Lao động nhập cư là sản phẩm tất yếu của quá trình phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng. Hiện nay, thành phố có khoảng 500.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có khoảng 24% là lao động nhập cư. Lao động nhập cư chủ yếu làm việc tại các đơn vị sản phẩm da giầy, may mặc thương mại, du lịch, dịch vụ, chế biến thủy sản… và sử dụng nhiều lao động nữ.
Cùng với kết quả cao về thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố, lao động là người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại thành phố ngày một nhiều. Số lao động này khoảng 6.039 người (theo thống kê năm 2018), nhiều nhất là người Trung Quốc (2.764 người), tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước khác.
Khó khăn thách thức với lao động nhập cư
Lao động nhập cư thường xuyên thay đổi chỗ ở và nơi làm việc. Từ đó, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập, tính ổn định của bản thân họ cũng như của doanh nghiệp. Chất lượng lao động nhập cư còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, quá nửa là lao động phổ thông được tuyển vào doanh nghiệp đào tạo, không có bằng cấp, chứng chỉ.
Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử trong quan hệ lao động còn nhiều hạn chế do nhận thức, phong tục tập quán giữa các vùng miền, mối quan hệ giữa lao động ngoại tỉnh và lao động nội tỉnh về vị trí việc làm, vị trí quản lý, ứng xử hàng ngày do văn hóa khác nhau. Chấp hành kỷ luật còn nhiều hạn chế và thiếu tác phong công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Trần Văn Huy kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại Công ty TNHH Đồ chơi Lucky (Việt Nam) – doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 1.380 lao động
Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chính sách về lao động, việc làm, có tác động đến việc tạo ra việc làm cho người lao động, đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc tại nước ngoài… Về cơ bản các chính sách không có sự phân biệt giữa lao động nhập cư người Việt Nam với lao động bản địa. Điều này nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong lao động của người lao động nhập cư.
Để thực hiện được công tác quản lý đối với lao động nhập cư, theo Sở LĐTB&XH thành phố, cần đảm bảo ba nhân tố. Một là, việc làm – luôn là vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng của mọi địa phương, quốc gia. Để đảm bảo việc làm cho người lao động cần phải có thông tin về thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực và việc làm phải ổn định, như vậy người lao động sẽ gắn bó hơn với công việc. Hai là, nhà ở và quản lý nơi ở cũng là yếu tố không thể thiếu để cuộc sống của người lao động nói chung được đảm bảo. Ba là, bên cạnh vấn đề nhà ở của người lao động thì vấn đề quản lý môi trường sống, an ninh trật tự và sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị – xã hội đối với lao động nhập cư cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, nhất là các vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, dịch vụ công cho người lao động; điều kiện tiếp cận thông tin, tham gia văn hóa, văn nghệ, thể thao và sinh hoạt cùng cộng đồng.
Các nhân tố đảm bảo thực hiện các chính sách đối với lao động, đó là thu nhập và các yếu tố liên quan; bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền cho người lao động về chính sách tiền lương, môi trường làm việc, nâng cao tay nghề thích hợp với vị trí, chức danh công tác, bảo đảm mọi quyền lợi theo quy định của pháp luật lao động.
Kiến nghị nhiều giải pháp quản lý, hỗ trợ lao động nhập cư
Nhân Hội thảo về Chính sách đối với lao động nhập cư tại thành phố Hải Phòng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Trần Văn Huy đã đề xuất một số giải pháp về chính sách, pháp luật để bảo đảm, hỗ trợ đối với lao động nhập cư. Trong đó, đối với lao động là người Việt Nam, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất UBND thành phố quy hoạch và cấp phép đầu tư đối với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động phải bố trí hoặc phối hợp với địa phương (cấp huyện và cấp xã) trong việc triển khai những hạng mục phụ trợ như nơi ở trọ, trường học, cơ sở y tế, tiếp cận thông tin, tham gia văn hóa, văn nghệ… Kiến nghị UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, Sở, ngành trong việc quản lý, hỗ trợ đối với lao động nhập cư. Tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nhập cư hiểu được rằng họ cũng là một nhân tố quan trọng để hoà nhập cùng cộng đồng nơi họ đến làm việc, giúp họ ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Trần Văn Huy đóng góp các ý kiến tại Hội thảo
Đối với lao động là người nước ngoài, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất kiến nghị UBND thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ về lao động đối với một số tỉnh, thành phố (tương đương) của Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc một số quốc gia khác có nhiều lao động nước ngoài làm việc tại Hải Phòng trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam. Xem xét có quy định chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung ương với các cơ quan quản lý lao động nước ngoài có liên quan tại địa phương để hạn chế tình trạng người nước ngoài sử dụng visa doanh nghiệp hoặc mục đích khác vào làm việc tại Việt Nam. Cần có quy định cụ thể, chặt chẽ trong việc quản lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như giáo dục, y tế, du lịch… khi cấp phép hoạt động. Cùng với tiêu chí về mặt chuyên môn cần phải có tiêu chí về tình trạng pháp lý của người lao động, chỉ cho phép người lao động nước ngoài làm việc khi đã được cấp giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định.
V.H.N