Print Thứ hai, 25/05/2020 12:57 Gốc

Thảo luận tại phiên họp trực tuyến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Đại biểu Đỗ Văn Bình – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố (ĐBQH Hải Phòng) bày tỏ sự nhất trí cao về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế với những lý do đã trình bày tại Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập công ước của Chính phủ và báo cáo thẩm tra việc gia nhập công ước của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Về sự cần thiết gia nhập công ước. đại biểu Đỗ Văn Bình cho biết, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức đã được Tổ chức Lao động quốc tế ILO thông qua vào năm 1957 và là một trong 8 công ước cơ bản của ILO, hiện nay đã có 173 nước thành viên ILO tham gia công ước này.

Việc xóa bỏ lao động cưỡng bức theo quy định tại Công ước số 105 được coi là một trong những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần đảm bảo quyền tự do và phẩm giá của người lao động.

Ông Bình cho rằng, là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế, việc Việt Nam gia nhập một trong những công ước cơ bản của tổ chức này không chỉ là tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế mà còn khẳng định mạnh mẽ trách nhiệm của Việt Nam với Tổ chức Lao động quốc tế và cộng đồng quốc tế.

Đại biểu Đỗ Văn Bình (HP) thảo luận tai phiên họp trực tuyến, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Hiện nay Việt Nam đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 12 hiệp định thương mại tự do, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã được ký kết và dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp này.

Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo ra động lực quan trọng, mạnh mẽ, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước, nâng cao trình độ phát triển. Việt Nam ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với thị trường trên 500 triệu dân, chiếm đến 15% thương mại toàn cầu, là một trong đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Năm 2019 Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt trên 41 tỷ USD. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu khi được phê chuẩn sẽ được kỳ vọng tạo ra triển vọng lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ góp phần nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – EU lên một tầm cao mới mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

Các hiệp định thương mại tự do trên có đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, yêu cầu thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, do vậy việc Việt Nam gia nhập Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập quốc tế.

Hai, về tính hợp hiến và sự phù hợp với pháp luật của Việt Nam. Đại biểu Đỗ Văn Bình khẳng định: Luật pháp Việt Nam nghiêm cấm lao động cưỡng bức và đã thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Điều này được thể hiện ngay trong Hiến pháp, là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất. Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội đã được công nhận, tôn trọng và bảo vệ.

Điều 35 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nơi làm việc và nghiêm cấm phân biệt, đối xử, cưỡng bức lao động. Bộ luật Lao động số 45 năm 2019 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước cũng đã nêu rõ khái niệm về cưỡng bức lao động và quy định rõ cưỡng bức lao động là hành vi bị nghiêm cấm.

Như vậy, Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Mặt khác, như trong báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã khẳng định, sau khi rà soát các quy định hiện nay của Việt Nam phù hợp với quy định của Công ước 105. Do vậy, khi gia nhập Công ước, chúng ta không phải bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

Điều này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong việc tổ chức thực thi Công ước, sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Với những lý do trên, tôi nhất trí với đề nghị của Chính phủ là đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn gia nhập Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả Công ước, đảm bảo yêu cầu của Công ước là mọi thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế phê chuẩn Công ước này cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức và bắt buộc thì việc tổ chức thực thi Công ước cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch với các giải pháp cụ thể, phù hợp với sự quan tâm, chỉ đạo tập trung, quyết liệt.

Đại biểu Đỗ Văn Bình nhất trí với những vấn đề mà tại Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về gia nhập Công ước đã nêu cho việc chuẩn bị thực thi Công ước khi tập trung đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cơ quan liên quan, người lao động, người sử dụng lao động để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Theo ông Bình, cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo đúng quy định của Công ước; đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để đảm bảo việc thực hiện Công ước, sau khi được Quốc hội phê chuẩn đảm bảo hiệu quả.

THẾ KHOA

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đại biểu Đỗ Văn Bình: Xóa bỏ lao động cưỡng bức để bảo vệ quyền tự do và phẩm giá của người lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác