Print Thứ ba, 30/04/2019 07:13

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là một nhà chỉ huy xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, mà ông còn là một vị Chủ tịch nước có nhiều cống hiến to lớn cho quốc gia, dân tộc.

Tướng Lê Đức Anh (ngoài cùng bên phải, hàng đứng) chụp ảnh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng… tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 (Ảnh tư liệu).

Từ vị Tư lệnh Quân khu 9…

Với thắng lợi quyết định năm 1972 trên chiến trường miền Nam và đánh bại trận tập kích đường không chiến lược của Mỹ trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng cuối tháng 12/1972, quân và dân ta đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân chiến đấu Mỹ khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thời cơ chiến lược lớn mở ra. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, Mỹ vẫn chỉ đạo quân đội Sài Gòn lấn chiếm lại nhiều địa bàn và vùng dân cư trọng yếu của ta.

Nhưng ở miền Tây Nam Bộ, với cương vị là Tư lệnh Quân khu 9, hiểu rõ mưu đồ của địch, đồng chí Lê Đức Anh đã chủ động tập trung lực lượng 3 thứ quân đánh địch; lập nên chiến công xuất sắc Chương Thiện (địa danh cũ ở Đồng bằng sông Cửu Long), đánh bại hàng chục lượt tiểu đoàn hành quân lấn chiếm, bình định của địch, giữ vững vùng giải phóng.

Thành công và kinh nghiệm của chiến thắng Chương Thiện trở thành “bửu bối” cho toàn miền Nam noi theo và còn là cơ sở thực tiễn để Trung ương đưa ra Nghị quyết 21, định hướng đấu tranh cho cách mạng miền Nam. Từ đây, cách mạng miền Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, giành thêm những thắng lợi quan trọng hơn.

Bước sang năm 1974, để chuẩn bị thế và lực cho Tổng tiến công chiến lược giải phóng miền Nam; đồng thời, để thăm dò thái độ của Mỹ, với vai trò là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh cùng Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Phước Long, một vị trí chiến lược quan trọng của quân đội Sài Gòn.

Đòn đánh bất ngờ, táo bạo và áp đảo này đã giành thắng lợi lớn, khẳng định sự quyết đoán, cách thức sử dụng lực lượng và tác chiến linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch, trong đó có vai trò của đồng chí Lê Đức Anh. Đòn thăm dò chiến lược Phước Long đã minh chứng rằng Mỹ sẽ không có khả năng quay lại can thiệp ở miền Nam. Quan trọng hơn, đây thực sự là cơ sở quyết định để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

Kế hoạch chiến lược trên được hiện thực bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đến là các chiến dịch Trị – Thiên và Đà Nẵng giành thắng lợi. Thời cơ lớn để giải phóng hoàn toàn miền Nam được mở ra, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công Sài Gòn – Gia Định – Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhanh chóng được thành lập. Trên cương vị là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam (Đoàn 232).

…đến Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Trên hướng Tây – Tây Nam, Đoàn 232 gồm các sư đoàn 3, 5 và 9, cùng 4 trung đoàn độc lập, một trung đoàn đặc công, được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng T54, một tiểu đoàn PT85, một tiểu đoàn pháo 130 ly, một trung đoàn và một tiểu đoàn phòng không, cùng với Sư đoàn 8 Quân khu 8 và các lực lượng vũ trang địa phương. Đoàn có ba nhiệm vụ: một là, chia cắt hai lực lượng Sài Gòn và miền Đông cùng lực lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long; hai là, tấn công Biệt khu Thủ đô; ba là, tấn công Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm tại Dinh Độc Lập và một bộ phận vào căn cứ Tư lệnh Hải quân (Ba Son và Bạch Đằng).

Thực hiện việc chia cắt Lộ 4, Tư lệnh Lê Đức Anh giao Sư đoàn 5, do đồng chí Bùi Thanh Văn (út Liêm), sau là đồng chí Vũ Thược làm Sư đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa làm Chính ủy, phối  hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ cắt đứt đoạn từ Tân An tới Bên Lức, giải phóng Tân An, Bến Lức và giữ cho được hai đầu, tiếp đó phát triển tiến công chiếm Phú Lâm. Sư đoàn 8 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích Khu 8 đánh chiếm Mỹ Tho và đoạn Cái Bè, kiên quyết không cho quân địch từ Sài Gòn chạy về co cụm ở sở chỉ huy Vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ.

Đối với mũi tiến công hướng Cần Giuộc, Nhà Bè, vì địa hình ngập nước, nhiều sình lầy, Tư lệnh Lê Đức Anh và Bộ Tư lệnh giao cho các đồng chí Huỳnh Công Thân (Huỳnh Văn Mến, Tư Thân) – Phó Tư lệnh Quân khu 8, Võ Văn Thạnh (Ba Thắng) – Cục phó Chính trị Miền, quê gốc Nhà Bè và Nguyễn Văn Chiểu (Tư Chiểu) – Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Long An, quê gốc Long An đảm trách. Ta phải nhờ các xuồng nhỏ của dân để vận động tác chiến. Do tình hình quân địch đã giao động mạn, nên trên quãng đường dài tiến công, tuy hệ thống đồn bốt địch dày đặc, nhưng khi bộ đội ta đánh phủ đầu vài đồn, thì ở các đồn khác địch bỏ chạy.

Thừa thắng, Bộ Tư lệnh cánh quân hướng tây – tây nam chỉ huy các lực lượng đẩy mạnh tiến công trên các hướng Bến Lức, Long An, đánh thông hành lang Tây Ninh – Kiến Tường, mở xong các vùng Bến Cầu, Bến Sỏi, Quéo Ba, làm chủ một vùng sông Vàm Cỏ Tây, tiếp tục tiến xuống vùng Tân An, Thủ Thừa, áp sát Lộ 4 và bao vây chặt cần Thơ, pháo kích sân bay Trà Nóc không để chúng chi viện cho Sài Gòn.

Trước ngày 20/4/1975, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, cánh quân hướng tây – tây nam đã vào vị trí tập kết. Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 đã áp sát lộ 4 từ Tân An đến Cai Lậy, áp sát Mỹ Tho. Hai trung đoàn bộ binh đã tập kết ở Cần Đưóc và Cần Giuộc, sát phía nam Quận 8 Sài Gòn,… Đến ngày 25/4/1975,  cánh quân hướng tây – tây nam đã cài thế chuẩn bị sẵn sàng Tổng công kích.

Đúng 17h ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh cánh quân tây – tây nam đứng đầu là Tư lệnh Lê Đức Anh, các đơn vị đồng loạt xung phong. Đến 3h sáng ngày 27/4, Sư đoàn 5 đã cắt được đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang thực hiện đánh cắt lộ 4 từ Mỹ Tho đên bờ sông Tiền. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh – Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ, áp sát địch để bảo đảm cho Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật qua sông. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Cầu Bông, Mỹ Thạnh, Đức Hòa. Các trung đoàn 24 và 88 bám sát vào nội đô phía nam Sài Gòn.

Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, xe không đi được. Nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua. Ngay sau đó, Tư lệnh Lê Đức Anh đã ra lệnh cho một số đồng chí trở lại giúp dân làm lại nhà, dù người dân không hề đòi hỏi.

Theo chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Cục “thực hiện quyết tâm không gì lay chuyển là đánh bại hoàn toàn Mỹ, ngụy, đánh sụp chế độ ngụy Sài Gòn… giải phóng hoàn toàn miền Nam, thông nhất đất nước”; tối 28/4, Bộ Chỉ huy chiến dịch thông báo tình hình và lệnh cho các cánh quân, các hướng tiếp tục phát triển tiến công để bảo đảm sáng 29/4 toàn mặt trận nhất loạt thực hiện tổng tấn công vào Thành phố Sài Gòn theo đúng kế hoạch đã định.

Ngày 29/4, lúc hơn 10 giờ, Sư đoàn 3 vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến đánh và làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, sau đó tổ chức đánh chiếm Chi khu Đức Hòa và căn cứ Trà Cú. Sư đoàn 9 đưa toàn bộ lực lượng vào Mỹ Hạnh, sau đó thọc thẳng vào nội đô. Phía bên trong, lực lượng vùng ven cũng tăng cường hoạt động: Trung đoàn đặc công 429 tiến đánh Tiểu đoàn 8 biệt động địch tại Tân Tạo, Bà Hom, ra Chi khu Phú Lâm; đánh chiếm ấp 2 (Bình Trị Đông), ấp Bình Hưng, Ký Thúc On và Cầu Nhị Thiên Đường. Trung đoàn đặc công 117 bắn 200 viên ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ đội địa phương Bình Chánh đánh chiếm các phân chi khu Tân Túc, Tân Tạo (quận Tân Bình).

Sáng 30/4, Cánh quân Tây – Tây nam cùng các cánh quân khác cùng nhân dân nội đô đồng loạt tiến công và nổi dậy, đánh chiếm các mục tiêu đã định. 11h 30 phút, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông đất nước thu về một mối.

Danh tướng xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 toàn thắng nói riêng, sự nghiệp kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh nói chung luôn có sự cống hiến lớn lao của đồng chí Lê Đức Anh.

Riêng về quân sự, chỉ với việc Đảng, Nhà nước ra quyết định trao quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, rồi Thượng tướng, Đại tướng; lần lượt giữ các chức vụ quan trọng đã cho thấy tài năng, cống hiến của ông.

Đồng chí Lê Đức Anh đã từng giữ cương vị Tham mưu trưởng các khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, Tham mưu phó quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân tây nam đánh vào Sài Gòn, Tư lệnh Quân khu 7, Phó Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đó không chỉ là những danh xưng, mà thực sự là minh chứng sống động ghi nhận đồng chí Lê Đức Anh là một trong những Danh tướng cầm quân xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh.

(*) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nguồn: Báo Đầu tư

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đại tướng Lê Đức Anh với mùa Xuân 1975 lịch sử
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác