Doanh nghiệp (DN) có thể đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất, dù tài sản đó chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để phục vụ việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Đây là nội dung mới của Nghị định 102/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15-10-2017. Nghị định tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhiều DN về việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để vay vốn, thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp ở làng nghề Mỹ Đồng (Thủy Nguyên) chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, khó khăn trong vay vốn.
Ảnh: Trung Kiên
Doanh nghiệp gặp khó
Công ty CP thương mại Hải Đăng trong cụm công nghiệp Cành Hầu (quận Kiến An) vừa tiến hành đầu tư xây dựng dây chuyền xử lý chất thải nguy hại. Để có vốn hoạt động, công ty muốn được thế chấp cả quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, bao gồm khu nhà xưởng và dây chuyền, thiết bị. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ vay vốn, công ty chỉ được đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, không được thế chấp tài sản gắn liền với đất, do DN chưa đăng ký chứng nhận tài sản trên đất.
Hiện có nhiều DN, nhất là các DN vừa và nhỏ như công ty thương mại Hải Đăng có nhu cầu vay vốn của ngân hàng thương mại để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, số vốn các DN nhỏ được vay không nhiều. Nguyên nhân phổ biến là nhiều DN chưa chủ động đăng ký xác nhận giá trị tài sản gắn liền với đất.
Theo báo cáo theo dõi thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất năm 2017 của UBND thành phố, trước ngày Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực, hầu hết các tổ chức, DN sử dụng đất trả tiền thuê hằng năm chưa được chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Đến nay, qua 8 năm thực hiện Nghị định 88/2009/NĐ-CP, nhiều DN vẫn chưa chủ động đăng ký tài sản trên đất. Trong khi đó, tổ chức tín dụng yêu cầu phải có giấy chứng nhận tài sản gắn liền với đất được Sở Tài nguyên-Môi trường xác nhận việc đăng ký thế chấp mới được vay vốn. Do vậy, nhiều DN có tài sản trên đất trị giá hàng tỷ đồng nhưng vẫn không thể thế chấp để vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nếu DN chỉ có GCNQSDĐ mà không có chứng nhận được quyền sở hữu tài sản trên đất thì mức vốn vay mà ngân hàng giải ngân không “thấm” vào đâu so với nhu cầu vốn của DN.
Theo Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên-Môi trường) Hà Quốc Việt, bình quân mỗi năm, Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận, giải quyết 150 hồ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của tổ chức, DN. Báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hải Phòng cho thấy số DN vừa và nhỏ được vay vốn từ ngân hàng thương mại không nhiều. Năm 2017, tổng số dư nợ DN vừa và nhỏ được vay vốn tại các ngân hàng thương mại là hơn 32,985 tỷ đồng, chiếm 19,6% với tổng dư nợ trên toàn địa bàn thành phố.
Tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp
Với mục đích tạo thuân lợi cho DN vay vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh, Nghị định 102/2017/NĐ-CP có những quy định tháo gỡ khó khăn cho những DN chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vấn có thể đăng ký thế chấp, vay vốn ngân hàng. Theo điều 41 Nghị định 102/2017/NĐ-CP cho phép DN có thể thế chấp tài sản gắn liền với đất khi chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên GCNQSDĐ. Với trường hợp này, DN nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên-Môi trường). Văn phòng vừa thực hiện thủ tục chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất vừa cấp đăng ký thế chấp tài sản cho DN để phục vụ việc vay vốn ngân hàng.
Thực hiện Nghị định này, Sở Tài nguyên-Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai công bố công khai các thủ tục, quy trình giải quyết ở bộ phận “một cửa” và cổng thông tin của Sở Tài nguyên-Môi trường; đồng thời, có cán bộ trực tiếp hướng dẫn thực hiện, giải quyết hồ sơ. Cùng với đó, UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên-Môi trường thống nhất với các cơ quan trung ương có liên quan chỉ đạo các sở, ban, ngành sớm xây dựng cơ chế phối hợp liên thông giữa tổ chức hành nghề công chứng với cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế, kho bạc, tạo cơ chế thuận tiện cho người dân, tổ chức, DN trong đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Với việc tháo gỡ về cơ chế và công tác tổ chức thực hiện tích cực của ngành chức năng, số DN được thế chấp tài sản trên đất để vay vốn trên địa bàn thành phố dự kiến được tăng lên, bảo đảm nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên về lâu dài, DN cần chủ động đăng ký tài sản trên đất để bảo đảm quyền, lợi ích người sử dụng đất..
(Nguyên Mai, Báo Hải Phòng 05/01/2018)