Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 25/5, ông Ryan khẳng định thế giới vẫn đang ở trong làn sóng đầu tiên của sự bùng phát virus SARS-CoV-2. Mặc dù số ca bệnh đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, song tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi.
Theo Tiến sĩ Ryan, các dịch bệnh thường diễn biến thành nhiều làn sóng. Do đó, một đợt bùng phát mới có thể tái diễn trong năm nay ở các khu vực mà làn sóng đầu tiên đã suy giảm. Quan chức WHO đánh giá, tỷ lệ lây nhiễm cũng sẽ có cơ hội gia tăng trở lại một cách nhanh chóng hơn nếu các biện pháp ngăn chặn làn sóng đầu tiên bị dỡ bỏ quá sớm.
Cũng theo Tiến sĩ Ryan, các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ nên “tiếp tục thực hiện những biện pháp y tế công cộng và xã hội, những biện pháp giám sát, những biện pháp xét nghiệm và một chiến lược toàn diện để bảo đảm đẩy lùi dịch bệnh thay vì một đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức“.
Hơn 5,5 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu
Theo thống kê của trang worldometers.info, đến 9h30 sáng 26/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 5.588.356, trong đó có 347.873 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, với 1.706.226 ca và nhiều ca tử vong nhất với 99.805 ca.
Diễn biến mới nhất là Brazil lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày cao hơn Mỹ và trở thành quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng thứ hai sau Mỹ.
Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận thêm 806 ca tử vong, trong khi con số này ở Mỹ là 505 người. Tổng số ca nhiễm ở quốc gia Nam Mỹ này hiện là 376.669 người. Số ca nhiễm mới tại Mỹ là 19.790 người và tại Brazil là 13.051 người.
Bất chấp tình hình dịch bệnh tại Brazil ngày càng xấu đi, Tổng thống Jair Bolsonaro lại một lần nữa không đeo khẩu trang, hòa vào dòng người tuần hành ủng hộ chính quyền của ông hôm 24/5. Ông Bolsonaro tạo dáng chụp ảnh, bắt tay mọi người và thậm chí còn bế một bé trai trên vai, đi ngược hoàn toàn khuyến cáo giãn cách xã hội để ngăn COVID-19 của các chuyên gia.
Tại châu Âu, Nga ghi nhận thêm 8.946 ca mắc và 92 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 353.427 trường hợp, trong đó 3.633 trường hợp tử vong.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Gamaley thuộc Bộ Y tế Nga, ông Alexander Ginzburg cho biết, việc tiêm vaccine rộng rãi phòng dịch COVID-19 cho người dân Nga có thể bắt đầu vào mùa thu. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất đến 9 tháng.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng ở mức 3 con số. Ngoài 2 nước có số ca nhiễm cao nhất châu lục này là Nam Phi và Ai Cập (số ca nhiễm tính tới thời điểm hiện tại lần lượt là 23.615 và 17.967), nhiều quốc gia châu Phi còn lại tiếp tục ghi nhận tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới ở mức 3 con số trong 24 giờ qua, đặc biệt là Algeria, Ghana, Djibouti, CHDC Congo. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Phi khác cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức 2 con số như Maroc, Senegal, Somalia và Côte d’Ivoire.
Diễn biến dịch tại châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, song theo con số thống kê đến nay châu lục này chỉ chiếm 1,5% tổng số ca nhiễm và dưới 0,1% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.
Ổ dịch lớn nhất Trung Đông – Thổ Nhĩ Kỳ – ghi nhận thêm 987 ca mắc mới và 29 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 25/5. Tổng số ca mắc tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là 157.814 trường hợp, trong đó có 4.369 ca tử vong.
Ổ dịch lớn nhất châu Á – Ấn Độ – ghi nhận thêm 6.405 ca mắc và 148 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 của Ấn Độ là 144.941, trong đó có 4.172 ca tử vong.
Singapore vẫn là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với 31.960 ca mắc và 23 ca tử vong do COVID-19.
BT
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More