Đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát cơ sở, lắng nghe dân để có những quyết sách hợp lòng dân, là chìa khóa để nhiều địa phương từng là “điểm nóng” lấy lại niềm tin của nhân dân, có sự bứt phá mạnh mẽ.
Gần dân, sát cơ sở
Đến xã Thái Sơn (huyện An Lão) những ngày đầu năm mới 2019 này, ai cũng ấn tượng với khung cảnh đổi mới nơi đây. Xóm làng bừng một sắc cờ đỏ. Đi dọc đường làng rộng mở mới được bê tông hóa, những ngôi nhà cổ, trung tâm văn hóa làng đều thấy bừng sắc cờ đỏ. Nhìn khung cảnh này, nhiều người không thể tin, chỉ vài năm trước, xã Thái Sơn là một trong những “điểm nóng” phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không chỉ của huyện An Lão mà của cả thành phố. Những vụ khiếu kiện đông người, phản đối chính sách giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai thường xuyên diễn ra, thành phố phải tổ chức nhiều đoàn về cơ sở để giải quyết, ổn định tình hình. Đỉnh điểm của “điểm nóng” Thái Sơn là vụ việc hàng trăm hộ dân ở khu vực Đầm Bầu kéo lên tận Trung ương kiến nghị về việc giải phóng mặt bằng.
Cánh đồng chuyên trồng màu quy mô lớn được hình thành từ nghị quyết “lấy lại niềm tin” của Đảng ủy xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy).
Ảnh: Duy Lân
Để có sự đổi thay này, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành thành phố, huyện và cán bộ, nhân dân xã Thái Sơn. Song một trong những nguyên nhân quan trọng được kể đến chính là việc đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương thay đổi phương thức lãnh đạo, gần dân, sát cơ sở. Chủ tịch UBND xã Thái Sơn Bùi Minh Lý cho biết, từ phân tích nguyên nhân để xảy ra các điểm nóng ở địa phương, Ban Thường vụ Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015- 2020 rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó đổi mới phương thức lãnh đạo. Đó là, trong mọi việc phải công khai dân chủ, kiên trì thuyết phục người dân, đưa cán bộ xuống thôn để gần dân, sát cơ sở. Các dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, việc xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn mới đều được công khai minh bạch, lấy ý kiến nhân dân, để người dân góp ý, tự bàn những phần việc mà người dân thực hiện. Người dân Thái Sơn rất vui khi thường xuyên thấy cán bộ xã xuống cơ sở, về sinh hoạt chi bộ với thôn. Đối với những phong trào lớn, dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, cán bộ xã xuống tận nhà dân để vận động, đối thoại trực tiếp, thẳng thắn giúp người dân hiểu và ủng hộ các dự án, phong trào chung của địa phương. Người dân tin vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo khóa mới, tích cực góp sức cho các phong trào ở địa phương.
Lựa chọn những việc cấp bách
Trên cánh đồng “thẳng cánh cò bay” rộng 99 ha chuyên trồng màu ở thôn Nãi Sơn, xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy), anh Phạm Văn Minh, phấn khởi: “Nhờ thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình tôi có 1 mẫu ruộng liền vùng, liền thửa, không manh mún như trước đây. Sản phẩm rau an toàn của gia đình tôi cũng được HTX kiểu mới Thái Sơn thu mua”.
Niềm vui của anh Minh cũng là niềm vui chung của nhiều nông dân Tú Sơn trên những cánh đồng lớn của quê hương. Ai từng biết giai đoạn 2011-2012, xã Tú Sơn khủng hoảng khi hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật do buông lỏng quản lý đất đai, mới hiểu niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương hôm nay quý giá đến mức nào.
Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tú Sơn Bùi Thị Biên bồi hồi nhớ lại, sau vụ việc cán bộ địa phương sai phạm trong cấp đất, người dân không còn niềm tin đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo khóa mới. Hàng loạt chương trình của địa phương như vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng đều rất khó khăn do người dân không đồng tình ủng hộ. Đứng trước khó khăn này, Đảng ủy xã trăn trở phải làm gì để lấy lại lòng tin của người dân. Sau khi chỉ đạo các đoàn thể nghe ngóng, nắm tình hình nhân dân, Đảng ủy xã xác định rõ hai hướng đi để lấy lại lòng tin của người dân với chính quyền địa phương là giúp người dân nâng cao thu nhập từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và chăm lo công tác an sinh xã hội. Đây cũng là hai vấn đề người dân đang quan tâm nhất. Đảng ủy quyết định ban hành nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện để nhân dân tăng thu nhập và quan tâm các vấn đề an sinh xã hội.
Sau 2 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Tú Sơn hoàn thành việc dồn đổi ruộng đất và quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn gồm: vùng chuyên canh trồng màu diện tích 99 ha, vùng nuôi trồng thủy sản diện tích 98 ha, vùng trồng lúa 226ha.Xã xây dựng 3 hợp tác xã chăn nuôi an toàn; riêng HTX chăn nuôi Thành Đạt phát triển thành HTX kiểu mới Thái Sơn quy mô toàn xã, cung cấp nông sản, thủy sản an toàn cho thị trường thành phố. Cùng với lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Đảng ủy xã Tú Sơn chỉ đạo UBND xã, các đoàn thể quan tâm sửa chữa nhà giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn, tập trung nguồn lực vào xây dựng trường mầm non và trường tiểu học đạt chuẩn cấp quốc gia, dành 10 nghìn m2 đất cho trường học THCS xây dựng mới. Qua thực tế, thấy cán bộ địa phương chú ý phát triển kinh tế, lo an sinh xã hội, người dân Tú Sơn dần có niềm tin vào đội ngũ cán bộ khóa mới. Từ một xã “điểm nóng”, Tú Sơn trở thành xã nông thôn mới điển hình của huyện Kiến Thụy.
Cũng bằng những cách làm này tương tự Thái Sơn, Tú Sơn, từ đầu nhiệm kỳ 2015- 2020 đến nay, nhiều địa phương từng là “điểm nóng” trước đây của thành phố như Vinh Quang (Tiên Lãng), Tân Phong, Kiến Quốc (Kiến Thụy), phường Tràng Cát (quận Hải An), xã Lập Lễ, An Lư (huyện Thủy Nguyên)…đều dần ổn định tình hình, có sự phát triển bứt phá. Người dân có niềm tin vào cán bộ, Đảng bộ, chính quyền địa phương, góp sức vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
Báo Hải Phòng 03/01/2019