơn… Đó là chia sẻ của các CNLĐ chúng tôi gặp tại Hải Phòng.
Nghỉ thứ bảy tinh thần làm việc tuần tiếp theo sẽ tốt hơn
Nguyễn Thị Thùy làm việc tại Cty TNHH Nichias Hải Phòng (100% vốn Nhật Bản) được 2 năm. Quê ở huyện Vĩnh Bảo nên Thùy thuê trọ ở gần khu công nghiệp đi làm cho tiện. Hiện, ngoài 4 chủ nhật thì khối sản xuất của Cty được nghỉ thêm 1 ngày thứ bảy, Thùy dành để về nhà thăm gia đình. Còn 4 chủ nhật, Thùy chỉ ở địa bàn gần Cty để giữ sức cho ngày làm việc tiếp theo. Thùy chia sẻ: Còn trẻ nên cũng muốn làm thêm nhiều để kiếm tiền nhưng được nghỉ thêm 1 ngày thứ bảy nữa trong tháng sẽ tốt hơn cả về sức khỏe và tinh thần. Cũng tại Cty Nichias, anh Trương Văn Phúc – người có hơn 12 năm công tác – cho biết, hiện đang làm việc 44h/tuần, nếu giảm xuống còn 40h/tuần thì mọi người sẽ rất phấn khởi, có thời gian đầu tư cho sức khỏe, trí tuệ để có thể tìm tòi, đưa ra nhiều sáng kiến hơn. Điều này được minh chứng bằng chính trường hợp của anh và rất nhiều CNLĐ của Cty vì sau năm 2013 khi bắt đầu được nghỉ 1 thứ bảy mọi người đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo hơn trong việc. Từ đó hệ thống sáng kiến, sáng tạo của Cty thường xuyên nhận được sáng kiến, sáng tạo của NLĐ, mỗi năm cả Cty có từ 800 – 1.000 sáng kiến.
Trong KCN Nomura (Hải Phòng) rất nhiều CNLĐ đã được nghỉ 1 – 2 ngày thứ bảy trong tháng. Tại Cty TNHH Synztec (100% vốn Nhật Bản) từ năm 2008 đã bắt đầu chính sách nghỉ 2 thứ bảy trong tháng, một năm làm việc 271 ngày. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với CNLĐ của Cty vì Cty có 912 CNLĐ thì tới 97,8% là nữ, trong đó khoảng 90% CNLĐ có gia đình. Thời gian nghỉ 2 ngày thứ bảy trong tháng đã tạo điều kiện để NLĐ có thêm thời gian chăm sóc gia đình, vui chơi giải trí, tái tạo sức lao động do đó họ làm việc hào hứng và hiệu quả, có nhiều sáng kiến giảm hàng lỗi, tận dụng tối đa hiệu suất máy móc thiết bị. Cty luôn đảm bảo sản lượng, chất lượng và tiến độ giao hàng. Vào thời gian cao điểm thì sẽ có khoảng 100 người làm hết cả 2 thứ bảy.
Mong được luật hóa
Một câu hỏi đặt ra là thực tế khi giảm giờ làm từ 48h/tuần xuống còn trên dưới 44h/tuần thì năng suất lao động, thu nhập của NLĐ và doanh nghiệp có bị ảnh hưởng gì không; CĐ làm thế nào để thuyết phục chủ doanh nghiệp giảm giờ làm? Nhớ lại thời điểm thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp cho CNLĐ nghỉ thêm 1 ngày thứ bảy ngoài các ngày chủ nhật trong tháng, anh Đinh Thế Thắng – Phó Giám đốc sản xuất, Chủ tịch CĐ Cty TNHH Nichias – cho biết, trước hết phải nắm được chính sách các đơn vị trong tập đoàn (đang đóng tại các nước khác) đang thực hiện; tiếp đó là tình hình một số doanh nghiệp trong KCN đã thực hiện chính sách nghỉ 1 – 2 thứ bảy. Quan trọng hơn cả là CĐ đã phân tích để lãnh đạo doanh nghiệp thấy tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ khi suốt một tuần làm việc vất vả chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Đặc biệt, với những CNLĐ từ nông thôn ra thành phố làm việc thì ngoài việc ở Cty họ còn phải làm nhiều việc của gia đình, nhất là vào mùa vụ. Khi đã dồn sức làm việc nhà vào ngày chủ nhật thì hôm sau đến Cty sẽ mệt mỏi. Đây là một trong những nguy cơ gây tai nạn lao động. Trước những lập luận của CĐ, lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý nhưng phải đảm bảo năng suất, không ảnh hưởng đến Cty. Theo anh Thắng, chính vì có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa lo được việc nhà nên CNLĐ thấy thoải mái về đầu óc, nghĩ ra được nhiều sáng kiến, sáng tạo, dù có lúc là những sáng kiến nhỏ nhưng cũng được ghi nhận.
Còn ở Cty TNHH Synztec, nơi mà tổng số ngày nghỉ dành cho CNLĐ vào năm 2008 chỉ có 85 ngày/năm, nhưng sau quá trình thương lượng giữa CĐ và lãnh đạo doanh nghiệp, đến năm 2018, tổng số ngày nghỉ dành cho CNLĐ tăng lên thành 93 ngày/năm và đến 2019 tăng thành 94 ngày/năm. Chị Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Quản lý nhân sự cho biết, cơ sở để thuyết phục được chủ doanh nghiệp đồng ý tăng ngày nghỉ là năng suất lao động vẫn được đảm bảo bởi hằng tháng đều có thống kê về năng suất lao động để đảm bảo cho kết quả sản xuất. Nhưng theo chị Thu, giải pháp nâng cao năng suất không phải để nghỉ thêm ngày trong tháng mà chỉ là cơ sở, còn điều quan trọng chính là làm thế nào để mỗi NLĐ đều ở trong trạng thái có ý thức cải tiến công việc, dù ngày nghỉ tăng nhưng do những cải tiến mà NLĐ thường xuyên đề xuất khiến Cty luôn đảm bảo được năng suất và chất lượng sản phẩm. Phong trào sáng kiến, cải tiến cũng được lãnh đạo Cty thường xuyên phát động. “Xu hướng chung của các doanh nghiệp FDI trong Khu công nghiệp Nomura là cho nghỉ các ngày thứ 7 trong tháng. Hiện giờ cũng nhiều DN đã cho NLĐ nghỉ 2 thứ bảy/tháng nhưng nếu được luật hoá thì vẫn tốt hơn” – chị Thu chia sẻ.
Theo CĐ Khu Kinh tế Hải Phòng, tổng số LĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp KCN đến 15.8.2019 là 130.000 người, tăng 21.5% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân của NLĐ đạt 8,1 triệu đồng/người/tháng.
Số doanh nghiệp có CĐCS trực thuộc CĐ Khu Kinh tế Hải Phòng là 186. Có 153 doanh nghiệp CNLĐ được nghỉ ngày thứ bảy, đưa tổng số CNLĐ được nghỉ ngày thứ bảy lên 99.960/111.915 CNLĐ.
Ông Masashi Kawasaki – Tổng Giám đốc Cty TNHH Nichias Hải Phòng: Việc tăng ngày nghỉ dù có thể ảnh hưởng tới năng suất lao động nhưng giúp tinh thần và sức khoẻ của NLĐ tăng lên. Bên cạnh đó, Cty và NLĐ đã cùng nhau xây dựng kế hoạch cải tiến sản xuất để nâng cao năng suất, đảm bảo sản lượng và chất lượng. Cty chúng tôi luôn đặt việc tuân thủ pháp luật lên hàng đầu.
LINH NGUYÊN. Theo Báo Lao động