Sáng 28/10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng tiếp xã giao ngài Ibnu Hadi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam đến thăm và chào tạm biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Cùng tham dự tiếp đón có lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cảm ơn ngài Đại sứ đã dành tình cảm và thời gian để đến thăm và làm việc tại Hải Phòng. Chủ tịch UBND thành phố chúc mừng ngài Đại sứ đã có một nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao vai trò, sự đóng góp tích cực của Đại sứ trong việc nỗ lực thúc đẩy quan hệ quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương ngày càng phát triển. Những năm gần đây, quan hệ thương mại hai nước Việt Nam và Indonesia nói chung cũng như Hải Phòng nói riêng đã phát triển mạnh, Indonesia là một trong những đối tác thương mại lớn của Hải Phòng ở khu vực Đông Nam Á.
Chủ tịch cũng thông tin thêm tới ngài Đại sứ, trong giai đoạn vừa qua kinh tế Hải Phòng phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20,64%/năm; kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại…
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia bày tỏ cảm ơn về sự đón tiếp nồng ấm, chu đáo của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, đồng thời chúc mừng thành phố đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại sứ cho biết, trong nhiệm kỳ của mình ngài đã 3 lần đến thăm Hải Phòng, mỗi lần đến lại chứng kiến được nhiều sự thay đổi và phát triển của thành phố, ngài đã rất ấn tượng về Hải Phòng. Đại sứ tin tưởng trong giai đoạn tới, thành phố Hải Phòng sẽ còn phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Đại sứ chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp của Indonesia đang rất quan tâm và tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam các lĩnh vực như: bất động sản, du lịch, giáo dục, y tế… mặc dù, kết thúc nhiệm kỳ công tác vào cuối năm nay nhưng Đại sứ sẽ nỗ lực dốc hết sức mình để thúc đẩy quá trình hợp tác giữa hai bên.
Trên địa bàn thành phố hiện có 01 dự án có vốn đầu tư của Indonesia với tổng vốn đầu tư đăng ký là 11 triệu đô la Mỹ, đó là Công ty TNHH IML Technogy Việt Nam tại KCN Đình Vũ, chuyên sản xuất bao bì từ nhựa và sợi bằng công nghệ ép phun.
Trâm Bầu