Chính trị

Đại biểu Quốc hội đề nghị bãi bỏ ‘barie’ giấy chuyển viện, Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, việc xin giấy chuyển viện hiện rất phiền toái, mất thời gian, cần phải được bãi bỏ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế lại cho rằng, phải lưu ý tới năng lực điều trị cơ sở cũng như tránh quá tải tuyến trên.

Xin giấy chuyển viện rất phiền toái

Sáng 20/11, phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói, hiện có rất nhiều cử tri đề cập đến việc phải đi xin giấy chuyển viện “rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi“.

Theo ông, trong bối cảnh công nghệ thông tin đã tiến bộ, việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông, trên 93% dân số Việt Nam có bảo hiểm y tế… thì việc có thêm “barie” giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ!

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). Ảnh Như Ý.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị đẩy mạnh tiến hành trình thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, phải làm sao để người có bảo hiểm muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc… Theo ông, đây là nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này.

Về tổng mức thanh toán hay giới hạn chi quỹ bảo hiểm y tế của cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian một năm, theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, nội dung này đã được điều chỉnh bằng Nghị định 75/2023 của Chính phủ. Các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo nhu cầu thực tế, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ nào, thuốc, hóa chất, vật tư gì sẽ được thanh toán.

Việc ban hành nghị định này, ông đánh giá đã chấm dứt sự phiền hà trong công tác khám chữa bệnh vốn “dùng dằng” nhiều năm qua. Do đó, ông mong muốn tiếp tục giám sát, thúc đẩy để nội dung nghị định triển khai thực chất, không bị biến chất.

Về bổ sung các loại thuốc vào danh mục bảo hiểm y tế, ĐBQH đoàn Hà Nội đề nghị phải được thanh toán với các thuốc điều trị bệnh nam khoa. Ngoài ra, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sắp tới nên lưu ý việc quy định danh mục thuốc được bảo hiểm y tế.

Danh mục thuốc, phác đồ nên để cho ngành y cùng cơ sở y tế, Bộ Y tế quyết định sử dụng. Bệnh nhân dùng thuốc, phác đồ nào, nếu đúng, hiệu quả… thì bảo hiểm y tế thanh toán đúng như vậy. “Xin đừng có danh sách thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán“, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh Như Ý.

Nhiều đời Bộ trưởng đã phải giải trình về quá tải

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cần phải đảm bảo được quyền lợi, giảm phiền hà cho người tham gia. Tuy nhiên, phải lưu ý tới năng lực điều trị của cơ sở cũng như đảm bảo tránh quá tải, bệnh nhân dồn lên tuyến trên.

Theo bà Lan, giảm tải quá tải là vấn đề mà “nhiều đời Bộ trưởng Y tế” đã phải giải trình. Thời gian qua, thực hiện Luật Khám chữa bệnh (năm 2019), việc phân tuyến chia làm 4 cấp chuyên môn kỹ thuật. Từ năm 2024, khi Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực, việc phân tuyến chia còn làm 3 cấp.

Bộ trưởng lý giải, việc phân cấp như vậy là để đảm bảo điều kiện, mức độ của từng cơ sở khám chữa bệnh; khả năng đáp ứng của cơ sở; thực trạng của người bệnh… từ đó bố trí phù hợp.

Từ năm 2014, việc chuyển tuyến phải thực hiện tuần tự từ dưới lên trên. Tuy nhiên, năm 2016 đã thông tuyến ở cấp huyện, năm 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh. Như vậy đã cơ bản tạo điều kiện chuyển tuyến cho người dân.

Cũng theo bà Lan, việc chuyển tuyến đang được thực hiện theo hai luồng. Thứ nhất là từ tuyến dưới lên tuyến trên trong trường hợp nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Thứ 2 là từ trên xuống dưới khi bệnh đã ổn định để đảm bảo lâu dài. Việc này, đảm bảo phù hợp, đáp ứng chất lượng khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, làm thế nào để giảm thủ tục hành chính khi người dân chuyển viện là vấn đề Bộ Y tế sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu phương án giải quyết phù hợp.

Bộ Y tế đang hướng tới triển khai chuyển tuyến điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân giảm thủ tục cho người dân.

Liên quan tới danh mục thuốc trong bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho hay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đảm bảo được việc điều trị tốt cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế.

Năm 2024, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư rà soát, sửa đổi danh mục thuốc bảo hiểm y tế để đảm bảo được nhu cầu điều trị của người dân.

Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More