Lê Chân vốn người làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Nợ nước thù nhà với thái thú Tô Định, bà đã đem một số người nhà đến vùng biển An Dương lập trại, lấy tên quê cũ đặt cho vùng đất mới, chiêu mộ người tài gây dựng quân đội chống lại giặc đô hộ.
Khi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, Lê Chân đã cùng nghĩa quân lập được nhiều chiến công vang dội. Sau này Mã Viện đem thêm lực lượng tới tấn công, nghĩa quân không thể bảo toàn được lực lượng, bà đã phải tuẫn tiết để bảo toàn danh dự. Sau khi bà tuẫn tiết, nhân dân An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân ngày nay) dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ (khu vực đền Nghè bây giờ).
Đến đời vua Trần Anh Tông, bà được phong là Thành hoàng xã An Biên huyện An Dương. Hàng năm, cứ đến ngày sinh mồng 8 tháng 2, ngày hoá 25 tháng chạp, ngày khánh hạ 15 tháng 8, nhân dân An Biên nô nức đến đền Nghè cùng dâng lễ tưởng niệm vị nữ tướng.
Tượng đài nữ tướng Lê Chân được đặt uy nghiêm trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, là một trong những biểu tượng của thành phố Hải Phòng từ nhiều năm nay. Được khởi công xây dựng vào ngày 30 tháng 11 năm 1999, khánh thành ngày 31 tháng 12 năm 2000, tượng đúc bằng đồng, cao 7,5 m, nặng 19 tấn. Tượng đài được dựng lên để tôn vinh nữ tướng Lê Chân – người đã có công gây dựng trang An Biên tức thành phố cảng Hải Phòng ngày nay. Tượng Nữ tướng Lê Chân là một biểu tượng của thành phố Hải Phòng.
Tư liệu Sở Du lịch Hải Phòng – Cổng TTĐT thành phố