Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng việc phân bổ vốn vốn hiện dàn trải và chưa hợp lý; phải có rà soát, đánh giá và cụ thể kinh phí cho từng dự án để đảm bảo tính công bằng.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp, ngày 29/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Chủ động rà soát, điều chỉnh hợp lý kế hoạch trung hạn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6, tổng số vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương được giao hằng năm trong cả giai đoạn để thực hiện và giải ngân ước đạt 964,95 nghìn tỷ đồng, bằng 86,16% tổng số vốn ngân sách trung ương dự kiến trong kế hoạch trung hạn (1 triệu 120 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng chung).
Để giải quyết phần thiếu hụt (155,05 nghìn tỷ đồng), Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách; chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý kế hoạch trung hạn, hằng năm và tiến độ thực hiện các dự án của đơn vị mình; ưu tiên bổ sung cho đầu tư từ các nguồn dự phòng ngân sách trung ương hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi… để thực hiện.
Trong trường hợp không bù đắp đủ, phần còn lại sẽ được tiếp tục cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhằm bảo đảm quá trình đầu tư công được liên tục.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2019 và năm 2020, điều chuyển vốn kế hoạch giữa các dự án, xây dựng phương án phân bổ hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo nguồn để thực hiện các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Liên quan đến nội dung cân đối giữa việc tăng kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ODA lên 60 nghìn tỷ đồng và giảm tương ứng kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo báo cáo đánh giá giữa kỳ, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ ước thực hiện của cả giai đoạn 5 năm đạt khoảng 196,76 nghìn tỷ đồng.
Số vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến không thực hiện hết của kế hoạch trung hạn là khoảng 63,24 nghìn tỷ đồng, cao hơn số vốn ODA đã được Quốc hội cho phép bổ sung tại Nghị quyết số 71/2018/QH14.
Bên cạnh việc điều chỉnh ngay từ khâu lập kế hoạch vốn hằng năm giữa 2 nguồn vốn này, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đơn vị sử dụng nhiều vốn trái phiếu Chính phủ triển khai rà soát khả năng thực hiện và giải ngân của các dự án lớn để có sự điều chỉnh phù hợp. Như vậy, việc đảm bảo đủ vốn ODA theo kế hoạch là khả thi và không ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Do vậy, Chính phủ đề xuất hướng xử lý là trình Quốc hội xem xét, quyết nghị giao Chính phủ triển khai rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020; thông báo phương án phân bổ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo đúng quy định; khẩn trương triển khai tổng hợp, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án đúng quy định; cân đối nguồn lực trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển năm 2020 và các nguồn khác như tăng thu, tiết kiệm chi… để bố trí thực hiện các dự án; tổng hợp báo cáo lại Quốc hội để giám sát.
Đối với các dự án không kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư thực hiện trong năm 2020, sẽ có điều kiện để thực hiện sớm ngay trong năm đầu tiên của chu kỳ kế hoạch trung hạn mới và các năm tiếp theo.
Báo cáo thẩm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm, phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án và sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi… để bổ sung thêm nguồn bù đắp thiếu hụt khả năng cân đối vốn.
Tuy nhiên, với thực tế cân đối nguồn vốn như số liệu Chính phủ trình, việc cân đối đủ nguồn vốn để bố trí cho nhu cầu là rất khó khăn, nếu phân bổ sẽ phải tìm nguồn cân đối bổ sung có tính khả thi để không gây áp lực đến cân đối ngân sách, tránh dàn trải, nhiều công trình dở dang phải chuyển sang giai đoạn sau.
Ưu tiên các dự án an sinh xã hội
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ nếu Quốc hội cho phép thực hiện theo đề xuất của Chính phủ thì số kế hoạch chuyển sang giai đoạn tiếp theo cần cụ thể là bao nhiêu dự án, với tổng số vốn như thế nào.
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) khẳng định phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Theo đại biểu, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc phân bổ nguồn vốn, vì vậy đề nghị Chính phủ cần làm rõ, cụ thể hơn theo hướng ưu tiên những dự án cần thiết, tránh dàn trải.
Đại biểu nhấn mạnh việc phân bổ nguồn vốn phải đảm bảo theo đúng tiêu chí, đồng thời chú ý ưu tiên các dự an an sinh xã hội. Nhiều địa phương phải chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai cần được quan tâm đầu tư để thực hiện các dự án di dời dân cư ra khỏi vùng sạt lở, hay hỗ trợ địa phương khắc phục những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
“Có những địa phương có điều kiện tốt lại được đầu tư, trong khi nhiều tỉnh rất khó khăn lại chưa được quan tâm là không công bằng,” đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng việc phân bổ vốn hiện dàn trải và chưa hợp lý; phải có rà soát, đánh giá và cụ thể kinh phí cho từng dự án để đảm bảo tính công bằng.
Đề cập đến việc thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hơn 4.000 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng, đại biểu ủng hộ, số còn lại cần ưu tiên bố trí cho các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, bổ sung vào báo cáo thanh tra, xử lý các sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án được phục hồi, số lượng kinh phí được thu hồi, bao nhiêu dự án phá sản, xử lý nghiêm các sai phạm, các tổ chức, cá nhân để cảnh báo, răn đe, đồng thời rút kinh nghiệm cho các giải pháp đầu tư công trong thời gian sắp tới.
Nhiều đại biểu đề xuất Chính phủ cho rà soát tổng thể để có giải pháp xử lý cụ thể từng nguyên nhân hạn chế nêu trong báo cáo như luật pháp còn nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu thống nhất, thiếu chi tiết, hướng dẫn chậm, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chậm tiến độ thực hiện.
Cho rằng phương án phân bổ trong kế hoạch trung hạn còn dàn trải, kém hiệu quả, các đại biểu đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tự rà soát, cắt giảm, bổ sung phù hợp với nguồn cân đối được, tự thực hiện và chịu trách nhiệm hoặc xin ý kiến Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau, nhưng tuyệt đối phải tuân thủ nguyên tắc, danh mục và tổng mức vốn của các dự án đưa vào trung hạn không quá mức vốn có thể cân đối được trong hai năm còn lại./.