Chiều 7/11, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn An Giang và Bình Dương.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.
Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.
Các đại biểu cho biết Luật Đấu thầu có liên quan đến rất nhiều Luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dầu khí và nhiều luật chuyên ngành khác… Tuy nhiên, một số quy định hiện hành về quy trình thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, quy định các trường hợp đặc biệt liên quan đến nhiều luật chuyên ngành chưa thực sự phù hợp, thống nhất giữa các Luật. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo thống nhất, đồng bộ các nội dung của dự thảo Luật và giữa Luật Đấu thầu với các luật khác.
Nêu quan điểm về việc cần cân nhắc vấn đề độc lập tài chính liên quan đến quy định bảo đảm cạnh tranh trong đầu thầu, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết thêm, thực tế còn có các trường hợp nhà thầu tư vấn, các công ty đại chúng đã niêm yết hoặc công ty cổ phần đã có cổ phần chào bán sàn khi tập trung hoặc trường hợp sở hữu chéo yếu tố độc lập… cần phải làm rõ. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý về các hành vi cấm trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với các chế tài của pháp luật hình sự, pháp luật hành chính.
Thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu đều nhấn mạnh đây là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá; quy định các biện pháp, mức độ kiểm soát, điều tiết từ phía Nhà nước và liên quan đến nhiều luật khác. Do đó, cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính thống nhất trong quản lý theo hướng các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.
Trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng…) cũng như liên quan đến nhiều điều ước quốc tế, các đại biểu đề nghị rà soát để xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; làm rõ mối quan hệ của luật này với các luật khác để bảo đảm không trùng lắp, mâu thuẫn. Một mặt có quy định dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành. Mặt khác cần có quy định mang tính nguyên tắc trong quản lý để tạo căn cứ áp dụng, minh bạch, dễ tiếp cận.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, dự thảo Luật chưa có quy định về việc xin ý kiến của HĐND cấp tỉnh trong quy trình định giá hàng hóa, dịch vụ của UBND cấp tỉnh. Do đó, khi không có quy trình xin ý kiến của HĐND tỉnh thì nên giao cho Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến về vấn đề này./.
Hồng Thanh