Sáng 19-7, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Đại hội Đảng bộ Khu Kinh tế Hải Phòng lần thứ 4, nhiệm kỳ 2020- 2025 chính thức khai mạc. 112 đại biểu đại diện 462 đảng viên toàn Đảng bộ dự đại hội.
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Phạm Văn Mợi, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng; lãnh đạo các ban, ngành, thành phố; lãnh đạo, chuyên viên các Ban xây dựng Đảng; Tổ công tác số 35 của Thành ủy; lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…
4 nhiệm vụ quan trọng của đại hội
Phát biểu khai mạc đại hội, đồng chí Nguyễn Công Thành, Bí thư Đảng ủy Khu Kinh tế Hải Phòng nêu rõ: đại hội có 4 nhiệm vụ quan trọng: đánh giá tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khu Kinh tế lần thứ 3, nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, tham gia ý kiến đóng góp vào các văn kiện đại hội cấp trên; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Khu kinh tế khóa 4, nhiệm kỳ 2020-2025; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 16. Xác định rõ yêu cầu phát triển thành phố trong những năm tới, chủ đề của đại hội là: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của toàn Đảng bộ, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung phát triển nhanh, bền vững các khu công nghiệp và khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải”.
Đồng chí Nguyễn Công Thành nhấn mạnh: Đảng bộ Khu kinh tế đang đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi mới. Thành công của đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các khu công nghiệp, khu Kinh tế từ nay đến năm 2025 và tạo tiền đề phát triển những năm tiếp theo. Đại hội đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, tham gia tích cực và có hiệu quả cao nhất vào các nội dung, hoàn thành chương trình của đại hội đề ra.
Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu chủ yếu
Trình bày báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa 3, đồng chí Nguyễn Công Thành nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Khu kinh tế lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng bộ thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra, tạo đột phá quan trọng trong thu hút đầu tư. Theo đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt đến hết năm 2020 đạt 9,6 tỷ USD, bằng 140% so với nhiệm kỳ 2010-2015. Đáng chú ý, thu hút được các dự án lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tỷ suất đầu tư cao, của các tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín trên thế giới như: Tập đoàn LG (LG Display, LG Electronics, LG Innotek, LG Chem), Regina Miracle (Hồng Kông). Thu hút đầu tư trong nước tăng mạnh. Đặc biệt, thu hút dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast với tổng vốn thực hiện đến nay đạt gần 100.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế đóng góp hơn 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố. Hoàn thành đề án điều chỉnh địa giới Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải gắn với mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3; Đề án thành lập KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu huyện Cát Hải; Đề án thành lập KCN Cầu Cựu huyện An Lão trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đang hoàn thiện các thủ tục thành lập mới các KCN: DEEPC 4 huyện Kiến Thụy, Tiên Thanh huyện Tiên Lãng, Vinh Quang huyện Tiên Lãng, An Hưng – Đại Bản huyện An Dương, Vinh Quang huyện Vĩnh Bảo, Giang Biên 2 huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên huyện Thủy Nguyên, Nam Tràng Cát quận Hải An và một số KCN khác. Công tác hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, giải quyết các kiến nghị đạt hiệu quả cao. Thu hút lao động tăng lên đáng kể so với đầu nhiệm kỳ; thu nhập của người lao động được cải thiện; người lao động được trang bị kỹ năng, tác phong công nghiệp, tạo được mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an toàn lao động cơ bản được giữ vững và ổn định, đặc biệt đồng hành thành phố thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong nhiệm kỳ, công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng bộ Khu Kinh tế thành lập 25 tổ chức Đảng trực thuộc (hoàn thành 100% chỉ tiêu và tăng 18 chi bộ so với nhiệm kỳ 2010-2015); kết nạp mới 155/200 đảng viên (đạt 78% chỉ tiêu và tăng 75 đảng viên so với kết quả phát triển đảng viên nhiệm kỳ 2010-2015). Số đảng viên thuộc Đảng bộ tăng nhanh: năm 2015 có 191 đảng viên, hiện nay là 482 đảng viên (tăng 291 đảng viên, tương đương 152%).
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy luôn có nhiều đổi mới, Đảng bộ luôn đạt danh hiệu hoàn thành tốt nhiệm vụ (riêng năm 2016 đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ). Hằng năm, số lượng tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc luôn hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao từ 85% đến 90%; số lượng đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90-92%, hoàn thành chỉ tiêu về đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hàng năm.
5 năm qua, Khu Kinh tế thành lập được 95 tổ chức công đoàn cơ sở, đạt 190% chỉ tiêu; phát triển 86.273 đoàn viên (vượt chỉ tiêu 56.273 đoàn viên, tương đương 187% và tăng 62.426 đoàn viên so với kết quả phát triển đoàn viên nhiệm kỳ 2010-2015). Thành lập 15 tổ chức Đoàn thanh niên, phát triển 1.372 đoàn viên (hoàn thành 100% chỉ tiêu).
Tập trung phát triển nhanh, bền vững các khu công nghiệp
5 năm tới, bám sát Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết 28 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; sự chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Đảng ủy Khu kinh tế Hải Phòng xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, Đảng bộ vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, chủ trương, chính sách và của Trung ương, Thành ủy vào điều kiện cụ thể của Đảng bộ để phát triển nhanh, bền vững các KCN, KKT, đóng góp tích cực vào thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, đất nước.
Thứ hai, tiếp tục bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động ngày càng vững mạnh. Tạo môi trường để phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động. Bảo đảm phát triển ổn định và cải thiện môi trường đầu tư của doanh nghiệp, từ đó bảo đảm đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp trong KCN, KKT, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Thứ ba, nâng cao năng lực, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, thu hút, giám sát, hỗ trợ hoạt động đầu tư, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh, bền vững các KCN, KKT Đình Vũ – Cát Hải, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ tư, đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12; thành lập mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nhanh số lượng đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Thứ năm, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái hoặc xây dựng mới các KCN sinh thái.
Các chỉ tiêu cụ thể được đại hội xác định là:
– Phát triển thêm 15 KCN, trong đó có 10 KCN hoàn thành các thủ tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 5 KCN triển khai các quy trình thủ tục theo quy định.
– Thu hút FDI trong các KCN, KKT từ năm 2021-2025 đạt 10 tỷ USD.
– Chuyển đổi từ 1 đến 2 KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái.
– Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đang hoạt động đạt hơn 60%.
– Bảo đảm 100% số KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường.
– Các KCN, KKT đóng góp hơn 70% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
– Bảo đảm cơ bản về nhà ở và thiết chế văn hóa của người lao động trong các KCN, KKT.
– Phấn đấu hằng năm đạt từ 15- 20% số các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, không có tổ chức Đảng yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.
– Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 85% trở lên.
– Phấn đấu hằng năm thành lập từ 5 đến 7 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.
– Kết nạp đảng viên hằng năm từ 50 đảng viên trở lên.
– Phấn đấu hằng năm thành lập từ 15 đến 20 tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp; thành lập từ 1 đến 2 tổ chức đoàn thanh niên trong doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Đảng bộ Khu Kinh tế xác định 5 giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chính trị và 5 giải pháp về công tác xây dựng Đảng
Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa 3, đồng chí Nguyễn Công Thành nêu rõ một số ưu điểm như: Kịp thời đề ra các chủ trương, nhiệm vụ, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 3, Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy bằng các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể. Ban Chấp hành Đảng bộ Khu kinh tế luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ và luôn giữ vững các nguyên tắc của Đảng. Trên cơ sở chủ đề, nghị quyết hằng năm của thành phố, Ban Chấp hành xác định chủ đề công tác từng năm để tập trung lãnh đạo, cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình công tác và tiến hành sơ kết công tác quý, 6 tháng, 9 tháng; bổ khuyết các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp. Giải quyết kịp thời nhiều vấn đề cơ bản, trọng tâm có liên quan đến hoạt động của Đảng bộ; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng để triển khai thực hiện có hiệu quả trong toàn Đảng bộ.
Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Công Thành chỉ ra những hạn chế như: một số giải pháp đề ra chưa sát với tình hình thực tiễn của Đảng bộ; công tác chỉ đạo thực hiện có nơi, có lúc còn thiếu kiên quyết; công tác sơ kết, tổng kết còn chưa kịp thời; công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 28 chưa tập trung và quyết liệt nên việc phát triển đảng viên mới tại các doanh nghiệp chưa đạt được chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ 3 đề ra; chưa ban hành được các nghị quyết chuyên đề.
Nâng cao năng lực thu hút đầu tư
Phát biểu tham luận về các giải pháp nâng cao năng lực thu hút đầu tư vào các KCN, KKT thành phố, đồng chí Lương Văn Hải, Phó trưởng Phòng Quản lý đầu tư (BQL Khu Kinh tế Hải Phòng) nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, công tác thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng có những kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Khu Kinh tế thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc với tiêu chí hàng đầu là hiệu quả, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; thu hút được dự án đầu tư có sản xuất sản phẩm mới, có quy mô vốn đầu tư lớn của các Công ty, Tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài như: LG Display, LG Innotek, Vinfast, Sungroup…
Tuy nhiên, còn một số hạn chế như chưa thành lập thêm khu công nghiệp mới dẫn đến quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư ngày càng ít, khó thu hút các dự án lớn; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chậm triển khai theo tiến độ đăng ký, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chưa cao; triển khai xây dựng nhà ở và thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người lao động còn chậm …
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 4 Đảng bộ KKT, Chi bộ Phòng Quản lý Đầu tư đề xuất một số giải pháp. Cụ thể: đề nghị thành phố tập trung nguồn lực để thực hiện xây dựng hạ tầng các khu chức năng trong KKT; huy động nguồn lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN thành phố theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có việc chuyển đổi một số KCN sang mô hình KCN sinh thái; lựa chọn các nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để xây dựng và kinh doanh các bến còn lại của Cảng Quốc tế Lạch Huyện, tạo điều kiện phát triển các ngành dịch vụ, logistics… Đồng thời quan tâm đẩy nhanh các dự án hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa, thể thao trong người lao động tại các KCN bằng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể và khả thi.
Đổi mới, áp dụng các biện pháp phù hợp để phát triển tổ chức Đảng, Công đoàn
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, những năm qua, số tổ chức Đảng, Công đoàn tại các doanh nghiệp trong KCN tăng nhanh chóng. Kết quả đó có sự đóng góp tích cực của Công đoàn Khu Kinh tế. Trung bình mỗi năm, Khu Kinh tế thành lập mới từ 15-20 công đoàn cơ sở, phát triển thêm từ 10.000- 13.000 đoàn viên. Từ 42 công đoàn cơ sở với 17.673 đoàn viên, đến nay toàn khu có 202 công đoàn cơ sở (tăng 155 đơn vị), 123.641 đoàn viên (tăng 105.968 người). Tỷ lệ đoàn viên tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt 98,2%. Tổ chức công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong công nhân lao động và với chủ doanh nghiệp. Quan hệ lao động ổn định, tình trạng đình công, ngừng việc giảm hẳn so với giai đoạn trước.
Trong 10 năm, Công đoàn Khu Kinh tế giới thiệu 2.450 đoàn viên ưu tú cho Đảng (1.857 là lao động trực tiếp). Có 193 đồng chí được kết nạp vào Đảng, trong đó có 125 đảng viên tại các doanh nghiệp; đề xuất thành lập nhiều chi bộ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc thành lập tổ chức Đảng, Công đoàn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các KCN phân tán tại các quận, huyện, việc tiếp cận người lao động thường xuyên phải thực hiện ngoài giờ, tại cổng doanh nghiệp hoặc khu nhà trọ đồng thời phải tổ chức nhiều hoạt động hơn để thu hút, thuyết phục người lao động tham gia công đoàn. Phần nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam có điểm chung tận dụng nguồn lao động giá rẻ nên trả lương công nhân lao động theo mức quy định tối thiểu, tìm những kẽ hở của pháp luật để né tránh trách nhiệm xã hội, do đó người lao động thu nhập không đủ sống, nảy sinh tâm lý nhảy việc khi có điều kiện. Công tác Đảng thiếu cán bộ chuyên trách về phát triển đảng viên, việc thẩm tra lý lịch với quần chúng làm việc tại các doanh nghiệp FDI phải thêm khâu xác minh từ cơ quan công an nên tiến độ thẩm tra lý lịch bị chậm.
Đồng chí Nguyễn Hồng Quang đề nghị Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Về xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập” với những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm phù hợp với yêu cầu của mới. Đẩy nhanh quy trình thẩm tra, xác minh lý lịch đối với người lao động trong các doanh nghiệp FDI và tăng cường cán bộ chuyên trách, kinh phí trong công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; có biện pháp hỗ trợ tài chính trong thành lập tổ chức Đảng, công đoàn tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh; tăng cường thanh kiểm tra về pháp luật lao động, xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm Nghị định 98/2014/NĐ-CP hay có hành vi phân biệt đối xử trong hoạt động Công đoàn, công tác Đảng; quan tâm bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ năng lực để phát triển công đoàn, tổ chức đảng hiệu quả trong các doanh nghiệp FDI.
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo Văn kiện Đại hội 12 của Đảng, Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố, đồng chí Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định: Đảng bộ Khu Kinh tế có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, góp phần hoàn thiện các văn kiện. Các ý kiến đều bày tỏ ấn tượng với những thành quả mà đất nước, thành phố đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, đánh giá cao Dự thảo được chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng, khái quát được kết quả đạt được, rút ra được các bài học xác đáng; đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, khả thi, thể hiện rõ khát vọng phát triển. Nhiều ý kiến tham gia cụ thể vào từng đề mục của các Văn kiện, nhất là các vấn đề liên quan tới thu hút đầu tư; phát triển các khu công nghiệp; phát huy vai trò khu kinh tế; làm rõ vai trò động lực phát triển của Hải Phòng; đào tạo nhân lực; thu hút lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; xây dựng các khu nhà ở công nhân; công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế…
Thành phố tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực phát triển KCN
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nêu rõ một số kết quả nổi bật của thành phố về phát triển kinh tế – xã hội trong những năm qua và khẳng định: Trong thành công chung đó có sự đóng góp đầy ấn tượng của các KCN, KKT trên địa bàn thành phố. Đồng chí Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh, cùng với thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Khu kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư phát triển cả về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và thu hút đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT đóng góp hơn 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; tạo việc làm và thu nhập ổn định hơn 140.000 lao động. Công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời giải quyết các khó khăn, kiến nghị đạt hiệu quả cao. Đội ngũ kỹ sư, lao động trình độ cao có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng; tạo được quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững và ổn định. Đặc biệt, Đảng bộ Khu Kinh tế đồng hành thành phố thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố ghi nhận, đánh giá cao Đảng bộ Khu kinh tế chú trọng thực hiện tốt Nghị quyết 28 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên, đoàn viên tại các doanh nghiệp trong KCN, KKT. Số đảng viên của Đảng bộ tăng nhanh: đầu nhiệm kỳ chỉ có 191 đảng viên, cuối nhiệm kỳ tăng lên 482 đảng viên, tăng hơn 150%; số tổ chức Đảng đầu nhiệm kỳ chỉ là 19, cuối nhiệm kỳ tăng thành 46, tăng hơn 140%. Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phát huy được vai trò định hướng tư tưởng trong người lao động, nòng cốt trong lãnh đạo tổ chức công đoàn, tạo được sự tin tưởng và đồng hành của chủ doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Mặc dù vậy, theo đồng chí Nguyễn Xuân Bình, so với yêu cầu, sự phát triển của các KCN, KKT còn chưa thực sự vững chắc, việc xây dựng cơ sở hạ tầng một số KCN còn chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng xã hội; công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và thời cơ thu hút các dự án tiềm năng; vai trò thúc đẩy chuyển giao công nghệ còn yếu, liên kết kinh tế và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN chưa cao. Trong 5 năm vừa qua chưa thành lập được KCN mới, một số dự án đầu tư hạ tầng KCN mới đang ở bước trình Bộ Kế hoạch – Đầu tư thẩm định, một số dự án mới đang ở bước lập hồ sơ; các dự án xây dựng nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, phúc lợi với công nhân trong các KCN, KKT chậm triển khai. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quản lý trật tự xây dựng, quản lý môi trường, quản lý lao động nước ngoài, công tác cải cách hành chính có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu. Một số chỉ tiêu trong công tác xây dựng Đảng chưa hoàn thành; tỷ lệ thành lập tổ chức Đảng so với số lượng doanh nghiệp trong KCN, KKT còn thấp.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, đưa các KCN, KKT hoạt động có hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới, thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình hành động số 7 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Xuân Bình yêu cầu Đảng bộ Khu Kinh tế tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước đối với KCN, KKT theo hướng chủ động hơn, nhanh hơn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Thứ hai, tập trung phát triển các KCN theo Chương trình hành động số 76, chú trọng mô hình cộng sinh công nghiệp theo chuỗi sản xuất, phát triển các mô hình KCN sinh thái, khu công nghệ cao, chủ động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong các doanh nghiệp, quan tâm xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ; thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút vào các ngành kinh tế mũi nhọn có tiềm lực, các dự án có giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường, cam kết chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, có khả năng lan tỏa, góp phần đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ thành phố.
Thứ tư, tập trung đề xuất triển khai hiệu quả các dự án xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa, phúc lợi dành cho công nhân trong các KCN, KKT.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28 trong công tác phát triển đảng viên và thành lập tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong KCN, KKT. Lãnh đạo phát huy vai trò của các đoàn thể trong giáo dục, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của đoàn viên, hội viên, góp phần xây dựng tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố khẳng định: Thành ủy, UBND thành phố sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, dành nguồn lực và điều kiện thuận lợi nhất để Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đưa các KCN, KKT trên địa bàn thành phố phát triển bền vững, đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
Trong phiên làm việc buổi sáng, đại hội tiến hành công tác nhân sự, bầu 19 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ Khu Kinh tế Hải Phòng khóa 4, nhiệm kỳ 2020- 2025.
(Tiếp tục cập nhật…)
Hồng Thanh – Ảnh: Hoàng Phước